Dịch vụ Grab taxi là dịch vụ gọi xe ứng dụng công nghệ mang lại những tiện ích cho người dùng. Tuy nhiên, mới đây Sở GTVT đã khước từ đề nghị của Công ty TNHH Grab Việt Nam về việc xin phép hoạt động loại hình dịch vụ này trên địa bàn tỉnh.
Lưu lượng phương tiện vận tải khách công cộng và ô tô cá nhân trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nên Sở GTVT không đồng ý cho Grab hoạt động.
Cuối tháng 11.2019, Công ty TNHH Grab Việt Nam đã có công văn gửi Sở GTVT xin phép được triển khai dịch vụ Grab taxi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đơn vị này đã đưa ra một số thuyết trình cơ bản về dịch vụ cũng như tiện ích khi thực hiện. Đồng thời, cho rằng việc triển khai chỉ là thí điểm và cung ứng dịch vụ gọi xe tốt nhất, nhằm giúp các hãng taxi phát triển.
Tuy nhiên, một số hãng taxi trên địa bàn tỉnh cho biết từ nhiều năm qua các hãng taxi trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng phần mềm riêng để quản lý phương tiện, lái xe, giá cước vận tải, gọi xe theo hướng công khai, minh bạch, tiện lợi, nhanh chóng nhất cho khách hàng.
“Việc Grab đề xuất đưa công nghệ gọi xe của họ để áp dụng vào các hãng taxi là rất tốt, song chúng tôi đã tự “trang bị” cho mình các ứng dụng gọi xe nên không có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Grab đề xuất. Để đáp ứng nhu cầu của người dùng, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao dịch vụ, chất lượng phương tiện và đạo đức tài xế”, giám đốc một hãng taxi chia sẻ.
Hoạt động vận tải hành khách cự ly ngắn trên địa bàn tỉnh hiện nay có hai loại hình là taxi, xe buýt. Đến nay, toàn tỉnh có 5 hãng taxi và hai hãng xe buýt với số lượng lên đến hơn 500 đầu phương tiện, với năng lực vận tải hàng triệu lượt khách mỗi năm, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh, trước đây Bộ GTVT ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cho Grab taxi trong thời hạn 24 tháng. Có 5 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Đến nay, hiệu lực về thời gian đã hết, nhưng Grab taxi vẫn hoạt động. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống gây ra một số khó khăn trong quản lý.
Hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung và kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi nói riêng được quy định từ Điều 66 đến Điều 71, Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện được Chính phủ quy định tại Nghị định 86, về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và tổ chức quản lý hoạt động theo Thông tư số 63 của Bộ GTVT.
Tại 5 địa phương có Grab taxi thử nghiệm hoạt động đã không quản lý được số lượng xe kinh doanh, không quản lý được các điều kiện bắt buộc về kinh doanh vận tải, không quản lý được doanh thu vận tải, kê khai giá cước, kê khai thuế...
“Một vấn đề nữa là máy chủ của phần mềm gọi xe Grab taxi được đặt ở nước ngoài, không cơ quan quản lý nhà nước nào của Việt Nam quản lý được dữ liệu hoạt động từ phần mềm gọi xe Grab taxi. Do đó, Sở GTVT không chấp thuận cho Công ty TNHH Grab Việt Nam tổ chức thực hiện các dịch vụ của Grab trên địa bàn tỉnh”, một lãnh đạo Sở GTVT khẳng định.
Nguồn Báo Quãng Ngãi
0 comments:
Đăng nhận xét