14 thg 2, 2020

Đồng loạt cảnh báo rủi ro trái phiếu bất động sản

Thị trường trái phiếu bất động sản (BĐS) được dự báo sẽ sôi động và đầy tiềm năng trong năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhà đầu tư cần lường trước những rủi ro có thể gặp phải.
Tin liên quan: Siết trái phiếu, thắt tín dụng: Bất động sản 2020 khó chồng khó

Để thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã coi trọng huy động vốn thông qua trái phiếu. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 phát triển rất mạnh với 250.000 tỷ đồng, trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai (sau trái phiếu ngân hàng). Trái phiếu BĐS thường có kỳ hạn bình quân 3,7 năm và có cam kết lợi suất rất cao 12-14,5%/năm, cá biệt đến 20%/năm.

Nhận định về thị trường trái phiếu BĐS trong năm 2020, SSI dự báo trái phiếu bất động sản thời gian tới sẽ vẫn nở rộ vì lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao. Bên cạnh đó, đây cũng được xem là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp BĐS, khi hệ số rủi ro cho vay BĐS được quy định ở mức cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Đánh giá về trái phiếu doanh nghiệp BĐS, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết trái phiếu BĐS tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nhà đầu tư. Lãi suất trái phiếu càng cao nguy cơ rủi ro càng lớn, nhất là nhà đầu tư cá nhân (chiếm khoảng 7% tổng số nhà đầu tư), do chưa có tiêu chí đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo ông Châu, cần minh bạch thị trường trái phiếu để thị trường này có thể trở thành bệ đỡ vững chắc cho DN BĐS phát triển trong tương lai.

Trong năm 2019, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai (sau trái phiếu ngân hàng).

Đồng quan điểm đó, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - cũng cho rằng, thị trường trái phiếu BĐS phát triển nhanh, mặt tích cực sẽ làm tăng quy mô, tăng tính hấp dẫn của thị trường và đặc biệt là vai trò kênh dẫn vốn có nhiều ưu việt cho doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.

Đứng ở khía cạnh khác, Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bộ phận Tư vấn của Savills Hà Nội nhận định, lãi suất trái phiếu cao mà một số doanh nghiệp đưa ra sẽ gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng chung cho cả thị trường. Tuy nhiên, phải nhìn kỹ lại xem những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao như vậy thì ai là người mua, việc mua bán có thực chất hay không?.

Được biết, trước đó giữa năm 2019 Ngân hàng nhà nước cũng đã phát đi cảnh báo rủi ro khi ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, NHNN cho biết, mặc dù kênh trái phiếu được thúc đẩy với mong muốn giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, tuy nhiên, trong không ít đợt phát hành trái phiếu DN, các nhà băng lại xuất hiện và ôm trọn lô.

Theo đó, NHNN yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng việc phát triển trái phiếu BĐS gần đây bắt đầu có những điều cần lưu ý, có nguy cơ rủi ro... Hiện, những quy định của Nhà nước liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu của doanh nghiệp chưa được chặt chẽ. Các điều khoản kiểm soát trái phiếu nào, doanh nghiệp nào, dự án nào được phát hành và tính an toàn bảo hiểm ra sao... đều chưa có. Với những doanh nghiệp lớn có nhiều tài sản thì có thể yên tâm, nhưng có những doanh nghiệp chỉ có vốn điều lệ vài chục tỷ đồng lại phát hành trái phiếu lên đến hàng nghìn tỷ sẽ có nguy cơ rủi ro.

Theo các chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Trong thời điểm này, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời trên 10%/năm sẽ có độ rủi ro lớn. Trong khi đó việc tiếp cận thông tin về doanh nghiệp của nhà đầu tư hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia lưu ý nhà đầu tư muốn mua trái phiếu các doanh nghiệp BĐS cần đặc biệt chú trọng các yếu tố như độ minh bạch của báo cáo tài chính, tính pháp lý của dự án, độ hợp lý trong vấn đề định giá...

Theo Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét