Trong số 25 quốc gia được khảo sát, Microsoft xếp Nam Phi là nước kém văn minh nhất trên mạng. Họ sắp xếp dựa theo tiêu chí nào?
Vào đầu tháng 2, Microsoft công bố báo cáo về chỉ số văn minh trên Internet (DCI). Kết quả này được Microsoft công bố nhân ngày quốc tế An toàn Internet. Trong danh sách này Microsoft xếp hạng Nam Phi là quốc gia có mức độ văn minh Internet thấp nhất.
Nam Phi là quốc gia có chỉ số văn minh Internet thấp nhất trong khảo sát của Microsoft. Ảnh: Microsoft.
Khảo sát được thực hiện nhằm tìm hiểu những trải nghiệm của người dùng đối với 21 rủi ro do các hành vi cư xử không đúng mực gây ra. Nhóm tham gia khảo sát là thanh thiếu niên, người trưởng thành tới từ 25 quốc gia.
Vì sao Nam Phi đứng đầu danh sách?
Theo Microsoft, chỉ số văn minh số được đo lường bằng phản hồi của thanh thiếu niên và người trưởng thành về trải nghiệm trên mạng và các nguy cơ đến từ Internet. Cụ thể, Microsoft liệt kê 21 loại rủi ro trên mạng, chia thành 4 mục liên quan đến uy tín, hành vi, tấn công tình dục và khai thác thông tin cá nhân.
Chỉ số của một quốc gia càng thấp, càng cho thấy người dùng Internet tại quốc gia đó gặp ít nguy cơ hơn từ mạng, hay nói cách khác là người dùng mạng văn minh hơn. Đây là lần đầu tiên có tới 3 quốc gia đạt chỉ số trên 80%, trong đó cao nhất là Nam Phi ở mức 83%.
Theo báo cáo của Microsoft, người khảo sát tại Nam Phi cho rằng nguy cơ phổ biến nhất trên mạng là bị liên hệ không mong muốn (53%), lừa đảo (40%), bị đối xử tệ (37%) và nhắn tin gạ tình (34%). Có tới 87% cho biết đã gặp những rắc rối ít nhất 2 lần, 95% từng đau khổ vì những rắc rối trên mạng, và 71% lo ngại những rủi ro này sẽ trở lại.
Chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trên mạng tại Nam Phi là chủng tộc (56%), chính trị (41%), tôn giáo (38%), xu hướng tình dục (34%) và ngoại hình (32%).
Đối với những sự cố gây ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần, người dùng Nam Phi cho rằng nạn phân biệt đối xử, bôi nhọ uy tín và quấy nhiễu trên mạng là những nguy cơ lớn nhất.
Trong báo cáo những năm trước của Microsoft, Nam Phi luôn được xếp ở thứ hạng thấp. Năm 2018, nước này xếp chót trong 14 nước được khảo sát. Năm 2019, Nam Phi đứng vị trí 21/22 nước.
Nhiều vấn đề về hành vi trên mạng ở Nam Phi
Đây không phải báo cáo đầu tiên cho thấy những vấn đề trên mạng ở Nam Phi. Năm 2019, báo cáo của công ty phân tích thị trường YouGov cho thấy 24% người dùng Internet tại Nam Phi từng thừa nhận bị lừa đảo trên mạng. Có tới 28% người từng bị truy nhập tài khoản trái phép, và 53% từng nhận email lừa đảo dạng phishing.
Bắt nạt trên mạng cũng là một vấn nạn khác. Năm 2015, công ty phân tích thị trường YouGove cho thấy Nam Phi nằm trong số 4 nước có tỷ lệ bắt nạt trên mạng cao nhất thế giới. Khảo sát này cho thấy có 1/5 trẻ vị thành niên ở Nam Phi từng bị bắt nạt, và 84% quen biết nạn nhân bắt nạt trên mạng.
Hoa hậu Nam Phi Zozibini Tunzi cũng từng là nạn nhân của bắt nạt qua mạng.
Con số này vẫn không thay đổi sau nhiều năm. Vào năm 2019, báo cáo thường niên về bắt nạt trên mạng của công ty Ipsos cho thấy 25% phụ huynh Nam Phi thừa nhận con mình là nạn nhân. Số phụ huynh quen biết nạn nhân bắt nạt lên tới 54%, cao hơn nhiều so với con số trung bình 33% qua khảo sát 28 nước.
Phần lớn phụ huynh (66%) cho rằng mạng xã hội là môi trường ưa thích để thực hiện các hành vi bắt nạt. Kẻ bắt nạt chủ yếu là bạn cùng lớp (67%) hoặc người thân (15%) của nạn nhân.
Nam Phi đã ban hành Đạo luật về chống quấy rối, trong đó có những điều khoản về quấy rối qua mạng. Nếu được đưa ra tòa và phán quyết có quấy rối, nạn nhân sẽ được hưởng cơ chế bảo vệ từ tòa. Nếu thủ phạm tiếp tục quấy rối thì có thể bị bắt.
Nhà báo Nam Phi Redi Tlhabi từng "tuyên chiến" với những kẻ bắt nạt trên mạng. Ảnh: Madelene Cronjé.
Việc chê bai, tấn công trên mạng không chỉ nhắm tới đối tượng tuổi teen. Năm 2019, khi người đẹp Nam Phi Zozibini Tunzi được lựa chọn để đi thi Hoa hậu Hoàn vũ, cô đã nhận nhiều lời chê bai từ những tài khoản mạng xã hội nước này. Nhà báo kỳ cựu Redi Tlhabi cũng là nạn nhân của các tài khoản troll.
Tuy nhiên, trong những trường hợp này các nạn nhân đã được bảo vệ. Những người bênh vực Tunzi nhanh chóng chỉ ra sự sai lầm trong nhận xét của bên chê bai, thậm chí tấn công ngược lại các tài khoản này. Trong khi đó, cô Tlhabi cho rằng mình sẵn sàng đáp trả lại mọi chiến dịch tấn công cá nhân và gia đình mình.
Với nhiều vấn đề về hành vi trên mạng, không ngạc nhiên khi Nam Phi lần thứ ba liên tiếp là "điểm nóng" về thiếu văn minh trong báo cáo của Microsoft.
Nguồn Zing Tổng Hợp
Tin liên quan:
0 comments:
Đăng nhận xét