Quá trình thử việc đã bị một số doanh nghiệp thay đổi về hình thức và thời gian trái quy định pháp luật, gây thiệt thòi quyền lợi của người lao động.
Khiếu nại đến Báo Người Lao Động mới đây, chị Nguyễn Thị Hà (quận Thủ Đức, TP HCM) bức xúc: "Tôi làm việc được 9 ngày, tức đã vượt qua 6 ngày hội nhập theo thỏa thuận ban đầu với công ty. Thế nhưng, công ty đột ngột cho tôi nghỉ việc mà không báo trước, cũng không trả lương những ngày làm việc khiến tôi thiệt thòi quyền lợi".
Doanh nghiệp lách luật
Theo trình bày của chị Hà, ngày 28-10-2019, chị được Công ty CP A.L (quận Phú Nhuận, TP HCM) gửi thư mời nhận việc ở vị trí trưởng phòng nhân sự và kiểm soát nội bộ. Theo thỏa thuận, chị sẽ thử việc 2 tháng (từ 29-10 đến 29-12-2019) và hưởng mức lương 20,4 triệu đồng/tháng. Sáu ngày đầu trong thời gian thử việc sẽ là thời gian hội nhập. Nếu trong thời gian này, chị hoặc công ty thấy không phù hợp thì 2 bên sẽ chấm dứt hợp tác và chị sẽ không được trả lương. Ngày 7-11-2019, chị Hà được công ty thông báo kết thúc thử việc vì không phù hợp với văn hóa và năng lực vị trí đảm nhiệm nhưng không trả lương những ngày làm việc dù chị đã nhiều lần yêu cầu.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà T.T.T.T, giám đốc điều hành công ty, giải thích: "Sáu ngày hội nhập là văn hóa của doanh nghiệp (DN), là thời gian cần thiết để người lao động (NLĐ) làm quen môi trường mới và để DN xem xét năng lực của nhân viên. Vì NLĐ trong giai đoạn tìm hiểu, chưa bắt tay vào làm việc nên DN không có cơ sở để trả lương. Trước khi làm việc, chị Hà cũng đã chấp nhận với thỏa thuận này. Thời gian thực tế chị có mặt tại công ty chưa đến 6 ngày, vì có những ngày chỉ vào chấm công rồi về nên chúng tôi không thể trả lương". Lập luận là vậy, thế nhưng sau khi được cơ quan chức năng nhắc nhở, bà T. mới chấp nhận trả cho chị Hà 7 ngày lương thử việc.
Ở Công ty TNHH Việt Minh Hải (quận 4, TP HCM), thời gian thử việc của NLĐ bị kéo dài đến 3 tháng. Anh Nguyễn Mạnh Tùng, nhân viên giám sát chất lượng sản phẩm, cho biết anh vào thử việc ở công ty từ ngày 1-4-2019 và làm việc đến ngày 27-6- 2019 (87 ngày) thì được giám đốc thông báo cho nghỉ việc. Cho rằng công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái quy định nên anh khiếu nại đến Báo Người Lao Động.
Trao đổi với phóng viên, ban đầu bà Trần Thúy Linh, Giám đốc công ty, thừa nhận công ty có thỏa thuận thử việc với anh Tùng trong thời gian 3 tháng. Do anh Tùng không đáp ứng được yêu cầu công việc nên công ty chấm dứt hợp tác. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề thời gian thử việc kéo dài hơn thời gian tối đa (60 ngày theo quy định của Bộ Luật Lao động - BLLĐ) thì bà Linh lại cho rằng anh Tùng được cá nhân bà tuyển dụng và hai bên chưa hề ký bất cứ văn bản thỏa thuận hay hợp đồng nào. Do đó, anh Tùng có thể đi kiện ở bất cứ đâu nếu muốn (!?).
Trả giá
Vấn đề thử việc của NLĐ đã được quy định rất rõ trong BLLĐ hiện hành. Theo đó, người sử dụng lao động và NLĐ có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Thời gian thử việc có thể là 6, 30 hay 60 ngày tùy vào trình độ của NLĐ, tính chất và mức độ phức tạp của công việc. Sau khi hết hạn thử việc, DN phải thực hiện giao kết HĐLĐ với NLĐ… Thế nhưng, một số DN vẫn phớt lờ quy định để rồi phải trả giá cho hành vi vi phạm của mình.
Trường hợp xảy ra ở Công ty CP Vật tư tổng hợp (quận 1, TP HCM) là một ví dụ. Theo đó, bà Trần Thị An vào làm việc tại công ty từ ngày 1-11-2018 với thời gian thử việc 2 tháng. Hết hạn thử việc, công ty không ký HĐLĐ, bà An vẫn làm việc bình thường và chưa hề vi phạm kỷ luật lao động. Ngày 6-3-2019, giám đốc công ty yêu cầu bà ngưng việc và trao quyết định thôi việc ngay trong ngày vì thử việc không đạt yêu cầu. Bà An khởi kiện công ty ra tòa đòi bồi thường vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật. Tại phiên xử mới đây ở TAND quận 1, TP HCM, hội đồng xét xử nhận định hết thời gian thử việc 60 ngày, công ty không thông báo kết quả thử việc, không thực hiện giao kết HĐLĐ, bà An vẫn đi làm bình thường và được DN trả lương, như vậy, mối quan hệ lao động giữa bà An và công ty đã được xác lập. Do đó, nếu DN muốn cho bà An nghỉ việc thì phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 36, điều 38 BLLĐ hoặc thực hiện thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn với NLĐ. Tuy nhiên, công ty đã không tuân thủ quy định nêu trên, đồng thời vi phạm cả thời gian báo trước theo luật định. Do đó, tòa buộc công ty phải bồi thường cho bà An tổng số tiền gần 70 triệu đồng vì đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định đối với NLĐ.
Thỏa thuận phải đúng luật
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận BLLĐ hiện hành cho phép NLĐ và người sử dụng lao động thỏa thuận các vấn đề trong mối quan hệ lao động theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Tuy nhiên, một số DN quên rằng theo quy định của Bộ Luật Dân sự, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc DN đưa ra những điều khoản thỏa thuận trái quy định pháp luật, gây thiệt hại cho chính mình.
Nguồn NLD
0 comments:
Đăng nhận xét