Dịch Covid-19 mặc dù khiến hầu hết các cổ phiếu "rơi rụng" nhưng với cổ phiếu của Dược Hậu Giang thì không. Tuy nhiên, đây chỉ là ảnh hưởng tâm lý. Trên thực tế, Dược Hậu Giang có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Dược Hậu Giang: 'Lợi bất cập hại' vì Covid-19
Kể từ phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý (30/1) đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam không ít lần chao đảo, thậm chí có những phiên bán tháo.
VN-Index mở phiên 30/1 với hơn 991 điểm, đã "rơi rụng" dần, nhiều lần thủng sâu ngưỡng 900 điểm. Ngay ở khoảng thời gian ngắn mở phiên giao dịch gần nhất (28/2), VN-Index đã xuống dưới mốc 890 điểm, nghĩa là mất tới hơn 100 điểm sau chưa đầy một tháng. Lo ngại về dịch Covid-19 là nguyên nhân đầu bảng dẫn đến diễn biến có phần tồi tệ này.
Tâm lý lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các cổ phiếu, nhưng riêng với cổ phiếu ngành dược thì ngược lại. Điển hình nhất là cổ phiếu DHG của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - doanh nghiệp dược niêm yết hàng đầu - đã tăng gần 12% về thị giá kể từ phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý.
Nhưng đây chỉ là ảnh hưởng tích cực về mặt tâm lý. Trên thực tế, Dược Hậu Giang có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), những gián đoạn do dịch Covid-19 gây ra lên hoạt động sản xuất hoạt chất đầu vào (API) của Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận các sản phẩm tự sản xuất của Dược Hậu Giang trong năm 2020.
Được biết, Trung Quốc là nguồn cung API chính trên toàn cầu.
"Chúng tôi kỳ vọng các gián đoạn phía cung do dịch CoV gây ra như đóng cửa nhà máy tạm thời, thiếu hụt nhân lực và các lệnh cấm đi lại – cùng với nỗ lực giảm ô nhiễm hiện hữu của Trung Quốc dẫn đến việc đóng cửa nhiều nhà máy – sẽ làm tăng giá API, đặc biệt trong năm 2020", chuyên gia của VCSC cho hay.
VCSC dự phóng biên lợi nhuận gộp sản phẩm tự sản xuất của Dược Hậu Giang sẽ giảm 1,7 điểm% trong năm 2020 với giá định chi phí API của công ty tăng 9%.
Bên cạnh ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Dược Hậu Giang cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn cả nội tại lẫn bên ngoài, đó là sự phụ thuộc cao của doanh nghiệp này vào kênh nhà thuốc đầy cạnh tranh và danh mục sản phẩm ít khác biệt.
Điều này sẽ hạn chế tăng trưởng doanh thu của Dược Hậu Giang, theo quan điểm của VCSC.
"Do bảo hiểm y tế ngày càng phổ cập, chúng tôi kỳ vọng kênh bán hàng bệnh viện sẽ tăng trưởng nhanh hơn kênh bán hàng nhà thuốc vốn chiếm khoảng 90% doanh thu của Dược Hậu Giang. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng mạng lưới phân phối của Dược Hậu Giang ở kênh nhà thuốc đã gần như bão hòa, cơ hội tăng trưởng từ mở rộng điểm bán sẽ không còn nhiều", chuyên gia của VCSC nhấn mạnh.
Trong khi đó, khoảng 18% và 39% doanh thu sản phẩm tự sản xuất của Dược Hậu Giang trong năm 2019 lần lượt đến từ thuốc giảm đau và kháng sinh.
Theo VCSC, sự phụ thuộc của Dược Hậu Giang vào thuốc kháng sinh có thể là một lo ngại trong bối cảnh các quy định chặt chẽ hơn từ Chính phủ liên quan đến việc bán thuốc kê đơn tại các nhà thuốc.
Trong các năm 2020, 2021 và 2022, VCSC dự phóng doanh thu từ sản phẩm tự sản xuất của Dược Hậu Giang sẽ lần lượt tăng 7%, 5% và 5%.
Các mức tăng này thấp hơn so với mức tăng bình quân của ngành là khoảng 8% trong giai đoạn 2019-2023 (theo dự báo của IQIVA - một công ty nghiên cứu thị trường Mỹ).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng cổ đông Taisho - "đại gia" ngành dược Nhật Bản - hiện đang nắm giữ 51% vốn điều lệ Dược Hậu Giang - có thể hỗ trợ doanh nghiệp này, đặc biệt về mặt sản phẩm.
Nguồn VNF
0 comments:
Đăng nhận xét