4 thg 3, 2020

Chế tài nào đối với việc TGĐ PVTrans kê khai không trung thực khối tài sản hàng trăm tỉ đồng?

Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để lấy ý kiến góp ý. Đối với những trường hợp cố tình kê khai tài sản không trung thực thì sẽ có những chế tài, kỷ luật, miễn nhiệm chức vụ.

Tài sản “khủng” bị quên khi kê khai
Mới đây Thanh tra chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và quản lý đất đai giai đoạn 2010-2017.

Tại kết luận thanh tra có đề cập tới nội dung việc thực hiện kê khai tài sản thu nhập của một số đơn vị còn sai sót ghi không đầy đủ các thông tin chung về con cái, chưa mô tả đầy đủ thông tin về tài sản, về đất đai; ghi tổng thu nhập không đúng theo mẫu, có trường hợp không ghi, có trường họp chỉ ghi thu nhập của mình mà không ghi thu nhập của người trong gia đình…

Dư luận gần đây xôn xao việc ông Phạm Việt Anh được Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PVTrans từ năm 2010. PVTrans là một Tổng công ty có 51% vốn Nhà nước và được hưởng lợi rất lớn từ sự hỗ trợ dịch vụ, hỗ trợ giá cước từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn (như Tổng công ty: PVEP, BRS, PVOIL, PVGAS). Trong các bản Kê khai tài sản, thu nhập của các năm gần đây 2016, 2017, 2018 của ông Phạm Việt Anh đã lộ ra khối tài sản nhiều trăm tỉ đồng.

Căn nhà của TGĐ PVTrans bị cho là kê khai chưa trung thưc về giá trị.

Tài sản đầu tiên phải kể đến là biệt thự số 49 Hưng Thái 2- R2 đường Nội khu (quận 7, TP HCM) được vợ chồng Tổng Giám đốc PVTrans mua năm 2015.

Khu phố Hưng Thái 2 là khu đô thị xa hoa bậc nhất TP HCM và chỉ dành cho giới siêu giàu an cư. Căn biệt thự này rộng tới 467m2. Được biết, đây là nơi ở chính của Tổng Giám đốc PVTrans Phạm Việt Anh.

Trong bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2017, ông Phạm Việt Anh kê khai mua căn biệt thự trên với giá 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc kê khai của ông Phạm Việt Anh bị cho là không trung thực khi trên Hợp đồng mua bán căn biệt thự này thể hiện việc ông Phạm Việt Anh mua căn biệt thự với giá 27,3 tỉ đồng (thời điểm 2015). Giá trị hiện nay của căn biệt thự này trên thị trường còn cao hơn rất nhiều.

Một việc bất thường khác, tại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do UBND TP Vũng Tàu cấp cho gia đình ông Phạm Việt Anh căn nhà số 37E, phố Huyền Trân Công chúa, TP Vũng Tàu trị giá trên 10 tỉ đồng. Tài sản này trong nhiều năm ông Phạm Việt Anh đã không kê khai tài sản, báo cáo tổ chức theo quy định.

Không chỉ vợ chồng ông Phạm Việt Anh sở hữu khối tài sản khủng, dư luận cũng xôn xao thông tin những năm gần đây bố mẹ đẻ ông Phạm Việt Anh là ông Phạm Khắc Hảo và bà Nguyễn Thị Hà cũng đứng tên một loạt biệt thự xa hoa tại quận 7, TP HCM.

Ngoài những tài sản trên, gia đình ông Phạm Việt Anh còn sở hữu nhiều tài sản nhà đất khác, tuy nhiên lí do tại sao  TGĐ Phạm Việt Anh lại phải khai thụt số tiền mua căn biệt thự, bỏ quên một loạt tài sản không kê khai?

Điều đó cho thấy, việc thực hiện việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thời gian qua nặng tính hình thức. Làm rất đầy đủ, năm nào cũng có tới hơn 99,9% người kê khai đúng thời hạn, đúng yêu cầu, đúng mẫu, nộp, vào sổ và báo cáo đầy đủ. Nhưng dường như không tìm ra điều bất thường, phát hiện ra tham nhũng, hoặc xử lý trường hợp kê khai không trung thực.

Miễn nhiệm quan chức che giấu tài sản
Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để lấy ý kiến góp ý. Đối với những trường hợp cố tình kê khai tài sản không trung thực thì sẽ có những chế tài xử lý nghiêm.

Cụ thể, phải giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực, tùy vào tính chất mức độ vi phạm thì có thể bị xử lý từ cảnh cáo cho đến miễn nhiệm chức vụ. Còn đối với những trường hợp cố tình cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền trong kê khai tài sản thu nhập, tẩu tán tài sản... thì có thể bị xử lý cách chức, giáng chức, buộc thôi việc, hoặc giáng cấp bậc quân hàm...

Còn đối với những trường hợp thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng lại chậm kê khai mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi việc việc đối với cán bộ, công chức, viên chức; đối với lực lượng vũ trang thì có thể đến mức cao nhất là tước danh hiệu Công an Nhân dân, tước danh hiệu Quân nhân... 

Thậm chí, trong việc kê khai tài sản, đối với những trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khi kê khai tài sản tăng thêm thì người có chức vụ, quyền hạn phải giải trình nguồn gốc tài sản một cách hợp lý. Không phải cứ giải trình thế nào thì cơ quan chuyên trách nghe như thế. Việc giải trình chưa đến mức độ phải chứng minh tính hợp pháp của tài sản thu nhập. Trường hợp có dấu hiệu cố tình che giấu tài sản, không trung thực sẽ lập tổ công tác tiến hành điều tra, xác minh.

Việc tẩu tán tài sản của quan chức khi có dấu hiệu vi phạm là một thủ đoạn để hạn chế việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Trước đây, nhận định tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng, nhưng nay tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Nên có thể tài sản không mang tên quan chức, mang tên bố, mẹ, vợ, con cái hoặc người thân của quan chức nhưng có nguồn gốc từ tham nhũng vẫn bị thu hồi.

Luật sư Phạm Văn Minh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng:  Luật phòng chống tham nhũng có tới 1/4 số điều, khoản liên quan tới kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong số 96 điều của luật, có 24 điều về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Theo quy định tại khoản 2, Điều 33 Luật phòng chống tham nhũng nêu “Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập”: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Việc nhiều cơ quan báo chí đã nêu và phản ánh ông Phạm Việt Anh là lãnh đạo của PVTrans sở hữu khối tài sản rất lớn, không rõ nguồn gốc và kê khai không trung thực, thì trước hết Tập đoàn dầu khí Việt Nam phải kiểm tra và có biện pháp xử lý. Các chế tài, quy định hình thức xử lý đối với cán bộ có hành vi gian dối trong kê khai, minh bạch tài sản của pháp luật nhà nước ta là rất rõ ràng, việc xử lý ban đầu là trách nhiệm của Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Nguồn Báo Bảo Vệ Pháp Luật

0 comments:

Đăng nhận xét