16 thg 12, 2019

Muốn trở thành một nhân viên giỏi hay nhà lãnh đạo tài ba, trước tiên, hãy mở rộng nhận thức và học cách vượt qua chính mình

Tiến sĩ Mark Epstein là tác giả và bác sĩ tâm thần làm việc tại một phòng khám tư nhân. Ông được biết đến với phương pháp nổi tiếng trong việc tích hợp triết học Phật giáo với tâm lý trị liệu. Và bảy cuốn sách đã được xuất bản của ông cũng sẽ giúp bạn khám phá được những khía cạnh khác nhau của điều này.

Cuốn sách mới nhất của ông, "Advice Not Given: A Guide to Getting Over Yourself", đề cập đến việc chia sẻ những trải nghiệm của ông trong hành trình vượt qua chính mình, và lợi ích của việc thiền định với bệnh nhân.

Cuốn sách này đã gây tiếng vang trong nước đặc biệt là đối với các nhà lãnh đạo và huấn luyện viên. Nội dung của nó xoay quanh "Con đường Bát chánh đạo của Phật giáo", mà bạn có thể nghĩ đơn giản là tám nguyên tắc để tự suy ngẫm.

Cuốn sách có rất nhiều ứng dụng thực tế cho bất cứ ai đang trên hành trình phát triển khả năng lãnh đạo hoặc chính con người họ.

Mark Epstein nói: "Tôi chỉ gọi ra ba trong số những nguyên tắc trên có liên quan đến các kỹ năng cốt lõi của lãnh đạo là: Tự nhận thức, hành động đúng và nỗ lực đúng đắn".

1. Nói đúng – nhận thức về việc tự nói chuyện của bản thân


"Nói đúng" trong các nguyên tắc Phật giáo chính là việc không buôn chuyện hoặc không nói những điều có hại cho người khác.

"Tuy nhiên, bạn phải mở rộng và áp dụng cách "nói đúng" này đối với cả việc tự nói chuyện với bản thân mình. Rất nhiều người cam chịu và thuận theo lối suy nghĩ tiêu cực khi nói với chính mình. Họ không thích điều đó nhưng lại chấp thuận để những suy nghĩ đó bủa vây lấy tâm trí của bản thân", Epstein viết.

Có lẽ bạn hầu như không nhận thức được những câu chuyện mà bạn tự nói với chính mình. Bạn không nhận ra rằng trong tâm trí mình giờ đang tràn ngập những cuộc hội thoại đầy tính tiêu cực. Những tiếng nói này thường có ý nghĩa phê phán, khiển trách và nói lên sự thật phũ phàng về những thất bại bạn sẽ phải đối mặt.

Những dòng suy nghĩ này nếu không bị kiểm soát và cản trở, chúng sẽ khiến bạn trở nên mất tinh thần và mệt mỏi. Nó ngăn bạn thử sức với những điều mới, đón nhận thách thức và biết ca ngợi người khác. Và bạn sẽ không có cơ hội trải nghiệm đầy đủ những niềm vui lớn, nhỏ của cuộc sống.

Epstein khuyên bạn nên ngồi thiền như một cách để điều chỉnh những dòng suy nghĩ có hại này. "Chúng ta có thể nắm bắt và đặt câu hỏi về những suy nghĩ của mình và kiểm soát chúng. Hãy cố gắng làm gián đoạn và hạn chế những gì suy nghĩ có hại cho bản thân. Đó chỉ là những gì bạn nghĩ, đừng biến nó thành sự thật".

Ngay cả khi bạn không muốn thiền, chỉ cần dành một hoặc hai phút chú ý đến giọng nói bên trong bạn và viết ra những suy nghĩ tiêu cực đang ở trong đầu bạn. Một khi bạn nhận biết được chúng, việc kiểm soát sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

2. "Hành động đúng" - cải thiện sự tự chủ về cảm xúc


"Hành động đúng đắn" đề cập đến việc kiềm chế các hành động phá hoại: không bạo lực, ăn cắp, ép buộc, hay lừa dối. Đây là những điều bạn cần tránh.

Một lần nữa Epstein lại mở rộng khái niệm này đến đời sống nội tâm bằng cách liên hệ nó với sự bốc đồng. Rất nhiều người Epstein đề cập trong cuốn sách "Advice Not Given", cảm thấy áp lực khi phải sửa đổi bản thân, giúp đỡ, nói, và làm bất cứ điều gì.

"Hầu hết các khách hàng của tôi đều cảm thấy như vậy. Các CEO và giám đốc điều hành đang phải liên tục chịu những áp lực từ trong công việc cho đến bên ngoài cuộc sống của họ. Chẳng hạn như, một nhân viên chủ chốt bỏ việc. Các sản phẩm cần giao cho một khách hàng lớn gặp trục trặc. Những tin tức tiêu cực liên tục ập đến công ty. Hàng ngày họ phải thường xuyên tổ chức các cuộc họp và di chuyển đến nhiều nơi khác nhau.

Trong những khoảnh khắc khủng hoảng đấy, bạn sẽ dễ dàng trở nên mất kiểm soát và có những cử chỉ bốc đồng, sai trái. Do vậy bạn cần phải phát triển các kỹ năng cần thiết để kiểm soát, điều chỉnh hành vi, và chọn ra những hành động lời lẽ đúng chuẩn mực. Đó là một trong những điều quan trọng nhất trong sự phát triển của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo.

Như Epstein viết: "Ngăn cản hành động bốc đồng của bản thân không đồng nghĩa với việc bạn không làm gì cả. Mà là bạn đang tìm ra những hướng đi lành mạnh và tích cực hơn cho mình". Để ngăn cản những hành động bốc đồng của bản thân, bạn cần phải dành ra những khoảng thời gian nhất định để kiểm tra trạng thái cảm xúc của mình. 

3. Nỗ lực đúng đắn - tìm kiếm sự cân bằng trong những gì bạn làm


Những gì tôi thường thấy ở các nhà lãnh đạo, đặc biệt là những người mới, là họ dành lượng công việc quá lớn cho bản thân mình. Bạn có thể ủy thác các nhiệm vụ phức tạp cho nhân viên của mình để tăng tính thử thách trong công việc cho họ. Thay vì, tự tay hủy hoại thời gian và sức khỏe của mình khi bạn phải giải quyết một đống công việc đáng lẽ có thể chia sẻ được.

Nỗ lực đúng đắn là một nguyên tắc giúp điều chỉnh nỗ lực của bạn phù hợp với hoàn cảnh. Đức Phật đã giải thích nó bằng một phép ẩn dụ trong việc chơi đàn. Nếu dây quá lỏng hoặc quá chặt, nhạc cụ sẽ không dễ chơi hay tạo ra âm thanh hay. Nếu dây được điều chỉnh vừa phải, đàn lute sẽ có âm thanh tuyệt vời và có thể dễ dàng chơi được.

Tương tự như vậy, tất cả chúng ta cần phải biết tìm cách dẫn dắt và tạo cơ hội cho người khác. Chúng ta phải học cách cân bằng những nỗ lực của mình. Bằng việc san sẻ hoặc thậm chí lắng nghe ý kiến từ những người có kinh nghiệm hơn mình.

Là một người quản lý, bạn phải biết đánh giá kỹ năng và năng lực của nhân viên mình. Khám phá xem họ đang gặp những khó khăn gì để có thể đưa ra những phương pháp phù hợp.

Bạn không phải là một nhà trị liệu hay một Phật tử. Bạn không cần phải đi trị liệu tinh thần hoặc học một khóa tu trong hai tuần. Nhưng những hiểu biết từ cuốn sách này có thể giúp bạn trở nên tháo vát hơn và kiểm soát được cảm xúc của mình. Và bạn sẽ có đủ động lực và khả năng để vượt qua chính mình.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét