27 thg 2, 2020

Doanh nghiệp thuỷ sản tìm đường bù đắp thị trường Trung Quốc

Nhu cầu cá tra tại Trung Quốc dự kiến giảm trong năm 2020 do chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thị trường xuất khẩu Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp phần nào sự sụt giảm từ thị trường này.

Các nhà hàng tại Trung Quốc là các khách hàng chính tiêu thụ cá tra Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng bởi đại dịch nên tạm thời đóng cửa.

Theo đó, trong quý I/2020, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm là điều dễ dự báo và điều này có thể dẫn đến tình trạng dư cung tạm thời.

Ghi nhận tình hình các DN xuất khẩu cá tra tại khu vực Long Xuyên, An Giang và một số nhà máy gia công ở Đồng Tháp cho thấy, những DN có xuất sang thị trường Trung Quốc nhiều thì đang rất vất vả.

Một nguồn tin trong ngành cho biết, hơn 10 DN có tỷ trọng xuất khẩu lớn ở Trung Quốc đang ở tình trạng “đóng băng” và kẹt hàng ở cảng; tồn kho tăng cao; chuyển hàng qua biên giới thì ngày đi, ngày không.

“Trước mắt, nguyên liệu đầu vào vẫn đang ở tình trạng dư cung, nhưng tôi quan sát thấy đây đó giá lại bắt đầu tăng. Mọi thứ rất mâu thuẫn, rất khó để đưa ra nhận định trong nửa đầu năm 2020”, nguồn tin trên nói.

Cơn bão đại dịch khiến các DN trở nên vất vả hơn trong những suy tính về sản xuất và điều phối hàng hóa.

Điểm phức tạp ở chỗ, thị trường Trung Quốc chuộng kích cỡ lớn, còn các thị trường khác lại “ưa” kích thước bé. Để tìm được thị trường phù hợp thì DN cũng phải tính toán bài toán này.

Trao đổi với ông Doãn Chí Thiên, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), được biết, chưa có thông tin gì mới về thị trường Trung Quốc, Công ty đang tập trung tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Đông, Nam Mỹ.

Về kế hoạch kinh doanh, có thể sẽ phải điều chỉnh giảm ở thị trường Trung Quốc - năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng doanh thu xuất khẩu của ANV.

Tuy nhiên, ông Thiên cho biết, việc đẩy mạnh và khai thác thêm khách hàng ở các thị trường khác vẫn đang được ANV triển khai và kỳ vọng sẽ tăng được thị phần.

Hiện nay, giá nguyên liệu thấp, giá thành vẫn đang giảm nhẹ nên Công ty vẫn đảm bảo được biên lợi nhuận khi xuất sang các thị trường ngoài Trung Quốc.

Riêng thị trường Trung Quốc, cần thêm thời gian chờ đợi, nhưng về tổng thể, ANV hy vọng sẽ không tụt hậu về sản lượng.

“Tôi đưa giả thiết cẩn trọng với Nam Việt là vẫn giữ vững và quyết tâm theo đuổi sản lượng tăng trưởng thì năm 2020 đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế khoảng 800 tỷ đồng”, ông Thiên nói. Trước đó, Nam Việt từng chia sẻ, kế hoạch năm 2020, Nam Việt dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng 10% đến 15% và lợi nhuận sau thuế thấp nhất 730 tỷ đồng.

Theo ông Thiên, trong cái rủi ro cái may. Thời khó khăn giúp ANV trải đều khách hàng và nhìn nhận lại tệp khách hàng, qua đó giúp Công ty có cơ cấu khách hàng vững chắc và đa dạng hơn.

Đối với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), vốn được biết đến là DN xuất khẩu lớn với vị thế xuất khẩu “cứng” ở thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng DN này đã đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong vài năm gần đây.

Theo báo cáo của BSC, năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 15% giá trị xuất khẩu của VHC, kế hoạch lợi nhuận của VHC có thể giảm 10% so với ban đầu, vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong đó, đơn hàng từ phía Trung Quốc giảm mạnh trong quý đầu năm. Cách ứng phó của VHC là sẽ tăng đơn hàng sang phía EU để bù đắp sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc.

Công ty Chứng khoán Bản Việt dự báo, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam/VHC sang Trung Quốc sẽ lần lượt giảm 17%/5% trong năm 2020 (so với mức tăng trưởng trên 19%/50% trong năm 2019), sau đó phục hồi 20%/35% trong năm 2021 và 17%/30% trong năm 2022.

Bản Việt cũng dự phóng giá bán cá tra trung bình sẽ giảm cùng sản lượng, cụ thể giảm 10% so với cùng kỳ còn 2,6 USD/kg trong quý I/2020, sau đó cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2020, đạt 3,4 USD/kg trong quý IV/2020.

VHC là DN có thể chịu ít tác động hơn từ dịch Covid-19 so với các đối thủ cạnh tranh nhờ phần lớn doanh thu đến từ thị trường Mỹ (khoảng 48% giá trị xuất khẩu của VHC trong năm 2019), nơi VHC có vị thế độc quyền đôi.

Một yếu tố đáng chú ý là xuất khẩu cá thịt trắng từ Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh của cá tra - sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn từ phía cung do ảnh hưởng của dịch bệnh lan rộng tại Trung Quốc cũng là một lợi thế với VHC.

Bên cạnh đó, mảng collagen và gelatin của Công ty có triển vọng khá sáng, được hỗ trợ bởi việc gia tăng công suất 75%, vốn có kế hoạch đi vào hoạt động giữa năm 2020, là yếu tố có thể góp sức cho hiệu quả của VHC trụ vững.

Nguồn TNCK
Tin liên quan:

0 comments:

Đăng nhận xét