4 thg 1, 2020

AI đang làm gì loài nguời?

2020 là năm đầu của một thập kỷ mới. Làm sao chúng ta đứng vững trước AI vốn đã, đang và sẽ tiếp tục xâm hại vào đời sống riêng tư của loài người?

Một buổi sáng trong phòng làm việc yên ắng của chúng tôi, anh Mike đồng nghiệp cao 2 mét của tôi từ ngoài đi vào, vừa đi vừa nhìn smartphone vừa la to: “Trời ơi, cái lũ này đáng sợ quá! Thật kinh khủng".

Hóa ra là Mike vừa shop online ở một tiệm quần áo dành cho người quá khổ đêm qua thì sáng nay, điện thoại của anh đã tràn ngập những quảng cáo giày dép size lớn, quần áo truợt tuyết, quần áo thể thao cỡ lớn, ngay cả... dịch vụ vé máy bay dành cho người cần nhiều legroom (chỗ duỗi chân) trên máy bay. Trong lúc Mike vò đầu bứt tai buồn bực vì cảm giác bị “theo dõi", cả văn phòng tôi mỉm cười thương cảm. 

Bản thân tôi đã từng cảm thấy bị “chơi gác” trong vài tình huống tương tự. Gần đây nhất là một ngày đẹp trời cuối năm, tôi check những giao dịch trên thẻ tín dụng của mình thì phát hiện ra các loại phí to nhỏ hiện ra khắp nơi, lúc thì 0,99 USD, lúc khác là 1,99 USD, lúc lại 5 USD, có cái đến 10 USD.

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là điện thoại mình bị hack, cho đến khi tôi thấy những dòng chữ li ti giải thích dịch vụ. Hóa ra chính cậu út 10 tuổi nhà tôi là thủ phạm. Cậu ấy chơi FIFA 2019 và game của cậu có liên kết với tài khoản Apple của tôi.

Đầu tiên, cậu ấy tải app FIFA Mobile miễn phí vào iPad của mẹ, cậu đuợc chơi 2 tiếng vào thứ bảy cuối tuần. Sau đó cậu phát hiện ra chỉ có trở thành cầu thủ siêu sao, cậu mới có thể chiến thắng các đối thủ. Nhưng để sở hữu siêu sao như Messi hay Ronaldo thì chả bao giờ miễn phí cả, cậu phải dùng Apple ID của mẹ để mua.

Càng mua nhiều cầu thủ siêu sao, đội banh của cậu càng mạnh và cậu có thể bỏ Real Madrid, Liverpool hay Manchester vào sọt rác để xây một đội banh có thương hiệu riêng gọi là Ultimate Team, chống lại và chiến thắng cả thế giới.

Vấn đề là càng lên level khó thì cuộc chiến càng gian nan, cậu toàn gặp các đội khó xơi, và cậu phải bỏ thêm tiền để chi cho các cầu thủ nặng ký hơn. Con trai tôi cũng ngỡ ngàng nhận ra mình mua Ronaldo hay Messi được thì các người chơi khác cũng mua được. Các anh Ronaldo, Messi phiên bản khác nhau nhảy ra như nấm.

Khi cậu bực bội vì chơi thua định bỏ cuộc và vứt iPad thì màn hình lại chạy ra dòng chữ lòe loẹt thông báo một trận đấu khác sắp diễn ra. Thế là cuộc chia tay giữa người và FIFA chả bao giờ có hồi kết và mẹ cậu phải bấm nút xóa ngay và luôn cái app quái quỷ này khỏi thiết bị của bà ấy. 


Hẳn nhiều nguời trong chúng ta đã nghe nói đến AI (trí tuệ nhân tạo) và không ít đã nghĩ đó là một thứ gì đó xa xôi, chẳng can hệ gì đến mình. Miễn là người tiêu dùng chúng ta không làm gì quá đáng, chỉ lướt Facebook, Instagram, dùng điện thoại đọc tin tức, thi thoảng luớt vài trang mua hàng online,... Tôi cũng đã nghĩ như thế và đã đau lòng nhận ra tôi đã sai, hoàn toàn sai bạn ạ. AI chính là những thứ trên và ti tỉ các thứ khác đang dần dần "xâm lược" vào cuộc đời chúng ta.

Trong chúng ta không ai không "đội ơn" anh Google vì cách đây 10 năm không có anh, loài người chúng ta lao đao tìm thông tin một cách khốn khổ. Bây giờ thì chỉ cần 3 giây gõ từ khóa, tèng téng teng, hàng trăm hàng triệu thông tin hiện ra trước mặt chúng ta, bao la và miễn phí. Nhưng có thực sự là miễn phí không?

Google là cỗ máy tìm kiếm dữ liệu mạnh mẽ nhất thời đại chúng ta, Google biết điều này và luôn làm cách để người tiêu dùng như chúng ta biết rõ như thế. Điều mà loài nguời chúng ta ít biết là sau lưng ta, Google "chơi lớn" với ý đồ bá chủ thế giới. Từ lâu, Google đã có chính sách viết các thuật toán siêu đẳng hòng bưng bít thông tin của các hãng đối thủ, hay các thông tin không có lợi cho website của mình và các website trực thuộc Google để dìm hàng và bóp nát đối thủ.

Ở Anh, Google bị cặp vợ chồng Adam và Shivaun Raff kiện ra liên minh Châu Âu, cáo buộc Google dùng sức mạnh của website của mình dìm chết website Foundem của họ. Bất cứ ai cần so sánh giá cả hàng hóa ở Anh và Chấu Âu đều tim đến Foundem, nhưng từ khi Google xuất hiện, bất cứ thứ gì trên Foundem đều bị Google dùng thuật toán giấu nhẹm, không hề xuất hiện trong 10 kết quả đầu tiên (mà bạn biết rồi, trong thế giới kinh doanh nếu sản phẩm bạn không xuất hiện trong 5 kết quả đầu tiên thì đời bạn coi như xong).

Sau 11 năm dai dẳng kiện tụng, hội đồng liên minh Châu Âu đã ra quyết định phạt Google 2,1 tỉ bảng Anh và cảnh báo Google cần phải chơi đúng luật trong quá trình thể hiện ý đồ làm bá chủ thế giới. Ở Mỹ, Google đã từng muốn mua Yelp (website review các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lớn nhất của Mỹ) với giá 500 triệu đô la Mỹ năm 2009.

Khi ngườì sáng lập của Yelp Jeremy Stoppelman không chịu “bán mình”, anh Gúc tức tối dìm hàng Yelp bằng cách không cho hãng này hiện lên ở các cỗ máy tìm kiếm và dùng mọi thủ đoạn để dịch vụ review của Google hiện lên cho khách hàng thay vì Yelp. Yelp chống trả và kiện Google ra Uỷ ban chống độc quyền Mỹ và cuối cùng thắng cuộc. Nhưng tiếc thay, trong thời gian đó, Google cũng đã kịp chiếm một thị phần không nhỏ. 


Google “free mà không free", anh ta luôn lén lúc len vào đời sống chúng ta để rồi mỗi ngày chúng ta tìm kiếm thông tin gì đó, anh lưu lại và dùng AI để bán những dữ liệu chúng ta tìm cho các công ty sẵn sàng quảng cáo trên website của anh. Khi chính phủ Mỹ chuẩn bị ra một đạo luật chống xâm phạm riêng tư cá nhân gọi là SOPA (Stop Online Piracy Act), Google nhẹ nhàng tung ra một chiếc hộp đen nhỏ bên cạnh logo Google với hàng chữ “Đừng để quốc hội kiểm duyệt mạng internet", hàng chữ này dẫn người xem click vào một email gửi thắng đến Quốc hội và giật sập server của Quốc hội Mỹ. 3 ngày sau dự luật này bị gỡ bỏ. 

Amazon còn kinh hơn. Khởi đầu chỉ là một website bán sách cũ, Amazon đã trở thành nhà khổng lồ bán lẻ, và cho đến thời điểm này là website bán hàng online khủng nhất thế giới. Hãy tưởng tượng Amazon không sản xuất ra bất cứ thứ gì nhưng cung cấp tất cả các mặt hàng từ các nhà sản xuất khắp thế giới đến người tiêu thụ và ăn hoa hồng từ nhà sản xuất.

Amazon lại gánh phí để vận chuyển món hàng đến tận tay nguời tiêu dùng đồng thời trở thành một người chơi lớn trong cuộc chơi cạnh tranh với UPS, Fedex và tổng cục bưu chính Mỹ. Amazon hạ đối thủ bằng cách dùng các "bot" để kiểm soát giá của đối thủ, Quidsi là con mồi điển hình. Để bán đồ cho trẻ sơ sinh, Amazon dùng "bot" để kiểm soát giá của Quidsi trực tiếp. Khi đối thủ vừa tung giá lên, Amazon hạ ngay giá bên website của mình xuống (duới chi phí sản xuất), làm Quidsi chết không kịp ngáp.

Sau đó Amazon thò vòi bạch tuộc của mình ra mua Quidsi cũng như đã từng mua Zappo và Wholefood. Bên cạnh đó, dưới mắt người tiêu dùng chúng ta, ta từng nghĩ giá cả trên Amazon là rẻ, nhưng có thực sự rẻ không khi tất cả những gì ta tìm trên Amazon đã đuợc Amazon lưu lại bằng trí thông minh nhân tạo? Và những thông tin từ bạn sẽ được dùng trong tương lai để chống lại bạn?


Đại loại như, người này đã từng có khả năng mua những thứ này, với giá này. Thế là trong tương lai những quảng cáo tương tự với giá cao hơn tí xíu sẽ đuợc tung ra, dụ bạn, “mua tôi đi, mua nữa đi”, dìm bạn trong cái gọi là “vòng tiêu dùng” vô cùng luẩn quẩn của xã hội tiêu thụ. Càng xem nhiểu quảng cáo thi bạn biết rồi, càng dễ dàng sa ngã. 

Facebook từ lâu đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt mình. Xưa rảnh thi mọi người còn nấu nướng, vá may, đan len, đọc sách, học các loại nhạc cụ, nay có tí thì giờ rảnh là đặt đồ ăn ship đến nhà để có thời giờ lướt Facebook. Mỹ gọi Facebook và Instagram là các nhà buôn sự chú ý (attention merchant). Các nút like, love chính là các công cụ trao đổi sự chú ý đó, một người có thể cho rằng, càng có nhiêu người like, love bài viết của mình, anh ta càng nổi, càng có nhiều sư chú ý.

Ít ai biết là trường dại học trứ danh đặt tại thung lũng Silicon Standford đã có những khóa học do Facebook tài trợ, hòng lấy chất xám từ các sinh viên Standford, để tìm cách làm cho Facebook hấp dẫn hơn với người chơi. Các tính năng đổi mới làm cho càng chơi Facebook lâu thì con người càng nghiện nó. Như một lọại chất gây nghiện, các nút like, love, còm càng nhiều càng làm cho người ta thấy mình được xã hội yêu mến, đồng loại chấp nhận, bạn bè ngưỡng mộ, kẻ thù ghen tỵ (càng lúc càng sân si). Và Facebook nghiễm nhiên thành nhà buôn mọi sự chú ý.


Năm 2018, tác giả bài viết này đã miệt mài theo dõi chủ nhân của Facebook là anh Mark điều trần trước Quốc hội Mỹ về khả năng Facebook có liên quan đến bầu cử của Nga. Điều thú vị nhất của cuộc điều trần là đã nhiều năm liền, Facebook hợp tác chặt chẽ với Huawei, đồng thời cho phép Huawei đuợc dùng tất cả các thông tin của người chơi trên Facebook bao gồm lịch sử làm việc, gia đình, chồng vợ, các thông tin tôn giáo. Facebook tuyên bố đã cắt đứt với Huawei nhưng không gì bảo đảm những thông tin đó đã được xóa bởi các bên từng hơp tác với Facebook.

2020 là năm đầu của một thập kỷ mới. Làm sao chúng ta đứng vững trước AI vốn đã, đang và sẽ tiếp tục xâm hại vào đời sống riêng tư của loai người chúng ta?

Trong khi chính phủ, các quốc gia Mỹ, Châu Âu đang cấp tập suy nghĩ các biện pháp để ngăn chặn sự tràn lan, xâm lấn của những người khổng lồ, những cá nhân riêng lẻ như tôi, như bạn cũng nên có cách riêng của mình: ít dành thời gian trên phone, trên máy hơn.

Bản thân tôi luôn cảm thấy khỏe khoắn nhẹ nhàng hơn khi có được buổi cuối tuần trồng hoa đọc sách. Cậu bé nhà tôi không được sờ đến Ipad trong tuần, chỉ đuợc chơi FIFA vào thứ bảy, nghĩa là dành nhiều thời gian hơn cho thể thao, cho bố mẹ, bạn bè. Khi cậu ấy lên Youtube, tôi ngồi cạnh cậu để xem cậu chơi gì, xem gì, và thích thú chờ xem các AI chuẩn bị giở trò gì để “thịt” cậu. 

Cậu bé nhà tôi vẫn thích chơi game online và YouTube nhưng mẹ cậu thì thích khả năng control (kiểm soát) con mình trên mạng còn hơn cả cậu mê FIFA 19 và FIFA 20.

Nguồn Houston

0 comments:

Đăng nhận xét