Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Ngọc cho rằng UBND quận Hà Đông đã làm đúng quy định của pháp luật khi cưỡng chế đối với công viên nước Thanh Hà. Song, nếu UBND quận Hà Đông làm đúng pháp luật, không lẽ có quy định cho phép chính quyền đập, phá tài sản của doanh nghiệp và hàng trăm tỷ đồng thành đống đổ nát sẽ không ai phải chịu trách nhiệm?
Lực lượng cưỡng chế của chính quyền quận Hà Đông đã đập phá không thương tiếc công trình ước tính hơn 200 tỷ đồng.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, trong 2 ngày 15 và 16/1/2020, UBDN quận Hà Đông đã giao cho UBND phường Phú Lương và các đơn vị tham mưu thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land).
Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà đã bị phá hủy toàn bộ, không hạng mục nào còn nguyên vẹn. Kể cả hạng mục cây xanh không có tên trong danh mục bị cưỡng chế cũng bị quật đổ ngổn ngang.
Trước việc làm này của chính quyền quận Hà Đông, Cienco5 Land đã khiếu nại hành vi hành chính của UBND quận và cho rằng, việc thực hiện không đúng quyết định buộc khắc phục hậu quả và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dẫn đến Công ty bị thiệt hại cả trăm tỷ đồng do các thiết bị kỹ thuật của công viên, tài sản của công ty đã bị hủy hoại và không còn khả năng tái sử dụng.
Đống đổ nát sau vụ cưỡng chế của UBND quận Hà Đông
Các thiết bị, máy móc và tài sản trị giá hơn 100 tỷ đồng đã bị hư hỏng sau vụ cưỡng chế. Cienco5 Land cho rằng, UBND quận Hà Đông đã có vi phạm quy định của pháp luật khi để lực lượng cưỡng chế của UBND quận phá hủy tài sản của Công ty chứ không thực hiện tháo dỡ theo đúng quyết định buộc khắc phục hậu quả của UBDN quận cũng như quy định của pháp luật.
Theo đó, nếu như chính quyền quận Hà Đông thực hiện vụ việc cưỡng chế tháo dỡ những hạng mục công trình xây dưng vi phạm tại công viên nước Thanh Hà theo đúng tính chất của việc tháo dỡ, khắc phục hậu quả thì phải có biện pháp đảm bảo an toàn; không để tài sản của doanh nghiệp bị hư hỏng hoặc hướng dẫn, phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện tháo dỡ đảm bảo kỹ thuật, khoa học thì sẽ không gây thiệt hại cả trăm tỷ cho doanh nghiệp.
“Lực lượng cưỡng chế đã huy động sức máy móc để đập phá những công trình, tường bao, thiết bị máy móc công nghệ thậm chí chặt phá cả những hàng cây xanh vô tội, sau đó, lực lượng cưỡng chế ra về để lại hậu “chiến trường” đổ nát. Không có biên bản bàn giao, không kiểm kê tài sản, không niêm phong tài sản, thậm chí chính lực lượng cưỡng chế đã tự ý lấy đi tài sản của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Để làm rõ hơn việc thực hiện cưỡng chế của UBND quận, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch quận UBND Hà Đông. Trả lời câu hỏi về vụ việc này, ông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng vụ việc chính quyền quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế công viên nước Thanh Hà là đúng quy định.
Tuy nhiên, những cái mà ông Ngọc cho là “đúng quy định” lại chưa được ông này giải thích thêm. Những vấn đề cần được UBND quận Hà Đông làm rõ như phương án tháo dỡ được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, duyệt; Hợp đồng với đơn vị tư vấn, đơn vị thực hiện tháo dỡ có đủ điều kiện, năng lực kinh nghiệm. Ngoài ra, sau khi lực lượng cưỡng chế thực hiện xong không có biên bản bàn giao, không kiểm kê tài sản, không niêm phong tài sản, đã không có câu trả lời.
Khi được hỏi về việc chủ đầu tư hay lực lượng cưỡng chế có trách nhiệm di dời đống đổ nát, phế liệu do lực lượng cưỡng chế đập pháp để lại ra khỏi khu vực được cho là xây dựng vi phạm, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Ngọc chỉ trả lời “chúng tôi làm theo đúng quy định”.
Cho đến nay, kể từ khi lực lượng cưỡng chế “rút đi” đã để lại kết quả là một đống đổ nát, nhem nhuốc. Nhìn vào hiện trạng này, không một ai có thể chấp nhận đây là "cưỡng chế tháo dỡ" mà đều phải thốt lên câu hỏi đau xót "tại sao lại đập phá như thế này"?
Nếu như đúng lời Phó Chủ tịch UBDN quận Hà Đông cho biết là UBND quận đã làm đúng quy định của pháp luật trong việc cưỡng chế tháo dỡ công viên nước Thanh Hà thì liệu pháp luật có quy định nào cho phép cơ quan cưỡng chế biến tài sản của doanh nghiệp thành phế liệu và phải chăng khi doanh nghiệp có vi phạm hành chính thì quyền sở hữu tài sản không còn tồn tại, chính quyền có thể đập phá tùy thích mà không phải chịu trách nhiệm gì?
Những hình ảnh cận cảnh cho thấy UBND quận Hà Đông đã "tháo dỡ" hay phá hủy:
Máng trượt và hệ thống giá đỡ bị quật đổ tại chỗ và hư hỏng toàn bộ
Thay vì tháo các bu-lông để di rời công trình vi phạm, lực lượng cưỡng chế đã quật đổ giá đỡ này khiến nó mất giá trị sử dụng
Máng trượt được lắp ghép kỹ thuật phải được tháo dỡ theo quy trình kỹ thuật nhưng đã bị băm nát, thành phế liệu.
Đây là tháo dỡ "đúng quy định" mà lãnh đạo UBND quận Hà Đông khẳng định
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.
Nguồn Báo Pháp Luật
0 comments:
Đăng nhận xét