Phẩm chất và giá trị đạo đức của mỗi người khác nhau. Chúng ta học tư duy của người giàu, chứ chúng ta không học đạo đức của kẻ xấu.
Khi xưa "đọc truyện" cổ tích, người giàu thường là phú hộ xấu xa, tàn bạo, độc ác. Ngày nay "đọc sách", bạn lại thấy người giàu là những người có tư duy tuyệt vời, cao quý, đáng ngưỡng mộ. Vậy nên nhiều người coi thường truyện cổ tích và cho rằng chúng không có thật trên đời, còn sách thì có tính chất thực tế hơn truyện.
Thực tế, mỗi thời kỳ, mỗi chế độ, và mỗi quốc gia đều có cách làm giàu riêng. Có thể khi xưa người ta giàu lên như vậy. Có thể bây giờ người ta giàu lên theo cách khác.
Vậy nên khi nói tới giàu nghèo là chúng ta đang học tư duy làm giàu của họ, chứ không phải vấn đề về đạo đức hay con người như media hay đánh đồng.
Chúng ta chỉ đang học tư duy của người giàu
Nhiều người ngày nay nghĩ rằng người giàu thì tốt đẹp, cao quý còn người nghèo thì hèn kém và lười lao động. Đồng ý là những người giàu thì rất đáng học hỏi, tuy vậy thì chúng ta chỉ học tư duy của họ thôi, chứ nó không liên quan gì đến đạo đức cả.
Bởi có nhiều người dù giàu có nhưng rất xấu xa. Họ tham nhũng, ăn tiền của dân, cướp đất, phá rừng, bùng lương, và bóc lột sức lao động.
Tôi nhớ có người đẹp nào đó nói rằng, đại ý: Em thích yêu đại gia vì đại gia tạo ra công ăn việc làm cho người nghèo. Rồi đại gia từ thiện, đóng góp cho xã hội.
Đồng ý có những đại gia như vậy, nhưng có nhiều người khác thì không. Đánh đồng phẩm chất đạo đức của ai cũng giống nhau, nó giống như so sánh chất lượng không khí Hà Nội và chất lượng không khí ở Thuỵ Sỹ vì đều có oxi để thở vậy.
Cách đây 6, 7 năm gì đó tôi có mua một căn chung cư để ở. Không may là tôi mua đúng dịp bất động sản đang đóng băng, thế nên dự án tôi mua cũng đắp chiếu rất lâu, công nhân bị chậm lương dài dài. Tôi nhớ có người nói mình bị chậm lương tới 2 năm trời.
Bạn từng làm công việc xây dựng bao giờ chưa? Bạn có biết là công việc đó nặng nhọc thế nào không? Suốt 2 năm trời làm việc không lương như vậy thì đừng nói làm công nhân, bất cứ ai dù tinh thần sắt thép đến mấy cũng sẽ không thể bình tĩnh được. Nhưng bởi vì tiếng nói của họ thấp, lại không đủ hiểu biết về luật pháp, vậy nên bị bóc lột cũng đành chịu.
Cũng vào đợt chuẩn bị lắp thang máy, lúc này không may có một người trượt chân rơi xuống hốc thang và tử vong. Bạn có biết gia đình nạn nhân được đền bù bao nhiêu không? Tôi nhớ là 10 hay 15 triệu gì đó cho một mạng người mà thôi. Còn chủ đầu tư ư? Sau dự án đó họ đút tới cả trăm tỷ. Cuộc sống nghiệt ngã vậy đó!
Đó là một trong rất nhiều câu chuyện mà tôi tận mắt chứng kiến từ người giàu. Họ có tuyệt vời không? Họ có đáng ngưỡng mộ như những gì sách nói không?
Phẩm chất và giá trị đạo đức của mỗi người khác nhau. Chúng ta học tư duy của người giàu, chứ chúng ta không học đạo đức của kẻ xấu.
Giàu có khuếch đại con người bạn
Gia đình, họ hàng, người thân của tôi 99% là người nghèo. Chỉ có 1, 2% gì đó là trung lưu. Nhưng cũng chỉ là trung lưu theo dạng đủ ăn, đủ mặc, có căn nhà khang trang được khánh thành ở nông thôn mà thôi.
Tôi nhận thấy, đa số người nghèo mà không bon chen thì đạo đức của họ thường rất tuyệt vời. Nếu những người này mà trở nên giàu có, thiết nghĩ đạo đức của họ thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa vì họ rất thích giúp đỡ mọi người.
Tưởng tượng, nếu nghèo bạn chỉ giúp được 1-2 người vì hết khả năng. Trở nên giàu có, bạn có thể giúp được hàng trăm hàng nghìn người. Thậm chí có rất nhiều người mà bạn không hề gặp hay tiếp xúc.
Có rất nhiều tỷ phú tuyệt vời trên thế giới, chẳng hạn như Bill Gates hay Warren Buffett. Họ thường xuyên làm từ thiện cũng như tạo ra các quỹ để nghiên cứu vacxin cho con người. Gần đây nhất, Bill Gates đã đầu tư 100 triệu đô la để nghiên cứu cách tìm ra vacxin chữa virus Corrona. Thử tưởng tượng nếu không có những Mạnh Thường Quân như vậy, việc tìm ra thuốc chữa sẽ ngày càng khó khăn hơn, số người chết hàng ngày càng nhiều hơn. Bạn không muốn chuyện đó xảy đến với bản thân và gia đình mình chứ?
Nhưng cũng có những tỷ phú mặc dù giàu có nhưng lại hết sức tầm thường. Như J. Paul Getty là một ví dụ, ông là tỷ phú giàu mỏ khét tiếng, nhưng khi cháu trai bị bắt cóc đòi tiền chuộc thì nhất quyết không chịu xì tiền. Chỉ đến khi bọn tội phạm gửi về 1 cái tai và ít tóc, lúc này do chịu nhiều sức ép thì vị tỷ phú mới trả tiền chuộc. Về sau, câu chuyện về J Paul Getty còn được dựng thành phim một cách đầy châm biếm.
Phải hiểu rằng, giàu có cũng như mạng xã hội Facebook hay Instagram, nó sẽ khuếch đại đạo đức và con người bạn. Nếu là một người tốt, giàu có. sẽ nhân sự tốt đẹp của bạn lên hàng trăm lần. Nếu là một người xấu, sự giàu có sẽ khắc họa rõ nét hơn sự xấu xa của bạn.
Ngày nay, người giàu được tôn vinh thái quá mà đôi khi không cần biết phẩm chất hay cách họ giàu lên thế nào. Đồng ý là tư duy của họ là thứ đáng học hỏi, nhưng con người ư, làm ơn hãy xem xét đạo đức của họ trước!
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét