“Thành công” - hai từ mà dân công sở nào cũng có thể nói ra dễ dàng nhưng có mấy ai thực sự đạt được nó?
Nếu là dân công sở, ai cũng mong muốn con đường sự nghiệp thuận buồm xuôi gió sớm ngày đạt được thành công. Tuy nhiên, cuộc đời thật vốn không giống như là ước vọng, mong muốn thì mong muốn đấy, nhưng sao cứ thấy cái đích đến thành công mãi chỉ trong tầm mắt ngoài tầm tay. Lúc ấy không ít người bỗng trở nên tuyệt vọng, buồn rầu.
Quả thật, “thành công” - hai từ mà dân công sở nào cũng có thể nói ra dễ dàng nhưng mấy ai thực sự đạt được nó cơ chứ. Lý do cho việc này có thể là do bản thân mỗi người chưa có đủ nỗ lực, cũng có thể là vì năng lực chỉ tới đó thôi, hoặc may mắn chưa tìm đến mình và thậm chí đôi khi lý do chính nằm ở việc dân công sở chưa biết... cúi đầu.
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng câu chuyện cổ triết học phương Tây nho nhỏ dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn phần nào.
Chuyện kể rằng, xưa kia, có người mạo muội đặt câu hỏi với Sokrates - một nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng: “Ngài là người có học vấn uyên thâm thông tuệ, vậy xin hãy cho tôi biết khoảng cách giữa trời và đất là bao nhiêu?”.
Sokrates bình thản trả lời mà chẳng cần suy nghĩ: “Khoảng 1 mét”.
Người đó quá bất ngờ trước câu hỏi này, liền tức giận nói: “Ngài đùa cợt với tôi à, trẻ con sinh ra chẳng bao lâu sau đã cao hơn 1 mét huống gì người lớn. Khoảng cách giữa đất và trời lý nào lại thấp hơn con người hay sao?”.
Sokrates tiếp tục ung dung hồi đáp: “Đúng rồi, con người ai mà chẳng cao hơn 1 mét, vậy nên nếu muốn nổi bật giữa đất trời thì phải biết cách cúi đầu”.
Với một câu hỏi nhỏ và gần như không có câu trả lời, vị triết gia vĩ đại Sokrates vẫn điềm đạm phản hồi bằng cách lồng ghép một chân lý khá hay ho. Thế mới thấy rằng, trí tuệ của cổ nhân xưa kia dù ở phương Đông hay phương Tây đều không phải chuyện đùa.
Quay lại câu nói cuối cùng của Sokrates, chúng ta có thể rút ra được bài học rằng: Biết cúi đầu không đơn thuần chỉ là hành vi đạo đức đúng mực trong cuộc sống mà còn là kim chỉ nam cho dân công sở trên con đường tìm kiếm thành công. Muốn thành công, phải biết cách cúi đầu!
Nhưng cúi đầu cho điều gì? Dưới đây chính là câu trả lời:
Cúi đầu trước các bậc tiền bối
Trong công sở, không hiếm khi chúng ta cảm thấy những bậc tiền bối xung quanh thực sự chẳng tài giỏi bằng mình, nhanh nhẹn không, khả năng giải quyết sự cố cũng không. Tuy nhiên, họ đã bước vào đời trước chúng ta bao lâu rồi, hàng chục năm ấy đã giúp họ tích lũy số kinh nghiệm mà bản thân chúng ta vẫn cần phải học hỏi rất nhiều.
Họ có thể đã không còn nhiệt huyết bằng chúng ta, nhưng với tuổi đời, tuổi nghề mà họ có, chúng ta tuyệt đối đừng xấc xược hay tỏ ra cao ngạo trước mặt họ. Thay vào đó là phải biết cúi đầu. Cúi đầu trước các bậc tiền bối sẽ mang đến cho dân công sở rất nhiều lợi ích: đồng nghiệp quý trọng, sếp đánh giá cao và được trao cho hàng loạt kinh nghiệm phục vụ công việc... Chính những lợi ích này sẽ dẫn lối cho chúng ta đi đến thành công trong tương lai.
Cúi đầu trước những sai lầm của bản thân
Ai mà chẳng có sai lầm và dân công sở cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tiếc rằng, vì sợ bị trách phạt nên khi công việc gặp sự cố do sai phạm của bản thân, không ít người đã trốn tránh thừa nhận, đổ thừa hoàn cảnh, đùn đẩy trách nhiệm khiến cho đồng nghiệp và cả sếp chẳng ai vừa lòng thuận mắt. Thế mới thấy rằng, đây há chẳng phải là “gậy ông đập lưng ông” sao?
Cho nên, tốt nhất là khi bản thân mắc sai lầm, dân công sở phải biết cúi đầu thừa nhận, đối diện với lỗi lầm của mình và nhanh chóng tìm cách khắc phục. Một người thật thà, chân thành và luôn có thái độ tích cực như thế chẳng những không bị ghét bỏ mà còn được mọi người xung quanh yêu quý, bảo ban và tìm cách nâng đỡ trên con đường tìm kiếm thành công.
Cúi đầu khi dục vọng tăng lên
Môi trường công sở lắm thị phi, nhiều gian trá và có thừa các màn đấu đá tranh giành lẫn nhau. Điều này khiến cho không ít người vô tình từ trang giấy trắng bỗng hóa màu đen, hình thành tâm cơ để lao vào vòng xoáy đua tranh mưu cầu lợi ích cá nhân. Tiếc rằng, mê muội như thế sẽ chẳng bao giờ có được thành công thực sự.
Thành công chỉ đến với một dân công sở làm việc bằng cái tâm, đi lên bằng đôi chân mình và nhìn đời bằng đôi mắt liêm chính, không toan tính xấu xa. Do đó, khi cảm thấy lòng nặng trĩu những ý niệm không hay chẳng hạn như đố kỵ ghen ghét đồng nghiệp, bản thân dân công sở phải biết cúi đầu.
Cúi đầu để nhìn về bản thân mình, hiểu mình và trân trọng những giá trị mà bản thân đang có. Cúi đầu để không nhìn, không nghe những cám dỗ đầy rẫy xung quanh mình. Cúi đầu để dập tắt dục vọng tham lam và làm một con người xứng đáng với hai chữ “thành công”.
Nguồn Internet
Tin liên quan:
0 comments:
Đăng nhận xét