Nông dân Đặng Mậu Thơm - sinh năm 1977, trình độ học vấn lớp Ba - mua đất bằng “giấy tay” từ sáu hộ dân khác để dựng chòi, làm nơi chăn cừu.
Anh Thơm trên phần đất mình đã mua lại của sáu hộ dân bằng “giấy tay”
Phía sau một phiên tòa
Vừa rời phiên tòa xét xử chồng mình, chị Nguyễn Thị Thu Liễu - ngụ tại xã Chí Công, H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - đã kêu cứu với Báo Phụ Nữ TPHCM. Chồng chị Liễu - anh Đặng Mậu Thơm - bị truy tố về tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.
Trong phiên tòa ngày 9/1, luật sư của anh Thơm đã đưa ra bằng chứng quan trọng, chứng minh anh Thơm không phạm tội. Bằng chứng này không có trong hồ sơ vụ án. Ngay hôm đó, hội đồng xét xử đã quyết định tạm dừng phiên tòa để tiếp tục củng cố hồ sơ.
Những ngày giáp tết, chị Liễu cùng ba đứa con nhỏ rất lo lắng khi người đàn ông trụ cột của gia đình phải “đáo tụng đình”. Chị Liễu nói: “Chồng tôi chỉ học tới lớp Ba nên nhiều khi tính toán không bằng người ta. Nhưng chúng tôi mua đất cũng có giấy tờ, chữ ký bên bán hẳn hoi, đất người ta khai hoang từ mấy chục năm, từng đưa vô hợp tác xã rồi sau này trả lại cho dân, chứ đâu phải gom đất bậy bạ mà đến nỗi bị truy tố”.
Liên quan đến vụ án này, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân H.Tuy Phong, bị cáo Đặng Mậu Thơm đã hai lần chiếm đất công, xây công trình trái phép với tổng diện tích hơn 10,3ha tại khu vực Hoàng Lan, xã Hòa Minh, H.Tuy Phong. Sau khi phát hiện, UBND xã Hòa Minh lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 2 triệu đồng, nhưng anh Thơm không chấp hành. Ngày 27/2/2019, UBND xã Hòa Minh lập biên bản vi phạm hành chính lần thứ hai đối với anh Thơm và chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Tuy Phong.
Cáo trạng cho rằng, tổng cộng hai lần, anh Thơm chiếm 103.193,7m2 đất do Nhà nước quản lý, có tọa độ được ghi nhận tại biên bản xác định hiện trường ngày 12/9/2019. Điều này đủ cơ sở để khẳng định, anh Thơm đã phạm tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai tại khoản 1, điều 228, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Với tội danh này, anh Thơm đứng trước nguy cơ bị xử phạt cao nhất đến 3 năm tù giam.
Chỉ xây chòi chăn cừu trên đất mình mua
Tuy nhiên, trong đơn gửi đến cơ quan chức năng, anh Đặng Mậu Thơm cho biết, xuất phát từ ý muốn di dời đàn cừu từ xã Chí Công sang nơi có diện tích rộng và môi trường thuận lợi hơn để đàn cừu phát triển, từ năm 2013-2016, anh Thơm đã lần lượt sang nhượng phần đất từ sáu hộ dân ở xã Minh Hòa bằng giấy viết tay. Anh Thơm đã xây nhà và chòi tạm trên phần đất này để có chỗ che nắng, mưa khi đi chăn cừu chứ không sử dụng vào mục đích khác. Do vậy, anh Thơm cho rằng, mình bị truy tố oan.
Các hộ dân bán đất cho anh Thơm khẳng định, họ bán đất cho anh Thơm bằng “giấy tay” chứ không phải anh Thơm lấn chiếm. Nguồn gốc số đất trên của họ là do khai hoang, được cha mẹ để lại nhưng do hạn hán, không trồng trọt được nên bán lại cho anh Thơm.
Về việc cưỡng chế ngày 27/12/2018, anh Thơm cho biết, UBND xã Hòa Minh không đưa anh bất cứ văn bản nào nhưng đã tổ chức cưỡng chế, nhổ bỏ trụ bê tông đem về trụ sở UBND xã. Anh Thơm đã gửi đơn khiếu nại rất nhiều lần về việc cưỡng chế trên nhưng UBND xã Hòa Minh vẫn không giải quyết, nhiều lần trả lại đơn.
Gần một tháng sau đó, do phần chòi trú nắng mưa có sẵn trên đất mua bị hư hỏng, anh Thơm đã làm một nhà tạm bằng tôn với diện tích 48m2. Sau khi nhà tạm hoàn thành, UBND xã Minh Hòa đã lập biên bản, cho rằng anh Thơm lấn chiếm đất chồi rừng 48m2 để làm nhà tạm. Ngày 23/1/2019, UBND xã Hòa Minh ra quyết định xử phạt anh Thơm 2 triệu đồng, buộc khôi phục hiện trạng, nếu không, sẽ bị cưỡng chế.
Tiếp đó, ngày 11/2/2019, do trời nắng nóng, cần nước cho đàn cừu uống, anh Thơm thuê người nạo vét lại cái ao hiện hữu trên phần đất anh mua của một người dân tên là Nguyễn Sinh, đồng thời lắp mấy cây trụ dựng tôn để che nắng cho đàn cừu. Thế nhưng, UBND xã Hòa Minh lại mời anh Thơm lên làm việc và lập biên bản về hành vi nạo vét ao và làm chòi tạm 21m2.
Trong thời gian anh Thơm đang khiếu nại các quyết định của UBND xã Hòa Minh và bị trả đơn thì ngày 6/3/2019, UBND xã Hòa Minh đã ban hành quyết định chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự với anh Thơm.
Chính quyền xã không tuân thủ pháp luật?
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, vụ việc của anh Thơm có dấu hiệu “hình sự hóa hành vi hành chính”. Luật sư Đức cho rằng, cứ giả sử rằng đây là đất công, vậy tại sao hành vi của anh Thơm bị cho là phạm tội, còn các hộ bán đất cho anh Thơm lại bình an vô sự? Hơn nữa, anh Thơm mua lại đất của các hộ dân khác nhau, có nguồn gốc khai hoang, có giấy tay và xác nhận của người dân. Rõ ràng, việc xử lý của địa phương thiếu khách quan khiến người mua là anh Thơm “thiệt đơn, thiệt kép”.
Luật sư Đức nhận định: “Thực tế vụ việc cho thấy, UBND xã tổ chức cưỡng chế không đúng theo quy định về giải quyết vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong khi không giải quyết việc anh Thơm khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chính quyền xã lại lấy cớ anh Thơm làm chòi tạm 21m2 và vét ao để quy kết, lập biên bản cho rằng anh Thơm lấn chiếm 103.193,7m2 đất, sau đó chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố vụ việc. Điều này khiến tôi hoài nghi về việc tuân thủ pháp luật của chính quyền xã”.
Cũng theo luật sư Đức, sau khi nghiên cứu hồ sơ, ông nhận thấy, UBND xã đã loại ra và thêm vào các biên bản nhằm hoàn thiện hồ sơ để các cơ quan tố tụng làm căn cứ truy tố anh Thơm. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Cơ quan cảnh sát điều tra và viện kiểm sát địa phương dựa theo sự quy chụp của chính quyền xã, hình sự hóa hành vi hành chính là điều hết sức vô lý và khuất tất.
Nguồn Phụ Nữ Online
0 comments:
Đăng nhận xét