4 thg 3, 2020

ACB: Cạn dư địa tăng trưởng, chờ lực đẩy từ yếu tố bất thường

Dư địa tăng trưởng của ACB được nhận định là "cạn kiệt" do hệ số NIM khó có thể cải thiện mạnh mẽ, chi phí hoạt động tăng trở lại và dự phòng rủi ro chạm đáy. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố bất thường có thể giúp ACB gia tăng lợi nhuận đáng kể trong năm 2020.
ACB: Cạn dư địa tăng trưởng, chờ lực đẩy từ yếu tố bất thường

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dùng cụm từ "Dư địa cho tăng trưởng cạn kiệt" để mô tả về triển vọng tăng trưởng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Làm rõ thêm, PHS cho biết hệ số NIM (hệ số thu nhập lãi cận biên) của ACB khó có thể cải thiện mạnh mẽ.

Cụ thể, hệ số NIM của ACB trong năm 2019 đứng tại mức 3,68%, cải thiện nhẹ so với mức 3,67% của năm 2018. Mặc dù tỷ suất sinh lời trên các khoản vay của ACB tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên chi phí vốn gia tăng cùng với đó là danh mục đầu tư trái phiếu tập trung vào trái phiếu chính phủ với lợi suất suy giảm đã khiến NIM đi ngang.

PHS cho rằng lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian sắp tới.

Hiện tại, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã rớt xuống mức 2,87% từ mức 4,7% của đầu năm 2019. "Trong điều kiện nền tảng vĩ mô tương đối ổn định, nhiều khả năng lợi suất sẽ tiếp tục sụt giảm hoặc neo ở mức thấp, do đó lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu của ACB có thể sẽ tiếp tục suy giảm", chuyên gia của PHS cho hay.

Cùng với đó, chi phí sử dụng vốn vẫn sẽ tiếp tục gia tăng vẫn sẽ khiến cho NIM của ACB khó mở rộng mặc dù ACB vẫn sẽ đẩy mạnh danh mục cho vay khách hàng cá nhân nhằm tối ưu hóa khả năng sinh lời các khoản cho vay.

Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân cũng đã chiếm 67% tổng dư nợ, do đó ACB cũng không còn quá nhiều dư địa để chuyển dịch cơ cấu cho vay sang phân khúc này.

Bên cạnh đó, LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) của ACB cũng đã gần đạt mức tới hạn với các ngân hàng thương mại là 85%.

"Do đó chúng tôi tin rằng khả năng mở rộng NIM của ACB càng bị hạn chế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng buộc phải phụ thuộc vào gia tăng huy động với chi phí vốn có chiều hướng gia tăng", báo cáo của PHS nhấn mạnh.

Một điểm đáng chú ý khác cũng cho thấy ACB không còn nhiều dư địa tăng trưởng là việc chi phí hoạt động tăng trở lại cùng dự phòng cho rủi ro chạm đáy.

Cụ thể, chi phí hoạt động của ACB sau giai đoạn thắt chặt khi xử lý nợ xấu đã có dấu hiệu tăng trở lại trong năm 2019. Theo đó chi phí hoạt động của ACB đã tăng mạnh và ghi nhận ở mức 8.308 tỷ đồng trong năm 2019 (tăng 23,8%), qua đó đẩy tỷ lệ CIR  (tỷ trọng chi phí hoạt động trong tổng thu nhập hoạt động) của ACB tăng lên 51,6% từ mức 47,8%.

Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro năm 2019 của ACB tiếp tục suy giảm và chỉ ghi nhận 274 tỷ đồng (giảm 70%).

"Chúng tôi cho rằng mức dự phòng thấp như hiện tại mặc dù phản ánh chính xác chất lượng tài sản tại ACB, tuy nhiên nhiều khả năng có thể đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm trong các năm tới, cùng với đó là rủi ro gia tăng nợ xấu trong tương lai có thể khiến chi phí này gia tăng, qua đó ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ACB", chuyên gia của PHS nêu quan điểm.

Trong năm 2020, PHS dự báo thu nhập lãi thuần của ACB sẽ đạt mức 13.882 tỷ đồng (tăng trưởng 15%), lợi nhuận sau thuế ước đạt mức 6.796 tỷ đồng (tăng trưởng 13,3%).

Năm 2020, ACB có dự định thoái vốn tại ACBS và chỉ còn nắm giữ 49% sau khi bán vốn. Chuyên gia của PHS ước tính khoản lợi nhuận mà thương vụ này đem lại cho ACB ít nhất 600 tỷ đồng. Dự báo lợi nhuận của PHS không bao gồm ước tính này.

Ngoài ra, ACB cũng đã lên kế hoạch ký kết hợp đồng độc quyền phân phối với 1 công ty bảo hiểm, đây cũng có thể đem về một khoản lợi nhuận bất thường với ACB trong năm 2020 này.

PHS cũng bày tỏ lo ngại sự tác động nhất định của dịch Covid-19 đến ACB mặc dù tác động sẽ có độ trễ. Trong đó, công ty chứng khoán này lo ngại nhất về rủi ro tăng trưởng tín dụng không đạt được mục tiêu và rủi ro nợ xấu gia tăng trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài.

Nguồn VNF

0 comments:

Đăng nhận xét