14 thg 2, 2020

Những đầu tàu bán lẻ - hàng tiêu dùng như Thế giới Di động, Masan, PNJ, Vinamilk sẽ bị ảnh hưởng như thế nào giữa đại dịch virus Corona?

Vinamilk (VNM) đang đợi giấy phép xuất khẩu sữa đi Trung Quốc, tuy nhiên do dịch virus Corona nên khả năng việc được chấp thuận giấy phép sẽ bị chậm trễ nên ảnh hưởng tới kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu trong 2020 của VNM.

Về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona, từ trường hợp đầu tiên được phát hiện vào 8/12/2019, số ca lây nhiễm tăng nhanh và gây tử vong hơn 100 người vào 28/1/2020. Đến ngày 30/1/2020, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với chủng virus 2019-nCoV. 

Tính đến 7h sáng ngày 10/2/2020, thế giới ghi nhận 40.553 ca nhiễm (Trung Quốc đại lục 40,171), số ca tử vong 940 (Trung Quốc đại lục 908). 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, trong đó Việt Nam có 14 trường hợp. Trong bối cảnh trên, các tổ chức tài chính đều đánh giá triển vọng tiêu cực trong ngắn hạn tuy nhiên mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế thấp hơn SARS trong dài hạn. Mức dự báo tăng trưởng trung bình các dự báo giảm 0,3% cho năm 2020, ghi nhận tại Báo cáo mới nhất của Chứng khoán BSC.

Trong đó, BSC đánh giá đa số nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch virus Corona. Đặc biệt, tác động của dịch Corona sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành tiêu dùng trong quý 1/2020.

Phân tích sâu, ngành du lịch Việt Nam bình quân 1 năm đón 5,8 triệu khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế và chi tiêu khoảng 100 USD/người/ngày, chủ yếu là lưu trú, ăn uống và mua sắm chiếm 75%. Từ đó, BSC ước tính doanh thu từ khách Trung Quốc vào tiêu dùng đạt khoảng 465,5 triệu USD/ngày. Dịch Corona sẽ làm giảm lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực ngành bán lẻ. Bên cạnh đó, theo các trung tâm y tế dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh nhất vào 10 - 23/2/2020 và trong trường hợp xấu nhất có thể kéo qua tới quý 2 vì vậy tâm lý lo lắng của người dân sẽ hạn chế ra đường và tập trung chi tiêu mạnh những nhu yếu phẩm cho cuộc sống. Từ đó, BSC cho rằng các cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong Q1/2020 và những cổ phiếu nhóm ngành thực phẩm và đồ uống sẽ ít ảnh hưởng hơn.

Chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh sẽ bị ảnh hưởng trong quý 1
Trong đó, điểm qua một số cổ phiếu tiêu dùng bán lẻ có ảnh hưởng như Thế giới Di động (MWG): Chuỗi TGDĐ và Điện Máy Xanh khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong quý 1/2020 nhưng chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ ổn định do nhu cầu tiêu dùng ăn uống của người dân vẫn phải duy trì. Hay PNJ cũng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi người dân sẽ hạn chế ra cửa hàng hoặc trung tâm thương mại để mua sắm các sản phẩm xa xỉ.

Vinamilk: Việc chấp thuận giấy phép vào Trung Quốc sẽ bị chậm trễ
Thứ hai, với các ‘ông lớn’ tiêu dùng F&B cần lưu ý trong ngành VNM của Vinamilk. Hiện tại, VNM đang đợi giấy phép xuất khẩu sữa đi Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nCoV nên khả năng việc được chấp thuận giấy phép sẽ bị chậm trễ nên ảnh hưởng tới kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu trong 2020 của VNM. Đối với nội địa, dịch nCoV sẽ làm cho người dân hạn chế ra các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi để mua sắm vì thế làm ảnh hưởng tới sản lượng bán ra ở kênh MT.

Hay với ông lớn ngành bia Sabeco (SAB), không chỉ dịch nCoV mà còn nghị định 100 cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sẽ có tác động tiêu cực đối với kênh phân phối bia thông qua các nhà hàng, quán nhậu (on-trade channel) hiện chiếm tỷ trọng lớn 70-80% doanh số ngành bia của SAB. Vì thế sản lượng bia tiêu thụ trong năm 2020 giảm 20% và giá bán sẽ được điều tiết từ 5-10% theo cung và cầu thị trường khi nhu cầu ngày càng giảm, BSC nhấn mạnh.

Nhu cầu về dòng thực phẩm cao cấp sẽ gây áp lực lên Masan
Một đại gia bán lẻ khác cũng không nằm ngoài ảnh hưởng, Masan (MSN) sẽ đối mặt với tình trang sức mua và nhu cầu của người dân sẽ giảm mạnh và đặc biệt các dòng sản phẩm premiumization như nước chấm, mỳ gói, nước uống tăng lực sẽ không thu hút được nhiều người mua.

Ngược lại, ngành hàng MML (thịt mát) của MSN sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều do nhu cầu sử dụng thịt không giảm, tuy nhiên giá bán heo hơi trên thị trường sẽ điều chỉnh giảm khi nhà nước nhập khẩu thịt để bình ổn giá thị trường.

Còn lại ngành khoáng sản MSR, BSC đánh giá thị trường tungsten sẽ tiếp tục khó khăn trong 2020 khi quốc gia sản xuất và nắm giữ trữ lượng tungsten nhiều nhất thế giới là Trung Quốc đang phải cách ly với dịch nCoV và cả thuế xuất nhập khẩu của Mỹ. Vì thế, khả năng giá tungsten sẽ giảm và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa của thế giới.

Cuối cùng Lộc Trời (LTG), do dịch nCoV nên nhiều cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc sẽ phải đóng cửa từ đó làm giảm xuất khẩu nông sản của Việt Nam và LTG, ngoài ra Trung Quốc đang tiếp tục tăng thuế nhập khẩu gạo của các nước trong khu vực.

Theo Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét