Theo BSC, trường hợp tích cực, VN-Index sẽ dần thoát ly khỏi xu hướng tiêu cực, tích lũy trên 925 điểm và có thể tăng dần trên 950 vào cuối tháng.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa có báo cáo dự báo thị trường tháng 2. Theo đó, thông tin đáng chú ý nhất lúc này là diễn biến dịch bệnh virus Corona.
BSC cho rằng các đợt dịch bệnh trong quá khứ đều tác động đến kinh tế các nước tâm dịch tuy nhiên yếu tố tâm lý và cách hành xử với dịch bệnh mới là yếu tố quyết định mức độ thiệt hại. Dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tiêu cực lên các TTCK trong ngắn hạn. Mức độ thiệt hại tập trung vào 3 tháng đầu và hồi phục đáng kể sau đó.
Theo thống kê 13 đợt dịch bệnh kể từ 1980 đến nay, chỉ số MSCI World Index phục hồi mạnh trung bình 0,4% sau 1 tháng, 3,08% sau 3 tháng và 8,5% sau 6 tháng.
Do vậy, dịch bệnh là rủi ro với TTCK ngắn hạn nhưng cũng là cơ hội trong trung dài hạn. Đánh giá tác động của virus Corona đến các ngành trên TTCK, BSC nhận định các ngành bị ảnh hưởng mạnh gồm hàng không, dầu khí và một số ngành xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc trong khi y tế, hàng hóa thiết yếu, năng lượng và viễn thông có thể được hưởng lợi.
Dịch bệnh virus corona đã xuất hiện ở Việt Nam cũng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô trong tháng 2, nhất là trong lĩnh vực khách du lịch. Chính phủ đã triển khai sớm các giải pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong thời gian bệnh dịch đang phát triển mạnh, Chính phủ cần thời gian theo dõi, kiểm soát để đánh giá đầy đủ tác động của dịch bệnh. Dù vậy các động lực tăng trưởng những năm gần đây vẫn được duy trì, hỗ trợ cho đà tăng trưởng và tạo thế chủ động ứng phó với các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.
Thị trường sụt giảm trên diện rộng, mặt bằng cổ phiếu giảm về mức thấp sẽ thu hút NĐT sớm trở lại
Với 2 phiên giảm mạnh vào cuối tháng, P/E và P/B của VN-Index đã giảm lần lượt về 14,9 và 2,18 lần, tương đương với mức định giá thời điểm 14/1/2019 khi chỉ số đang ở mức 880 điểm. Mức chênh lệch 56 điểm chủ yếu là do KQKD các doanh nghiệp niêm yết cải thiện hơn 6% sau khi pha loãng cổ phiếu.
Mức P/E và P/B của HNX-Index lần lượt ở mức 7,29 và 0,9, thấp hơn đáng kể so với mức 8,4 và 0,96 tại thời điểm 14/1/2019. Mức P/E và P/B của 2 chỉ số giảm nhanh do cả 2 yếu tố: (1) Giá giảm mạnh và (2) Lợi nhuận thị trường tăng trưởng tốt.
Tăng trưởng LNST của các công ty niêm yết trên HSX và HNX cải thiện dần qua các quý I, II, III lần lượt ở mức 1%, 10% và 13% và dự kiến 15% vào quý IV so cùng kỳ năm 2018. Các công ty niêm yết đang đẩy mạnh công bố KQKD quý IV và cả năm 2019 giúp các chỉ số định giá còn tiếp tục cải thiện.
Chỉ số P/E và P/B của VN-Index đang ở vùng thấp trong gần 4 năm qua. Các tổ chức tài chính cũng dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận thị trường ở mức 10% - 15% năm 2020. Do vậy, BSC cho rằng đây có thể là thời điểm cân nhắc phân bổ mua dần vào cổ phiếu cơ bản đang bị bán quá cho mục tiêu đầu tư trong vài tháng tới.
VN-Index có thể tăng lên trên 950 điểm vào cuối tháng 2
BSC cho rằng đợt giảm điểm này đang mở ra cơ hội lớn với hoạt động đầu tư trung hạn. VN-Index dự báo chịu áp lực giảm điểm trong 1 -2 tuần đầu tháng 2 với cường độ giảm dần và sẽ tích lũy hồi phục vào cuối tháng 2. Vùng vận động giá VN-Index tháng 12 từ 880 điểm - 970 điểm.
Trường hợp tích cực, VN-Index sẽ dần thoát ly khỏi xu hướng tiêu cực, tích lũy trên 925 điểm và có thể tăng dần trên 950 vào cuối tháng.
Trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể đóng cửa dưới 900 điểm nếu diễn biến dịch bệnh tiêu cực và áp lực tiếp tục thoái vốn từ khối ngoại.
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét