5 thg 2, 2020

Lần đầu xử lý hình sự doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp là doanh nghiệp đầu tiên bị xử lý hình sự do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nhôm Việt Pháp SHAL" của Công ty nhôm Việt Pháp SHAL. Nguồn: giadinhphapluat

Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam, sửa đổi 2017 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Một trong những điểm đáng chú ý là lần đầu tiên, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã quy định trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp (pháp nhân thương mại, khác với trước kia chỉ có cá nhân).

Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho các loại tội phạm, bao gồm tội phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ (Điều 225 và 226). Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định về trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ do các cơ quan chức năng còn thiếu kinh nghiệm thực tế.

Nhưng mới đây, lần đầu tiên một doanh nghiệp ở Việt Nam đã phải chịu trách nhiệm hình sự do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngày 14/1/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra phán quyết một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này phải chịu trách nhiệm hình sự do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Trong vụ việc này, Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp và giám đốc công ty đã bị khởi tố với lý do sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL”, được Công ty nhôm Việt Pháp SHAL bảo hộ và sử dụng trên các sản phẩm thanh nhôm định hình do công ty này sản xuất. Mặc dù có tên tương tự song hai công ty hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.

Theo bản án, Nhà máy nhôm Việt Pháp đã bị phạt 2 tỷ đồng và phải bồi thường thiệt hại về vật chất với số tiền tương ứng là 500 triệu đồngvà tinh thần gần 15 triệu đồng cho Công ty nhôm Việt Pháp SHAL.

Giám đốc của công ty nhôm Việt Pháp đã bị phạt 500 triệu và bị cấm đảm nhiệm chức vụ này trong khoảng 18 tháng.

Mặc dù đây mới là kết quả của bản án sơ thẩm, các bị cáo vẫn có thể kháng cáo (với kết quả không thể đoán trước) song phán quyết của tòa án được coi là tin tốt cho những cá nhân, tổ chức có tài sản trí tuệ ở Việt Nam. Những hình phạt được áp dụng cho các bị cáo cho thấy tòa án đã “mạnh tay” đối với những tội phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ, qua đó tăng cường hiệu quả cảnh cáo và răn đe.

Nguồn Khoa Học Phát Triển

0 comments:

Đăng nhận xét