24 thg 2, 2020

Một cổ phiếu tăng gần 129% trong gần 2 tuần

GVT tăng trần 5 phiên nâng thị giá lên 34.800 đồng/cp trong phiên 24/2. Giấy Việt Trì báo lãi tăng gần 2 lần trong năm 2018. Sau khi giảm sở hữu tại Giấy Việt Trì, 2/3 cá nhân không còn là cổ đông lớn vào tháng 7/2019.
Diễn biên cổ phiế GVT từ khi lên sàn. Nguồn: VNDirect.

Kết phiên 24/2, cổ phiếu GVT của CTCP Giấy Việt Trì ( UPCoM: GVT ) tăng trần lên giá 34.800 đồng/cp, bất chấp VN-Index giảm gần 30 điểm do những thông tin tiêu cực về dịch Covid-19. Trong 2 tuần gần đây, cổ phiếu GVT có 5 phiên tăng trần với thanh khoản chỉ 100-200 đơn vị, tăng gần 129%.

Kịch bản này tương tự diễn biến vào đầu tháng 3/2019 và cuối tháng 11/2018 của GVT. Trong hơn 2 tuần, thị giá GVT tăng trên 120%, trước khi "rơi" về giá cũ. Khối lượng giao dịch ở mức 100 cổ phiếu mỗi phiên.

Giấy Việt Trì có vốn điều lệ gần 73,5 tỷ đồng, được thành lập từ năm 2009, tiền thân là nhà máy Giấy Việt Trì. Hoạt động chính của công ty là kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm bột giấy và giấy…

Thời điểm lên sàn UPCoM đầu năm 2017, Giấy Việt Trì có 2 cổ đông lớn là Tổng CTCP Giấy Việt Nam và cá nhân Nguyễn Văn Hiện, Chủ tịch HĐQT lần lượt nắm giữ 29% và 7,21% vốn.

Cuối năm 2018, Tổng công ty Giấy Việt Nam chào bán toàn bộ 2,13 triệu cổ phiếu GVT với giá khởi điểm 27.100 đồng/cp. Cuộc đấu giá diễn ra thành công ngoài mong đợi với giá trúng bình quân 38.253 đồng/cp, thu về gần 81,5 tỷ đồng từ 4 nhà đầu tư trúng giá. Thời điểm đó, giá của GVT trên thị trường chỉ dao dộng quanh mức 11.100 đồng/cp và hầu như không có thanh khoản.

Sau đấu giá, GVT xuất hiện thêm 3 cổ đông lớn gồm bà Hồ Thị Kim Phương nắm 6,6% vốn, bà Nguyễn Quang Hưng giữ 7,55% vốn và ông Phạm Đức Hòa nắm 14,43% vốn vào cuối tháng 1/2019.

Đến tháng 7/2019, cá nhân Hồ Thị Kim Phương và Nguyễn Quang Hưng đã bán bớt cổ phần và không còn là cổ đông lớn. Cá nhân Phạm Đức Hòa cũng giảm sở hữu xuống còn 8,33%. Giai đoạn cuối năm 2019, thành viên HĐQT và các lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều giao dịch cổ phiế GVT.

Kinh doanh “bùng nổ” nhờ giảm chi phí
Giấy Việt Trì hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính 2019. Năm 2018, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 1.225 tỷ đồng, tăng 6% so với kỳ trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 1,3 lần đạt 37,6 tỷ đồng, nhờ giảm chi phí tài chính và chi phí quản lý. Con số này vượt 23% kế hoạch doanh thu và gấp gần 3 lần chỉ tiêu lợi nhuận. Lãi sau thuế chưa phân phối lũy kế đến hết 2018 ở mức 37,6 tỷ đồng.

Giai đoạn 2014-2016, Giấy Việt Trì kinh doanh ổn định, lợi nhuận đi ngang dao động 12-13 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2017, công ty bắt đầu có sự thay đổi rõ khi ghi nhận doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng với lợi nhuận hơn 16,3 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước.

KQKD của GVT giai đoạn 2014-2017. Đơn vị: tỷ đồng.

Đến cuối 2018, tổng tài sản ở mức 452,2 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm, chủ yếu do hàng tồn kho giảm 45% xuống 117 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền tăng hơn 57% lên 31 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn 50% tài sản ngắn hạn với gần 151 tỷ đồng. Tài sản dài hạn chủ yếu là tài sản cố định gần 117,5 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạnn hơn 29 tỷ đồng (gồm cải tạo máy móc, công trình…).  Công ty vay nợ tài chính hơn 199 tỷ đồng, với 92% là vay ngắn hạn.

Nguồn Người Đồng Hành

0 comments:

Đăng nhận xét