1 thg 1, 2020

Thành lập đã 3 năm, Cục Công nghiệp thừa nhận trình độ ngoại ngữ của phần lớn cán bộ còn yếu kém

Báo cáo tổng kết năm 2019 của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận dù đã thành lập được 3 năm nhưng trình độ ngoại ngữ của phần lớn cán bộ, công chức đơn vị này vẫn còn hạn chế.
Công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc nặng vào FDI

Cục Công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Vụ Công nghiệp nặng và Vụ Công nghiệp nhẹ vào năm 2017. Đây là đơn vị quản lý nhà nước chịu trách nhiệm đối với hơn 34% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế và hơn 22% giá trị trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội.

Đánh giá về kết quả hoạt động năm 2019, Cục Công nghiệp cho rằng năm qua, dù khối lượng công việc rất lớn nhưng đơn vị này vẫn hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như các nhiệm vụ thuộc chương trình công tác của Chính phủ.

Tuy nhiên, Cục Công nghiệp cũng thừa nhận những hạn chế trong tổ chức hoạt động như: nhân sự còn thiếu, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc được giao; công tác tham mưu chính sách còn chưa chủ động, chất lượng chưa cao; xử lý văn bản còn chậm; trình độ ngoại ngữ của phần lớn cán bộ, công chức còn hạn chế; chất lượng công chức chưa đồng đều, không ít vấn đề tham mưu, đề xuất có chất lượng chưa cao…

Thông tin về kế hoạch năm 2020, Cục Công nghiệp cho biết trong năm tới, Cục sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi theo hướng: không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của ô tô trong nước so với ô tô nhập khẩu;

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi nghị định 111/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp giấy, trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2020; sửa đổi nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá…

Đáng chú ý, Cục sẽ sớm hoàn thành việc tổng kết tình hình triển khai 2 dự án thí điểm bô-xit để hoàn thiện, đề xuất định hướng, chính sách phát triển ngành bô-xit Việt Nam…

Về các đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương cũng như Chính phủ, nội dung nổi bật là Cục Công nghiệp xin được tăng biên chế; bổ sung kinh phí, trang thiết bị để đảm bảo điều kiện làm việc…

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp dịch chuyển tích cực: tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng.

Tồn kho toàn ngành công nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua; nhóm chế biến – chế tạo tăng trưởng cao (11,92%); đã hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt…

Tuy nhiên, Cục Công nghiệp nhận xét hiệu quả sản xuất công nghiệp của Việt Nam xét trên khía cạnh giá trị gia tăng và xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn. Công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào FDI, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hạ nguồn, giá trị gia tăng thấp. Tác nhân chính tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị vẫn là các doanh nghiệp FDI chứ không phải doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, chủ yếu tham gia vào công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa phát triển được thương hiệu.

Cục Công nghiệp chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên của nền công nghiệp Việt Nam là do: chính sách công nghiệp dàn trải, không ổn định; phân bổ nguồn lực không theo cơ chế thị trường, phần dành cho công nghiệp hạn chế, kém hiệu quả; công tác bảo vệ thị trường cho các ngành công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển….

Nguồn VNF

0 comments:

Đăng nhận xét