Mới bay được 1 năm, nhưng Bamboo Airways vừa công bố nâng quy mô đội bay lên 50 chiếc vào năm 2020, trong đó có 12 tàu bay thân rộng. Tuy nhiên, hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết dường như khó thực hiện tham vọng này.
Bamboo "thần tốc" nâng cấp đội tàu bay
Trước đó, Tổng giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho biết: Bamboo Airways bắt đầu khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên hôm 16/1/2019. Dù Chính phủ mới cho phép Bamboo Airways khai thác 30 tàu tới năm 2023, tuy nhiên, hãng vẫn tự tin nâng quy mô đội tàu bay lên 50 chiếc trong năm 2020.
Về mạng đường bay, Bamboo Airways dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ khai thác 85 đường bay, trong đó có 60 đường bay nội địa và 25 đường bay quốc tế, tăng đáng kể so với các con số 34 và 6 hiện nay.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways còn có kế hoạch mở các đường bay Hà Nội - Prague (Séc) vào tháng 3/2020 và Hà Nội - Munich (Đức) vào tháng 4/2020. Đến tháng 5/2020, Bamboo Airways dự kiến mở các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Melbourne (Australia).
Tự tin về kế hoạch sẽ sớm được cấp phép nâng số lượng tàu bay, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết khẳng định "Bamboo Airways là hãng bay đúng giờ nhất, an toàn nhất, dịch vụ tốt nhất, tận tâm, tận tụy nhất Việt Nam, làm thay đổi diện mạo ngành hàng không và được thế giới ghi nhận là kỳ tích của ngành hàng không thế giới. Chúng tôi làm tốt như vậy, không cấp phép điều chỉnh cho Bamboo Airways thì cấp phép cho ai bây giờ?".
"Hiện chúng tôi muốn xin phép nâng đội tàu bay lên 50 chiếc. Cho dù Bamboo Airways muốn nâng lên 100 hay 200 tàu bay, trong khi Bamboo đang làm ăn rất tốt như thế, nhà nước chắc chắn sẽ cấp phép. Làm tốt, phải được khuyến khích”, ông Quyết nói.
Tham vọng không dễ
Trước đề xuất của Bamboo Airways, đại diện Cục hàng không cho biết chưa nhận được văn bản từ hãng hàng không này.
Còn nếu muốn được nâng cấp đội bay, theo Luật Đầu tư, trước hết Bamboo Airways sẽ phải làm hồ sơ xin điều chỉnh dự án vận tải hàng không Tre Việt.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không, Bamboo Airways sẽ tiếp tục phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không tới Cục Hàng không Việt Nam.
“Bộ GTVT là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 89/2019 vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92 quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung có hiệu lực từ 1/1/2020”,
"Khi xem xét cấp lại giấy phép là Bamboo Airways phải có phương án khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không phù hợp với điều kiện thực tiễn cơ sở hạ tầng và quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", vị lãnh đạo Cục hàng không nói.
Được biết, theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sẽ tập trung phát triển và khai thác đội tàu bay gồm các loại tàu bay mới, trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) cấp chứng chỉ loại tàu bay (Type Certificate), phù hợp với tiêu chuẩn và năng lực của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay. Hình thành và phát triển đội tàu bay chuyên vận chuyển hàng hóa, phục vụ hàng không chung. Số lượng tàu bay khai thác đến năm 2020 đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc.
Về điều kiện kinh doanh, quy định mới của Chính phủ nêu rõ phải đáp ứng điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác (bao gồm số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay; Hình thức chiếm hữu; Phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay).
Số lượng tàu bay duy trì trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không tối thiểu là 3 tàu bay đối với kinh doanh vận chuyển hàng không; tối thiểu là 1 tàu bay đối với kinh doanh hàng không chung.
Ngoài ra, mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 tàu bay là 300 tỷ đồng Việt Nam; Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 600 tỷ đồng Việt Nam; Khai thác trên 30 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam.
Điều đó cho thấy, dù có nhiều tham vọng nhưng mục tiêu đạt 50 máy bay trong năm 2020 của Bamboo Airways khó thành hiện thực vì liên quan đến việc phải đánh giá nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường. Đánh giá thực tiễn và mức độ cạnh tranh dịch vụ được cung cấp trên thị trường cũng như phải có chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không, chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển kinh doanh của 5 năm đầu kể từ ngày khai thác.
Nguồn VNF
Tin liên quan:
0 comments:
Đăng nhận xét