"Vẫn còn tư duy kinh doanh chộp giật, mong muốn làm giàu nhanh chóng mà không chịu đầu tư thời gian và công sức để học hỏi và nghiên cứu, nhất là các công nghệ mới, công nghệ lõi của sản phẩm", báo cáo gửi gửi tới Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 gặp nhiều thách thức.
Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%.
Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp lớn, mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn, nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực.
Ví dụ, trên thị trường chứng khoán, quy mô vốn hóa trung bình của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán của Việt Nam chỉ là 186 triệu USD/ công ty vào năm 2018. Quy mô vốn này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 1,2 tỷ USD/công ty tại Philippines, 1,07 tỷ USD/công ty tại Singapore, 835 triệu USD/công ty tại Thái Lan, 809 triệu USD/công ty tại Indonesia và 553 triệu USD/công ty tại Malaysia tính đến thời điểm cuối tháng 4 năm 2018.
Trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn. Có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp.
Đặc biệt, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu. Theo một cuộc khảo sát của JETRO4 , các công ty Nhật Bản mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương trong năm 2016. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng ví dụ như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nguyên nhân của những hạn chế tồn tại trên là do cả chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân chủ quan do hạn chế yếu kém xuất phát từ quy mô nhỏ bé của doanh nghiệp. Đa số là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm 97-98% tổng số doanh nghiệp.
"Vẫn còn tư duy kinh doanh chộp giật, mong muốn làm giàu nhanh chóng mà không chịu đầu tư thời gian và công sức để học hỏi và nghiên cứu, nhất là các công nghệ mới, công nghệ lõi của sản phẩm. Tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, gây ô nhiễm môi trường…", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Nguyên nhân khách quan như cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng. Chất lượng cải cách môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Sự phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn khá phổ biến, đặc biệt là trong thực thi…
Nguồn VNECONOMY
0 comments:
Đăng nhận xét