15 thg 1, 2020

Trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, phòng chống thế nào?

Số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ).


Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc chiều 15/1 của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội với Chính phủ, các bộ ngành liên quan.

Số liệu chưa phản ánh đúng tình hình 
Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, số trẻ em trên toàn quốc là 26.372.278 trẻ em chiếm gần 27% dân số cả nước.

Những vấn đề cần được quan tâm, theo đoàn giám sát là có đến 11.530 trẻ chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhưng đã bỏ học đi kiếm sống.

Số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có cha mẹ ly hôn là rất lớn và đều đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo, năm 2018 có 2.857.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 10,8% tổng số trẻ em, có 82.464 trẻ em có cha mẹ ly hôn, trong đó, số trẻ em dưới 7 tuổi là 43.718 trẻ.

Báo cáo nêu rõ, giai đoạn 1/1/2015-30/6/2019, toàn quốc đã phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại là 8.091 em (1.059 em nam, 7.032 em nữ).

So với giai đoạn 2011-2014 thì số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ, tỷ lệ 12,2%. Đáng lưu ý, số trẻ em bị xâm hại giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018, nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh.

Hình thức phổ biến nhất là xâm hại tình dục trẻ em: 6.337 vụ, 6.432 trẻ em bị xâm hại, chiếm tới 79,5% tổng số trẻ em bị xâm hại; chiếm 81,3% các vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý.

Trong các hình thức xâm hại tình dục trẻ em thì chủ yếu là: hiếp dâm trẻ em (2.191 trẻ), dâm ô đối với trẻ em (1.096 trẻ), giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác (3,114 trẻ).

Một hình thức xâm hại phổ biến nữa là số trẻ em bị bỏ rơi với số lượng rất lớn trong các năm 2016- 2018 lên tới 469.869 trẻ, nhưng vẫn tiếp tục tăng theo từng năm.

Đáng chú ý nữa là, Chính phủ cũng như các bộ, ngành chức năng thì đều có chung đánh giá, số lượng các vụ xâm hại được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế. Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, hành vi xâm hại được tái diễn nhiều lần, với nhiều nạn nhân nhưng phải rất lâu sau đó mới bị phát hiện… 

Ngoài ra, còn rất nhiều hành vi xâm hại trẻ em nhưng chưa bị phát hiện, xử lý do các đối tượng thực hiện các hành vi này ở những địa bàn, địa điểm vắng vẻ, biệt lập, lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả,… nên việc thu thập thông tin, điều tra của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn .

Chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thế nào?
Gợi ý một số vấn đề cần tập trung thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặc biệt nhấn mạnh, gia đình và nhà trường vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em song vừa qua tình trạng trẻ em bị xâm hại trong môi trường này lại rất đáng báo động.

Đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21.3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm 65,88%, bà Nga nêu con số minh chứng.

 Trong nhà trường, theo Chủ nhiệm Nga thì cũng xảy ra nhiều vụ giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, thậm chí xâm hại trong thời gian dài, xâm hại nhiều học sinh, xâm hại tình dục cả học sinh nam.

Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo; Bộ Văn hóa, thể thao, du lịch và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ cho biết trước tình hình mới nổi lên vừa qua trong gia đình, trong nhà trường đặt ra vấn đề gì cho công tác quản lý nhà nước, cho công tác của Hội liên hiệp phụ nữ? Chủ nhiệm Nga đề nghị.

Vấn đề nữa, theo bà Nga cũng cần được đặt ra là phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Từ năm 2010 - 2018, phát hiện, xử lý 319 vụ xâm hại tình dục trẻ em sử dụng thủ đoạn mạng xã hội, theo báo cáo của tổ giúp việc đoàn giám sát.

Qua khảo sát các trường học thì phần lớn học sinh từ lớp 8 trở lên đã sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng mạng xã hội nhưng nhiều học sinh trả lời không cho bố mẹ can thiệp vào việc các em sử dụng mạng xã hội và cho rằng đó là quyền riêng tư, dẫn đến tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với các em trên mạng.

Bà Nga đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết việc giáo dục, hướng dẫn các em kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn thời gian qua ra sao? Có hiệu quả không? Việc quản lý điện thoại của các em trong giờ học như thế nào?

Chủ nhiệm Nga cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ đã làm gì để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng? Có hiệu quả không? Thời gian tới sẽ triển khai biện pháp gì?

Liệu các biện pháp tuyên truyền cổ điển có còn phù hợp không? Chủ nhiệm Nga đặt vấn đề.

Theo chương trình, chiều 15/1 và ngày 16/1 đoàn giám sát sẽ nghe ý kiến các thành viên của đoàn và giải trình của các cơ quan liên quan.

Nguồn VNECONOMY

0 comments:

Đăng nhận xét