Đồng nghiệp là người cùng làm việc vì một kế hoạch mục tiêu đề ra và tiềm ẩn những nhân tố cạnh tranh lẫn nhau. Chứ họ không có trách nhiệm đáp ứng mục tiêu cảm xúc của chúng ta dù là ghét hay thích.
1. Chuyên nghiệp thể hiện trong cách buông bỏ thành kiến để cùng nhau hợp tác
Bạn bè có thể chọn người nhưng đồng nghiệp hay khách hàng thì không. Khi gặp một người quen đáng ghét, chúng ta có thể chủ động tránh mặt, quay đi thật xa, hạn chế giao du và tiếp xúc. Nhưng nếu người đáng ghét đó lại là khách hàng, đồng nghiệp, thậm chí là cấp trên của mình thì sao?
Trong môi trường làm việc, chúng ta luôn phải hợp tác với đủ kiểu người. Tinh thần teamwork cũng là một nhân tố hàng đầu để đánh giá nhân sự trong doanh nghiệp. Do đó, mặc kệ có thích hay ghét, chúng ta vẫn phải chân thành hợp tác, nỗ lực hết mình vì mục tiêu đã đề ra. Đây mới là tố chất chuyên nghiệp mà ai cũng cần chuẩn bị trước.
Nếu không thể đặt cảm xúc cá nhân và thành kiến cố hữu trong lòng sang một bên, chúng sẽ trở thành vật cản trên con đường hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta. Một hành động miễn cưỡng, thái độ không hợp tác đều có thể cố ý hoặc vô tình biểu thị sự coi thường bằng ngôn ngữ cơ thể.
Song phương khi đối mặt với tình huống như vậy đều cảm thấy không thoải mái, thậm chí sinh ra cảm giác tức giận vì bị làm khó. Cuối cùng, hậu quả dẫn tới là cả hai đều không thể hoàn thành mục tiêu quan trọng được đặt ra.
Thực chất, để thật sự tiếp nhận kẻ mà mình không ưa như một đồng đội trong nhóm, buông bỏ thành kiến chỉ là một bước rất nhỏ. Cách tích cực và hiệu quả nhất chính là khách quan đánh giá những ưu và khuyết điểm nổi bật của đối phương, lý giải những thói quen tốt dẫn tới thành tựu hiện tại của họ, và tìm cách học tập, hấp thụ toàn bộ những đặc điểm đó.
Nếu chỉ chăm chăm nghe theo cảm xúc của mình, không chịu hợp tác cùng kẻ khó ưa chỉ khiến chúng ta khó lòng trưởng thành hơn. Thay vào đó, có thể tích cực nhìn nhận những đặc điểm xứng đáng học tập ở đối phương mới là cách phát triển bản thân đúng đắn nhất.
Nhìn nhận đối phương bằng một ánh mắt khác, góc độ khác, sẽ có rất nhiều người nhận ra rằng, chúng ta thường có thói quen tập trung vào khuyết điểm của người khác, đồng thời xem nhẹ ưu điểm mà người đó đạt được. Cho nên, thành kiến không chính xác cũng từ đó mà sinh ra, ảnh hưởng tới lối tư duy và suy nghĩ.
2. Đừng coi công ty là nơi để kết bạn
Ông chủ Mã của bảo tàng tư nhân đệ nhất Trung Quốc, người đã dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng để dựng xây cả cơ đồ thành tựu cho mình, từng nói rằng:
“Hợp tác cùng người mình thích không dựa vào năng lực, và cũng ẩn chứa rất nhiều hiểm nguy. Vì thích cho nên chẳng giấu nhau điều gì, có vấn đề khó khăn gì cũng tự nhiên chia sẻ, dù đó là chuyện riêng tư cá nhân hay chuyện bí mật thương trường. Ai mà cam đoan được họ sẽ không lỡ miệng kể lại cho những người khác nghe. Đây cũng là nguyên nhân rất nhiều bạn bè, anh em tốt cùng ra làm ăn chung nhưng rồi lại dễ dàng trở mặt, phản bội lẫn nhau. Cho nên, đừng ôm suy nghĩ kết bạn thân thiết trong môi trường làm việc của mình”.
Sai lầm lớn nhất ở đây chính là đánh mất năng lực tự bảo vệ chính mình. Chúng ta lựa chọn nhầm người để chia sẻ, không phân biệt được ranh giới giữa đồng nghiệp với bạn bè, cũng như bản chất của mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau.
Bạn bè ở bên nhau vì rất nhiều lý do, có thể là vì tính cách, vì ngoại hình, vì sở thích cá nhân, vì chung đam mê lý tưởng. Còn đồng nghiệp ở bên nhau là vì một mục tiêu cơ bản, đó chính là lợi ích đến từ việc cùng cộng tác hướng tới một nhiệm vụ đề ra. Tình cảm khi đã dính dáng đến vật chất và quyền lợi cá nhân thì rất khó mà không bị ảnh hưởng. Họ có thể là cộng sự, trong chớp mắt cũng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của chúng ta.
Một khi đã bước chân vào xã hội, rất nhiều tranh chấp, mâu thuẫn có thể phát sinh vì vấn đề lợi ích. Đủ loại sự việc thị phi đúng sai, bôi nhọ hãm hại cũng trình diễn theo nhiều góc độ khác nhau. Do đó, võ trang” tự bảo hộ chính mình cả về thể chất bên ngoài lẫn tâm lý bên trong đã trở thành một kỹ năng không thể thiếu với mỗi một người trưởng thành.
3. Sau khi từ chức mới trở thành bạn bè
Tác giả trẻ Lý Thượng Long, chủ nhân của tác phẩm “Bye Stability, Morning My Life” và “Stand Out Or Get Out”, từng nói:
"Khi còn học ở trường quân đội, tôi được nghe câu nói thế này: Cởi quân trang ra chúng ta mới là chiến hữu. Sau này, khi làm việc trong doanh nghiệp, tôi lại hiểu thêm một câu nói: Từ chức tại đây rồi chúng ta mới là bạn bè.”
Ở thời điểm hai người có lợi ích xung đột với nhau, tất cả tươi cười niềm nở đều là “tiếu lý tàng đao”. Còn bạn bè chân chính chỉ có giao thoa về cảm tình, không có tranh chấp về vật chất. Do đó, trong môi trường làm việc, đừng bao giờ hành xử theo cảm tính, hãy học cách hợp tác chuyên nghiệp với bất kể người nào.
Hãy nhớ rằng, chúng ta đi làm là để kiếm tiền, chứ không phải để kết bạn. Mối quan hệ với đồng nghiệp chỉ cần tuân theo nguyên tắc “Quân tử kết giao đạm như nước”, không xa không gần, chân thành và hòa hợp, không can thiệp quá nhiều vào sinh hoạt và vấn đề cá nhân.
Chẳng phải tự dưng mà nhà sáng lập tập đoàn Honda Soichiro Honda đúc kết lại rằng: “Đồng nghiệp càng thân thiết với nhau thì càng không nên đến nhà riêng của nhau.” Đó là không gian riêng không nên để người ngoài nhìn thấy, và cũng không nên thấy của người ngoài. Vì khi đã lỡ thấy rồi, rất có thể sẽ sản sinh ra những cảm xúc tiêu cực không nên có, ví dụ như đố kỵ, ghen tỵ, thậm chí là hiềm khích, hận thù.
Có thể thấy rằng, nuôi dưỡng một mối quan hệ không hề dễ dàng, nhưng cũng không quá khó nếu chúng ta có thể phân biệt rạch ròi bản chất và ranh giới giữa bạn bè với đồng nghiệp. Nắm được khác biệt trong tay, chúng ta sẽ tỉnh táo đối diện với những mặt tối trong mối quan hệ, từ đó đánh giá được toàn thể vấn đề khách quan và chính xác hơn.
Nguồn Internet
0 comments:
Đăng nhận xét