Thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ sau những thông tin liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Kết phiên giao dịch ngày 8/1, VN - Index giảm gần 10 điểm xuống 948,98 điểm và HNX - Index giảm 1,09 điểm xuống 100,33 điểm; thanh khoản tăng vọt trong phiên này.
Cụ thể, trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh cổ phiếu tới hơn 319,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 5.196,4 tỷ đồng.
Tính chung trên cả 2 sàn, có tới 351 mã giảm giá, trong khi chỉ có 123 mã tăng giá. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu của các công ty trên HOSE có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất) có tới 27 mã giảm giá, trong khi chỉ có 2 mã tăng giá.
Nhà đầu tư nước nước ngoài bán bán ròng hơn 160 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong khi mua ròng nhẹ trên HNX (đạt 2,37 tỷ đồng) và UPCoM (490,51 triệu đồng).
Diễn biến giảm giá của thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu từ những căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Trước đó, giá dầu thế giới đã nới rộng đà tăng sau vụ không kích của Mỹ ngày 3/1 làm Thiếu tướng Qassem Soleimani của Iran thiệt mạng.
Theo các chuyên gia, thị trường lo ngại một cuộc xung đột trên diện rộng tại Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung “vàng đen”.
Hiện khu vực Trung Đông chiếm gần một nửa sản lượng dầu thế giới, trong khi 1/5 số tàu chở dầu trên toàn cầu đều phải đi qua eo biển Hormuz.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực ngay sau vụ việc trên. Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 6/1), VN - Index giảm 9,35 điểm xuống 955,79 điểm.
Khối lượng giao dịch đạt hơn 187,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 3.417 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng giá, 41 mã đứng giá và 251 mã giảm giá.
HNX - Index giảm 1,16 điểm xuống 101,23 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 25 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 302 tỷ đồng. Toàn sàn có 38 mã tăng giá, 49 mã đứng giá và 74 mã giảm giá.
Giá cổ phiếu dầu khí cũng tăng mạnh trong phiên này. Cụ thể, PVS tăng tới 5%, PVD tăng 4,3%, BSR tăng 3,7%, GAS tăng 3,2%, PVC tăng 2,9%, PVB tăng 2,7%, PLX tăng 0,4%...
Đến ngày 7/1, chứng khoán Việt Nam có chút hồi phục khi chỉ số VN - Index tăng hơn 3 điểm, nhưng thanh khoản rất thấp và điều đó cho thấy tâm lý e ngại của giới đầu tư.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Đức, Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS cho rằng, căng thẳng Mỹ - Iran sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu.
Rõ ràng những thông tin dạng này gây lúng túng cho giới đầu tư vì không thể đánh giá và lường trước được rủi ro.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể nhanh chóng thoát ra những tài sản mang tính rủi ro cao như chứng khoán. Điều này cũng lý giải mức độ bán mạnh của giới đầu tư trong những phiên gần đây.
Theo Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ông Lê Đức Khánh, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã có từ lâu, gần đây mức độ căng thẳng được đẩy lên cao gây thêm bất ổn ở khu vực Trung Đông và tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Vị chuyên gia này cho rằng, câu chuyện xung đột khu vực là một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến xu thế thị trường chứng khoán.
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng khá mạnh. Trong giai đoạn vừa qua khối ngoại đã có xu thế bán ròng trên thị trường, chứng khoán Việt Nam cũng đi ngang và điều chỉnh suốt trong năm 2019.
Cộng thêm với diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran mới đây khiến nhà đầu tư nội và ngoại bán mạnh cổ phiếu. Ảnh hưởng này có lẽ còn tiếp diễn và tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Khánh, câu chuyện địa chính trị này khiến giá vàng và giá dầu có xu hướng tăng. Iran là một trong 4 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Mặc dù sản lượng xuất khẩu dầu của nước này có giảm do trong giai đoạn cấm vận của Mỹ, nhưng sản lượng dầu mỏ vận chuyển qua eo biển Hormuz tương đối lớn.
Vì vậy, căng thẳng leo thang khiến hoạt động vận chuyển dầu giảm sút và nguồn cung dầu của thế giới ảnh hưởng dẫn đến giá dầu thế giới cũng sẽ leo thang.
Thực tế, trong phiên giao dịch sáng 8/1, giá dầu châu Á tăng mạnh 4,53% so với giá dầu thô Mỹ sau khi Iran phóng tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq nhằm trả đũa vụ ám sát Tướng Qassem Soleimani
Cụ thể, vào lúc 7 giờ 29 phút (giờ Việt Nam) tại thị trường châu Á, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 4,53% lên 65,54 USD/thùng. Tuy nhiên, sau đó giá dầu đã giảm nhẹ trở lại.
Trước đó, trong phiên 7/1, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 64 xu Mỹ (tương ứng 0,93%) xuống 68,27 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 57 xu Mỹ (0,9%) xuống 62,70 USD/thùng.
Đánh giá về tác động của giá dầu răng đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ông Lê Đức Khánh cho biết, giá dầu tăng nhìn chung sẽ có tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu dầu khí của Việt Nam.
Dù vậy, trong vài năm trở lại đây có thể nhận thấy sự phân hóa kết quả kinh doanh của các đơn vị trong ngành dầu khí.
Trong khi nhóm những doanh nghiệp dầu khí thuộc nhóm thượng nguồn (Ngành công nghiệp dầu khí thường được chia thành các phần chính như: thượng nguồn và hạ nguồn) có kết quả kinh doanh tốt hơn và được hưởng lợi hơn vì liên quan đến câu chuyện giá dầu, trong khi nhóm hạ nguồn dù giá dầu tăng cũng không được hưởng lợi.
“Bên cạnh đó, chỉ có những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt được hưởng lợi, tức là nhóm mang tính chất đầu cơ được nhà đầu tư yêu thích, dù kết quả kinh doanh không tốt cũng có cơ hội tăng giá”, ông Khánh nói.
Cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam, sắc đỏ bao phủ hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 8/1.
Tuy nhiên, biên độ giảm đã được thu hẹp vào cuối phiên giữa bối cảnh giá dầu giảm nhẹ sau khi Iran nã hàng chục tên lửa đất đối đất vào căn cứ không quân Ain Al-Asad của Iraq, nơi quân đội Mỹ đồn trú đóng quân.
Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á Thái Bình dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,72%, sau khi giảm hơn 1% vào đầu phiên. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 370,96 điểm (1,57%), xuống 23.204,76 điểm.
Trong khi đó, đồng Yên của Nhật Bản vốn được coi là "nơi trú ẩn an toàn" trong thời kỳ bất ổn lại tăng so với đồng USD.
Tâm lý bất an gia tăng trên thị trường tài chính sau vụ Iran tấn công trả đũa Mỹ ngày 8/1 khiến chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) và chỉ số sàn giao dịch KOSDAQ đồng loạt giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch 8/1, chỉ số KOSPI dừng ở mức 2.151,3 điểm, giảm 24,23 điểm (1,11%) so với phiên giao dịch trước đó. Nhà nghiên cứu Lee Young-gon thuộc Công ty đầu tư tài chính Hana nhận định rủi ro địa chính trị từ khu vực Trung Đông đang là yếu tố tác động xấu nhất lên thị trường chứng khoán.
Chiều 8/1, truyền thông Iran đưa tin đã có hơn 80 lính Mỹ thiệt mạng. Lo ngại của dư luận về phản ứng của Washington khiến các chỉ số chứng khoán tiếp tục giảm. Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 8,8 điểm (0,13%), xuống 6.817,60 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đỏ sàn giữa bối cảnh thị trường toàn cầu chao đảo do căng thẳng Mỹ - Iran leo thang.
Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt hạ 37,91 điểm (1,22%) và 234,14 điểm (0,83%), xuống 3.066,89 điểm và 28.087,92 điểm.
Theo Bnews
0 comments:
Đăng nhận xét