EPTC/EVN đã giữ lại khoản tiền điện của các nhà máy Cà Mau 1&2, Vũng Áng 1 lên đến 1.556 tỷ đồng khiến PV Power phải trích lập dự phòng 400 tỷ đồng.
Theo đó, riêng quý 4/2019 doanh thu thuần đạt 9.182 tỷ đồng tăng 16,6% so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng thêm gần 12% nên lợi nhuận gộp đạt 1.252,5 tỷ đồng tăng mạnh 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ hoạt động tài chính mang về cho POW hơn 87 tỷ đồng giảm 22% so với cùng kỳ trong khi chi phí của hoạt động này lên tới gần 325 tỷ đồng tăng 38% so với cùng kỳ. Ngoài ra chi phí QLDN cũng tăng mạnh lên gấp 3 lần cùng kỳ từ 222 tỷ đồng lên gần 670 tỷ đồng khiến lãi ròng của POW chỉ còn gần 346 tỷ đồng trong đó LNST của công ty mẹ đạt 268 tỷ đồng giảm 6% so với quý 4/2018.
PV Power cho biết chi phí QLDN tăng mạnh là do công ty mẹ phải trích lập dự phòng phải thu quá hạn thanh toán từ Công ty mua bán điện (EPTC/EVN) đối với khoản doanh thu tiền điện EPTC/EVN đang đơn phương giữ lại. Tính đến 31/12/2019, EPTC/EVN đã giữ lại khoản tiền điện của các nhà máy Cà Mau 1&2, Vũng Áng 1 lên đến 1.556 tỷ đồng (trong đó số quá hạn thanh toán từ 6 tháng trở lên khoảng 980 tỷ đồng) dẫn đến công ty mẹ phải trích lập dự phòng phải thu theo quy định gần 400 tỷ đồng.
Nhờ kết quả kinh doanh tốt trong 9 tháng đầu năm nên lũy kế cả năm 2019, POW đạt 35.421 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 139% so với cùng kỳ, LNST công ty mẹ đạt 2.491 tỷ đồng cao gấp gần 6 lần so với năm 2018 tương đương EPS đạt 1.064 đồng.
Năm 2019, PV Power đặt chỉ tiêu doanh thu gần 32.770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2.275 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so với kết quả năm 2018 theo đó kết thúc năm 2019 công ty đã hoàn thành vượt 8% mục tiêu về doanh thu và vượt 25% mục tiêu về lợi nhuận.
Sang năm 2020, PV Power phấn đấu tổng sản lượng điện cả năm đạt 21,6 tỷ kWh; Doanh thu toàn Tổng công ty đạt 36.793 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 2.530 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 2.154 try đồng.
Cũng trong năm 2020, PV Power đặt mục tiêu thực hiện tốt công tác thu xếp, đảm bảo nhiên liệu (than, khí) cho các nhà máy điện; Xử lý dứt điểm vấn đề tro xỉ tại NMĐ Vũng Áng 1; Quyết liệt triển khai dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4 và các dự án mới; Chuẩn bị cho công tác đại tu NMĐ Cà Mau 1 và Vũng Áng 1 năm 2021; Đề xuất Tập đoàn điều chỉnh kế hoạch tái cấu trúc theo hướng hiệu quả cho hoạt động của Tổng Công ty.
Khi lên sàn chứng khoán vào tháng 3/2018 với giá 18.000 đồng/cổ phiếu, giới đầu tư kỳ vọng, POW có lợi thế vì ngành điện cung không đáp ứng đủ cầu. Tuy nhiên trên thị trường, cổ phiếu POW đã liên tục giảm, chốt phiên ngày 30/1 chỉ còn 11.100 đồng/cp, giảm khoảng 38% thị giá so với đầu năm.
Giá chứng khoán mã POW lúc 10h00 ngày 31/01/2020
Theo Tài chính Plus/HSX
0 comments:
Đăng nhận xét