26 thg 2, 2020

Bao giờ chúng ta mới trưởng thành?

Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa có những nét đẹp, nét độc đáo riêng. Nhưng cái nền chung vững chắc bất di bất dịch của nó thì nhất định phải là nếp sống văn minh.
Lễ hội nhiều, người dự đông, nhưng chưa chắc đã có hàm lượng văn hóa lớn!

Kể từ khi cụ Tản Đà thi sỹ buông ra lời than: “Dân hai nhăm triệu, ai người lớn?” đến nay, thời gian trôi qua đã ngót nghét một thế kỷ. Một thế kỷ là thời gian dài bao lâu, hẳn mọi người đều có thể hình dung. Về mặt phát triển thuần túy, từ một quốc gia thuộc địa chỉ có hơn hai mươi triệu người, chúng ta đang tự hào mình là nước lớn trong khu vực, ít nhất về mặt dân số. Trên một vài diễn đàn quốc tế, thậm chí, chúng ta còn được vinh danh là đất nước hội nhập mạnh mẽ nhất khu vực và thế giới. Sự nghèo đói đang bị bỏ lại phía sau là câu chuyện có thật.

Lớp trẻ ngày nay nhiều người giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ thông tin và điều đó đã giúp cho họ thành đạt về công danh cũng như tiền bạc. Từ một đất nước hầu như mù chữ, chúng ta đã phổ cập tiểu học, đang tiếp tục phổ cập ở mức độ kiến thức cao hơn! Thêm vào đó, biết bao nhiêu là biến cố đã xảy ra, để bất cứ ai cũng có thể tự trang bị cho mình những vốn liếng không cần phải đọc qua sách vở.

Người Việt ngày nay đã bớt đi rất nhiều mặc cảm về nỗi nghèo hèn, “người nhà quê” mỗi khi ra nước ngoài. Đó là điều đáng mừng cho đất nước.

Nhưng căn cứ vào vô số sự việc ngày ngày đang diễn ra, thì thấy chúng ta vẫn cứ mãi không chịu trưởng thành? Hóa ra để một dân tộc trưởng thành, không thể chỉ dựa vào học vấn, kiến thức, số người có bằng cấp, số người giàu có… mà phải căn cứ vào cách hành xử thường ngày của cả dân lẫn quan, đặc biệt là giới trí thức, những đại diện cao giá về tri thức và tinh thần. Cách hành xử luôn phải bao gồm cả hành vi và lời nói cũng như tư cách sống. 

Nhưng có vẻ như ở khắp mọi giới, đều có những người có vấn đề về đạo đức. Tham lam, chỉ biết lợi cho mình ngay cả khi vì điều đó có thể khiến người khác khốn khổ, tận dụng cơ hội để nặn bóp người thấp cổ bé họng, thì còn xa hãy nói tới trưởng thành. Nịnh trên, nạt dưới, nói dối ráo hoảnh, nói dối không hề biết ngượng, thích thú với nạn tin giả, thì trưởng thành là một khái niệm chỉ gây nực cười. 

Ra đường, đến những nơi công cộng, các địa danh du lịch và văn hóa mà cứ như một cái máy vãi rác thải, thì còn lâu lắm mới trưởng thành. Mở miệng là dọa nạt, văng tục, chửi bậy, bất chấp các quy ước về lời ăn tiếng nói, thì xin đừng nói gì đến chuyện trưởng thành. Thiếu nhường nhịn người xung quanh, cổ vũ bạo lực trong cả những việc nhỏ nhất, thì trưởng thành nỗi gì.

Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa có những nét đẹp, nét độc đáo riêng. Nhưng cái nền chung vững chắc bất di bất dịch của nó thì nhất định phải là nếp sống văn minh. Chẳng thể có bất cứ dấu hiệu văn minh nào khi người ta, dù nhân danh tình yêu cái đẹp, lại lao vào cướp hoa và vì thế tàn phá tan hoang cả một không gian công cộng phải mất rất nhiều tiền bạc, công sức mới có thể tạo ra. Chỉ một xã hội kém phát triển mới luôn xảy ra chuyện chèn ép khách trong mua bán, cưỡng bức người khác dùng dịch vụ họ không lựa chọn, gian lận trong tính tiền cước taxi, phóng uế bừa bãi ở bất cứ ngóc ngách nào có thể, lạng lách đánh võng khi tham gia giao thông, chửi bới người tiêu dùng khi họ mắc lỗi… 

Xấu hổ nhất, thiếu trưởng thành nhất chính là cảnh đạp vào nhau để tranh cướp lộc trong các lễ hội, tìm cách hối lộ thần phật, biến thần phật trở thành những ông quan quyền mạt hạng để kinh doanh thần thánh, kinh doanh niềm tin thiêng liêng của cộng đồng.

Tất cả những điều vừa kể nêu, chỉ cho thấy rõ nhất một điều là, văn hóa của chúng ta vẫn còn rất… “trẻ con”, ứng xử của đa số người Việt vẫn mãi loanh quanh ở tầm thôn xóm, làng xã.

Vì thế, theo tôi, câu hỏi: “Bao giờ chúng ta mới trưởng thành?”, là một câu hỏi nghiêm túc và khẩn thiết. Nếu nó không được tính đến trong chiến lược hiện đại hóa quốc gia (thể hiện ở các đòi hỏi (và quyền) về chính trị, văn hóa, giáo dục, luật pháp…), nếu từng người dân không tự vấn về bản thân một cách nghiêm khắc, thì ngay cả khi chúng ta đạt được mục tiêu có thu nhập cao, cũng rất khó trở thành quốc gia phát triển thực sự.

Nguồn Reatimes

0 comments:

Đăng nhận xét