27 thg 2, 2020

Thị trường chứng khoán: Sau mốc 900 điểm, VN-Index sẽ về đâu?

VN-Index mất gần 30 điểm khi mở cửa tuần này, xuống sát 900 điểm, mức thấp mới hơn 1 năm qua, trong bối cảnh một loạt thị trường chứng khoán tại châu Á giảm điểm trước tình trạng dịch Covid-19 lây lan nhanh tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thị trường đang tạo đáy ngắn hạn
Nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 vẫn là yếu tố tạo lực cản đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, chỉ khi xuất hiện những dấu hiệu rõ nét về việc dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm và dần được kiểm soát thì thị trường mới có cơ hội hồi phục bền vững.

Phiên 24/2, VN-Index giảm 3,2%, lũy kế giảm 6% kể từ đầu năm 2020 và giảm 9% kể từ khi dịch Covid-19 được công bố.

Nhóm VN30 vốn đóng vai trò nâng đỡ thị trường thì phiên này có mức giảm mạnh hơn thị trường chung, mất 3,6% giá trị.

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, ngành du lịch, hàng không Việt Nam có thể hứng chịu thêm thiệt hại khi lượng khách du lịch đến từ Hàn Quốc đang chiếm một tỷ trọng đáng kể (gần 25% trong năm 2019 và chỉ xếp sau khách Trung Quốc).

Bên cạnh đó, một số chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đình trệ kéo dài như ngành may mặc, sản xuất đồ điện tử…, khiến kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn so với kỳ vọng của thị trường, đồng thời kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ suy giảm.

Theo KBSV, thời gian tới, thị trường chứng khoán có thể đan xen các phiên hồi phục kỹ thuật, nhưng nhìn chung, diễn biến trong ngắn hạn là tiêu cực khi nhà đầu tư tiếp tục phản ánh rủi ro từ dịch Covid-19 lên giá của nhiều cổ phiếu, đặc biệt là nhóm ngành hàng không, du lịch, xuất khẩu...

"VN-Index đang có vùng hỗ trợ 890 - 900 điểm, nếu không có lực cầu đủ mạnh thì chỉ số có thể rơi sâu hơn.

Dựa trên phân tích kỹ thuật, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index hiện trở về mức tiêu cực, chỉ số có thể sẽ giảm xuống các mức thấp hơn.

Thị trường đang tạo đáy ngắn hạn nên nhiều khả năng sẽ trải qua giai đoạn biến động thất thường trước khi lấy lại được điểm cân bằng.

Tâm lý thị trường dễ tổn thương trong thời điểm hiện tại, nên việc chỉ số biến động theo hướng giảm là dễ hiểu.

Hơn nữa, các dòng cổ phiếu quan trọng đang diễn biến trái chiều, thiếu sự đồng thuận. Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có động thái bán ròng, điều này thêm phần ảnh hưởng tới tâm lý chung trên thị trường.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) nhận định, diễn biến giảm của chỉ số trong ngắn hạn có nguy cơ tiếp diễn trong bối cảnh dòng tiền đang thận trọng và khả năng có thêm nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài thị trường, dẫn đến thiếu vắng lực nâng đỡ.

Áp lực điều chỉnh vẫn còn trong khi thiếu vắng lực đỡ thì mặt bằng giá các cổ phiếu sẽ xuống thấp hơn.

Thậm chí, trên một số diễn đàn mạng, có những ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán cũng là nơi cần được “giải cứu”, bởi đang gây ra nỗi “sợ hãi” đối với nhà đầu tư. Nếu không có giải pháp kích cầu, trấn an cụ thể, thì thị trường chứng khoán rất có thể tiếp tục diễn biến xấu.


Tìm cơ hội trong thách thức
Ba phiên đầu Xuân 2020 (30-31/1 và 3/2), VN-Index lao dốc, từ trên 990 điểm xuống dưới 930 điểm, sau đó hồi phục nhẹ và có diễn biến “lình xình”.

Hiện tại (24/2), chỉ số chỉ là 903 điểm, nhưng cơ hội đầu tư ngắn hạn gặp nhiều thách thức khi rất nhiều mã cổ phiếu đang chịu tác động giảm chung của thị trường.

Nỗi lo từ dịch Covid-19 cùng với dòng tiền khối ngoại toàn cầu nhiều khả năng sẽ rút ra khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam ngày càng mạnh hơn tạo áp lực không nhỏ tới thị trường.

Dù vậy, ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, KBSV đánh giá, cơ hội đầu tư trung và dài hạn đang trở nên khá hấp dẫn khi nhiều cổ phiếu giảm giá về vùng hợp lý.

“Chúng tôi vẫn nhìn nhận, nhóm ngân hàng sẽ được hưởng lợi lớn khi Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ sớm có nhiều biện pháp kích thích tiền tệ, bao gồm nới tăng trưởng tín dụng từ giữa năm nay trong bối cạnh dịch Covid-19 có thể tác động mạnh hơn tới nền kinh tế”, ông Tùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhìn lại những tác động và mối liên hệ của dịch bệnh đối với thị trường chứng khoán trong lịch sử cho thấy, đối chiếu với trường hợp của dịch SARS năm 2003, thị trường hồi phục theo hình chữ V.

Nếu lịch sử lặp lại, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát thì thị trường chứng khoán cũng sẽ hồi phục đáng kể.

Kèm với đó, nhóm cổ phiếu đã sụt giảm mạnh như ngành hàng không, du lịch, hàng tiêu dùng, dầu khí… sẽ mang tới cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư bởi triển vọng tăng trưởng dài hạn vẫn tích cực, nhưng lại bị bán ra mạnh mẽ bởi cú sốc ngắn hạn.

Ở góc nhìn thận trọng, ông Đào Tuấn Trung cho rằng, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không nên liều lĩnh tham gia thực hiện bắt đáy cổ phiếu, nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở ngưỡng hợp lý.
Bởi lẽ, thị trường trong ngắn hạn đang có chiều hướng tiêu cực với dòng tiền yếu, lực cung cổ phiếu thường trực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường.

Trong khi đó, thị trường trong trung hạn cũng không thực sự khả quan với mẫu hình phân tích kỹ thuật chỉ số VN-Index vẫn đang ở trong xu hướng giảm điểm dài hạn từ khi đạt mức đỉnh 1.200 điểm vào tháng 4/2018.

Chính vì vậy, kể cả khi các diễn biến ngắn hạn tích cực xảy ra thì nhiều khả năng cũng chỉ là các nhịp hồi phục yếu ớt trong một xu hướng giảm điểm lớn hơn.

Theo CTS, VN-Index đang có vùng hỗ trợ 890 - 900 điểm. Nếu vùng hỗ trợ này được duy trì (khi có lực cầu đủ mạnh) thì tình hình sẽ không quá đáng ngại.

Trái lại, nếu vùng hỗ trợ trên bị xuyên thủng (tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư gia tăng) thì chỉ số có thể rơi sâu hơn.

Giao dịch trên thị trường phiên đầu tuần cho thấy, thanh khoản tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng (40%), xây dựng và vật liệu xây dựng (10%), thực phẩm và đồ uống (9%), Vingroup (6%).

Trong đó, một số mã ngân hàng ảnh hưởng mạnh đến chỉ số như BID, CTG, VCB, TCB… đồng loạt giảm giá, làm tăng áp lực lên thị trường và chỉ số. Tuy nhiên, điều này được cho là hợp lý khi các mã ngân hàng trước đó có diễn biến tăng giá.

“Quan điểm cá nhân tôi vẫn tiếp tục chọn chiến lược cổ phiếu tốt, cổ phiếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì với thị trường giằng co, chưa rõ ràng, cầu không mạnh thì việc lựa chọn nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ làm gia tăng rủi ro”, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh nói.

Trong khi đó, anh Trần Khoa, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh hiện tại, anh hạn chế tham gia đầu tư cổ phiếu, đặc biệt là những mã có tính đầu cơ cao.

Dù vậy, xét đầu tư dài hạn, thời điểm này có thể chọn mua các cổ phiếu giảm về vùng giá thấp, trong khi ít chịu tác động bởi dịch bệnh, bởi chiến lược này không cần thiết phải theo dõi sự dịch chuyển của dòng tiền trong ngắn hạn.

Nguồn TNCK

Tin liên quan:

0 comments:

Đăng nhận xét