Theo quan điểm của Bộ Tài chính, đây là giải pháp mang tính cấp bách để quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Là kênh huy động vốn thay thế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp những năm trở lại đây tăng trưởng mạnh. Đặc biệt từ sau quyết định siết chặt vốn từ các NHTM, huy động qua trái phiếu tăng trưởng đáng kể trong năm 2019.
Theo thống kê công bố từ HNX và từ các doanh nghiệp, năm nay có 211 doanh nghiệp thực hiện chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành trong đó có 12 đợt phát hành không thành công. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018. Hầu hết các doanh nghiệp phát hành dưới hình thức riêng lẻ, chỉ có khoảng 6% phát hành ra công chúng bởi các ngân hàng thương mại.
Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 9,01% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019), tổng lượng TPDN lưu hành đạt gần 670 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù mang tính tất yếu, sự tăng trưởng nóng của thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Thực tế, một số doanh nghiệp không ghi rõ mục đích sử dụng vốn cũng như kế hoạch thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Thậm chí, nhằm thu hút dòng vốn, nhiều đơn vị chào mời lãi suất cao: điều này không chỉ ảnh hưởng đến trái chủ nói riêng mà còn tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất toàn thị trường nói chung.
Trước những vấn đề trên, Bộ tài chính đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư trong bản tin đầu quý cuối năm. Mới nhất, Bộ Tài chính cũng vừa hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP với nhiều quy định nhằm quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Dự thảo có những thay đổi lớn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, nhằm bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như hạn chế nguy cơ từ tình trạng lạm dụng huy động vốn qua kênh này.
Thứ nhất, đối với giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định quy định trái phiếu bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Hiện tại, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về số lượng 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như quy định của Luật Chứng khoán năm 2010.
Thứ hai, Dự thảo cũng bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, giới hạn khối lượng phát hành, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng, với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.
Nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã khác nhau cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu là 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Thứ ba, về lãi suất phát hành, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015, quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của doanh nghiệp khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.
Dự thảo Nghị định được xây dựng và ban hành theo quy trình thủ tục rút gọn để sớm triển khai thực hiện.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, đây là giải pháp mang tính cấp bách để quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét