Theo Trung tướng Đoàn Duy Khương, vụ ở anh trai sát hại cả nhà em ruột ở huyện Đan Phượng là vụ điển hình về phòng ngừa xã hội rất yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng của công an, nhất là công an cơ sở.
Trung tướng Đoàn Duy Khương. Ảnh: N.C
Chất vấn nhóm vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội tại Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV, nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về loại tội phạm giết người (nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Về vấn đề này, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, liên quan đến loại tội phạm này, cần phải hiểu rõ thế nào là phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.
Theo đó, các đối tượng có tiền án, tiền sự mà công an đang quản lý, theo dõi sẽ được xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ, còn các mâu thuẫn trong xã hội, có thể do bộc phát, cũng có thể tích tụ theo thời gian thì đó là phòng ngừa xã hội.
Vụ ở anh trai sát hại cả nhà em ruột ở huyện Đan Phượng là vụ điển hình về phòng ngừa xã hội rất yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng của công an, nhất là công an cơ sở.
"Chúng tôi đã yêu cầu Công an huyện Đan Phượng kiểm điểm, đặc biệt là kiểm điểm các cán bộ thuộc Đội Cảnh sát hình sự, công an xã. Bởi, mâu thuẫn giữa hai anh em trong vụ việc này không phải bộc phát, mà đã mâu thuẫn với nhau thời gian dài, người dân khu phố đều biết", Tướng Khương nói.
Theo Trung tướng Đoàn Duy Khương, đây không phải là đổ trách nhiệm mà muốn nói lên trách nhiệm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự là trách nhiệm của toàn đảng, toàn quân, toàn dân.
"Mâu thuẫn như vậy, tổ hòa giải ở đâu, đoàn thể đang ở đâu, phụ nữ, thanh niên đang ở đâu mà chậm chỉ đạo, xử lý như vậy. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng dù sao chăng nữa, trách nhiệm của lực lượng công an với vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, tổ chức, triển khai thực hiện phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ như thế là chưa được", Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nói rõ.
Liên quan vụ án này, ngày 12.12, TAND thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1966, ở Đan Phượng) tội “Giết người”. Đông bị cáo buộc đã thảm sát cả nhà em trai.
HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, thẩm phán Trần Nam Hà (Phó chánh tòa hình sự) ngồi ghế chủ tọa. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 ngày.
Nguồn Báo Lao Động
0 comments:
Đăng nhận xét