1 thg 1, 2020

Nghệ An: Phó Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam hành xử thiếu chuẩn mực, không hiểu luật báo chí


Mặc dù phóng viên (PV) đã xuất trình giấy tờ, ghi rõ nội dung đặt lịch làm việc theo đúng quy định, nhưng ông Phan Xuân Hóa, Phó Ban QL Khu kinh tế Đông Nam lại hành xử thiếu chuẩn mực để nghị có thẻ nhà báo và đuổi PV ra khỏi phòng.
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, nơi PV đến làm việc theo lịch đã đặt hẹn

Vừa qua, báo Nhà báo & Công luận nhận được phản ánh về nhiều bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho Công ty TNHH phát triển Đông Hồi trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu.

Cụ thể, dự án được Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cấp chứng nhận lần đầu ngày 2/3/2016 cho công ty TNHH phát triển Đông Hồi (trụ sở chính ở xóm Tân Minh, xã Quỳnh lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) thực hiện với 3 mục tiêu và quy mô dự án gồm: Sản xuất gỗ ván dân dụng và xuất khẩu: 80.000 m3/năm; sản xuất viên nén Wood Pellets xuất khẩu: 40.000 tấn/năm; sản xuất, sơ chế gỗ và các sản phẩm từ gỗ: 40.000 tấn/năm. Địa điểm thực hiện dự án là KCN Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai – KKT Đông Nam Nghệ An. Diện tích đất 2,0 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phản ánh thì việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án này còn có những điểm bất cập về mục tiêu dự án với diện tích và tổng vốn đầu tư có đáp ứng được yêu cầu về môi trường?. Và việc sản xuất, sơ chế gỗ và các sản phẩm từ gỗ cần được làm rõ để không đi trái với Kết luận số 02-KL/TU ngày 13/5/2011 của Tỉnh ủy Nghệ An về Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An.

Để tiếp cận được thông tin khách quan, phóng viên báo Nhà báo & Công Luận đã liên hệ làm việc với ông Lê Kiên Cường, Chánh Văn phòng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Tại đây, theo ý kiến của ông Cường thì phóng viên phải có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu để đặt lịch làm việc. Được chấp thuận làm việc, phóng viên phải ghi rõ nội dung cần tìm hiểu để đặt lịch làm việc theo đúng quy định pháp luật. Sau nhiều ngày hẹn, Chánh văn phòng đơn vị này đã liên lạc lại, và được sự chỉ đạo của lãnh đạo Khu kinh tế Đông Nam giao cho ông Phan Xuân Hóa, Phó ban trả lời những thắc mắc mà PV cần nắm rõ.

Ông Phan Xuân Hóa, Phó Ban sau một hồi hạch sách, xúc phạm, gây khó khăn cho phóng viên, ông đuổi PV ra và đóng cửa phòng làm việc lại, không cung cấp thông tin cho báo chí.

Tại đây, sau khi phóng viên nêu các nội dung cần được làm rõ thì ông Phan Xuân Hóa lại đề nghị PV phải xuất trình thẻ nhà báo mới làm việc.

PV có giải thích với ông Hóa về việc chưa được cấp thẻ nhà báo và cho biết khi đến làm việc với đơn vị, PV dùng giấy giới thiệu và giấy tờ chứng minh nhân thân để đặt lịch làm việc theo đúng quy định pháp luật tại văn phòng và được Chánh văn phòng giới thiệu lên để làm việc.

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Hóa vẫn yêu cầu phải có thẻ nhà báo. “Các anh không có thẻ nhà báo, tôi không làm việc. Các anh cứ việc viết lên báo là không có thẻ nhà báo, đến đây tôi không làm việc”.

Sau một hồi hạch sách, xúc phạm, gây khó khăn cho phóng viên, ông đuổi phóng viên ra và đóng cửa phòng làm việc lại, không cung cấp thông tin cho báo chí.

Trước sự việc xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ Công ty Đông Hồi là “vùng cấm” của ông Phó Trưởng ban này nên ông mới có phản ứng gay gắt, lạ lùng với báo chí như vậy?

Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét lại sự việc này, yêu cầu ông Phan Xuân Hóa thực hiện đúng Luật Báo chí và quy tắc ứng xử của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ ban hành ngày 29/11/2017.

Theo Luật báo chí mới, tại Khoản 12, Điều 9 quy định: Nghiêm cấm hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Nghị định 159 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2014 mở rộng đối tượng được bảo vệ trong khi tác nghiệp báo chí bao gồm hai đối tượng “nhà báo” và “phóng viên”. Nhà báo là người hoạt động báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Phóng viên là những người hoạt động báo chí, đưa tin viết bài, chụp ảnh được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp báo chí mà chưa có thẻ nhà báo.

Trong Nghị định 159, Điều 7 về Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, ghi rõ:

Khoản 1, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Khoản 2, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

Khoản 3, phạt tiền đến 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Với Nghị định mới này, Nhà nước đã nâng cao biện pháp bảo vệ nhà báo, đồng thời công nhận và bảo vệ lực lượng phóng viên tác nghiệp báo chí chưa có thẻ nhà báo trong hoạt động báo chí.


Theo Báo Công Luận Online

0 comments:

Đăng nhận xét