Doanh nghiệp chưa rõ danh tính này đăng ký hoạt động trong nhóm ngành "Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm".
Thông tin từ Cục đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy trong tháng 1/2020, có một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới hoạt động trong nhóm ngành "Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm" với vốn đăng ký lên đến 144.000 tỷ đồng.
Để dễ hình dung, con số này tương đương tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và thậm chí còn lớn hơn vốn điều của Viettel, hiện đạt xấp xỉ 141.000 tỷ đồng.
Danh tính của doanh nghiệp này hiện vẫn là một ẩn số. Theo tìm hiểu ban đầu của chúng tôi, doanh nghiệp nêu trên được đăng ký thành lập vào ngày 17/1/2020, có trụ sở chính tại Hà Nội.
Doanh nghiệp "bí ấn" kia là 1 trong 264 doanh nghiệp được đăng ký thành lập vào ngày 17/1
Tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng góp đủ vốn ngay từ khi thành lập nhưng việc có vốn điều lệ lên đến cả trăm nghìn tỷ thực sự là rất hiếm. Theo dữ liệu chúng tôi có được, hiện cả nước mới chỉ có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng gồm 3 tập đoàn kinh tế nhà nước là PetroVietnam, EVN và Viettel cùng 2 doanh nghiệp FDI là Formosa Hà Tĩnh và Vietnam Beverage.
Vietnam Beverage – thành viên của tập đoàn đồ uống ThaiBev của Thái Lan - là công ty đã trực tiếp chi ra 5 tỷ USD để mua lại 53,6% cổ phần của Sabeco từ Bộ Công thương.
Nếu góp đủ như đăng ký, "doanh nghiệp bí ẩn kia" có thể trở thành công ty có vốn điều lệ lớn thứ 3 cả nước.
Thậm chí ngay cả số doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 20.000 tỷ cũng mới chỉ khoảng 30-40 doanh nghiệp với một số cái tên đáng chú ý như PVEP, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Cao su, BIDV, Vietinbank, Techcombank, Vingroup, VinHomes…
Ngay cả một số doanh nghiệp FDI có tổng vốn đầu tư vào loại đứng đầu cả nước nhưng vốn điều lệ đăng ký cũng có thể rất bé, điển hình là Samsung.
Dù vốn đầu tư đăng ký, vốn chủ sở hữu tích lũy qua nhiều năm đều lên đến nhiều tỷ USD nhưng Samsung Electronics Vietnam, Samsung Electronics Vietnam Thainguyen đều có vốn điều lệ chỉ từ 2.000 tỷ đồng đổ xuống.
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 01 năm 2020 là 16.746 doanh nghiệp (giảm 9,7% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 8.267 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 17,9%) và 8.470 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 0,1%).
Tình hình doanh nghiệp thành lập mới
- Tình hình chung:
Trong tháng 01 năm 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm trong khi số vốn đăng ký tăng và đạt mức cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước đây. Cụ thể, cả nước có 8.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 267.178 tỷ đồng, giảm 17,9% về số doanh nghiệp, tăng 76,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019 (số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng 01/2020 giảm mạnh do thời gian giáp Tết Nguyên đán Canh Tý).
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01 năm 2020 đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lý do có sự tăng đột biến về vốn đăng ký là trong tháng 01/2020 có một doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Hà Nội với số vốn 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01 năm 2020 là 84.458 lao động, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 01 năm 2020 là 501.384 tỷ đồng (giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 267.178 tỷ đồng (tăng 76,8%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 234.206 tỷ đồng (giảm 51,6%) với 3.652 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Trong tháng 01 năm 2020, có 147 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 1,8%) với tổng số vốn đăng ký là 2.437 tỷ đồng (chiếm 0,9%), giảm 23,8% về số vốn so với cùng kỳ 2019; có 2.413 doanh nghiệp thuộc khu vực Công nghiệp và Xây dựng [1] (chiếm 29,2%) với tổng số vốn đăng ký là 44.859 tỷ đồng (chiếm 16,8%), giảm 10,6% về số doanh nghiệp, tăng 0,1% về số vốn; có 5.716 doanh nghiệp thuộc khu vực Dịch vụ (chiếm 69,1%) với tổng số vốn đăng ký là 219.882 tỷ đồng (chiếm 82,3%), giảm 21,0% về số doanh nghiệp, tăng 110,8% về số vốn.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy với 2.038 doanh nghiệp (chiếm 24,6%) và số vốn đăng ký là 17.377 tỷ đồng (chiếm 6,5%); tiếp đến là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.216 doanh nghiệp (chiếm 14,7%) với số vốn đăng ký là 15.576 tỷ đồng (chiếm 5,8%); ngành Xây dựng có 1.065 doanh nghiệp (chiếm 12,9%) với số vốn đăng ký là 25.927 tỷ đồng (chiếm 9,7%).
Có 05 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2019 là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (tăng 8,6%); Thông tin và truyền thông (tăng 8,0%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 4,6%); Giáo dục và đào tạo (tăng 2,0%) và Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 0,2%).
Có 12 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019 trong đó, các ngành có tỷ lệ giảm cao nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 38,6%); Khai khoáng (giảm 32,6%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 23,9%). Trong đó, các ngành Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Vận tải kho bãi và Y tế hoạt động trợ giúp xã hội cần đặc biệt lưu ý do số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký cùng giảm.
Có 01 ngành không thay đổi về số lượng nhưng tăng về số vốn đăng ký là Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 23,8%)
Đặc biệt, ngành Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có sự gia tăng đột biến về số vốn đăng ký (tăng 914,0%) nhưng giảm về số lượng doanh nghiệp (giảm 15,7%).
Theo Cục Đăng ký kinh doanh
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét