Sau khi Trung Quốc ‘lâm nạn’, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia mà nhiều doanh nghiệp dệt may và cơ điện Việt nhắm tới để tìm nhà cung cấp thay thế đối tác Trung Quốc. Nhưng, bây giờ, với tình trạng leo thang của đại dịch Corona tại 2 quốc gia này, nhiều doanh nghiệp cảm thấy đang bơ vơ giữa ngã ba đường.
Công ty cơ khí Duy Khanh dù không nhập trực tiếp nhập nguyên liệu - phụ kiện từ Trung Quốc nhưng những nhà cung cấp của họ thì có.
Nền sản xuất của Việt Nam nói chung – nhất là ngành dệt may, da giày và cơ điện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Corona. Bởi hầu hết nguyên liệu, phụ kiện của những ngành này nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ, sợi; 12,69 tỷ USD vải các loại và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,32 tỷ USD xơ sợi; 7,73 tỷ USD vải và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may. Da giày nhập 43,67%. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này thời gian tới phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn", ông Trương Thanh Hoài nhận định.
Trong một sự kiện gần đây, Cục trưởng Cục Công nghiệp – Trương Thanh Hoài cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Corona đang khiến ngành dệt may, da giày và túi xách của Việt Nam đối mặt thách thức rất lớn. Đa số các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
Một số liệu thống kê khác cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm 42%, từ Trung Quốc chiếm 34%. Đến nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020. LG và Samsung đang chuẩn bị cạn kiệt nguyên liệu đầu vào.
Ngành cơ điện đang đứng ở giữa muôn trùng vây
Trong các tất cả, ngành cơ điện chật vật nhất, vì nói như ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. HCM, trong khi ngành da giày hay dệt may còn có thể tìm kiếm nguồn nguyên liệu, phụ kiện trong nước, ngành cơ điện thì hầu như không thể.
"Đại dịch Corona đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành cơ điện, ngoài nhiều tác động tiêu cực vẫn có một ít tác động tích cực. Ví dụ: với nhu cầu nguyên liệu – phụ kiện rất lớn đến từ các doanh nghiệp cơ điện đang hoạt động sản xuất trong nước cộng với nhu cầu từ các tập đoàn lớn khác trên thế giới do Trung Quốc ngừng cung cấp hàng, cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam nhảy vào lĩnh vực này là rất lớn.
Tuy nhiên, như tôi đã nói nhiều lần trước đây, để trở thành một nhà cung cấp linh phụ kiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở mảng cơ điện, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều tài lực và vật lực. Thật ra không phải Việt Nam không thể sản xuất con ốc vít ô tô, chỉ là giá thành sản xuất của chúng ta cao hơn Trung Quốc, do họ sản xuất với số lượng rất lớn và đã có sẵn một ngành cung ứng vững mạnh. Tất nhiên, cùng chất lượng mà giá thành lại cao hơn, thì hàng Việt không thể được ưa chuộng hơn hàng Trung.
Thế nên, đầu tư vào mảng cung ứng phụ kiện cơ điện tại Việt Nam rủi ro rất cao, nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước", ông Đỗ Phước Tống chia sẻ với chúng tôi.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. HCM.
Vấn đề là, chuyện gì cũng có thời gian, các doanh nghiệp Việt có tận dụng được cơ hội này hay không là chuyện của tương lai; còn trước mắt, các công ty sản xuất trong ngành này phải tìm nguồn cung mới. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 3 đất nước mà nhiều doanh nghiệp Việt nhắm tới sau Trung Quốc tê liệt vì virus Corona. Nhưng với tình hình hiện tại, dịch Corona đang dần leo thang ở Hàn Quốc và Nhật Bản – nhất là Hàn Quốc, chỉ còn Đài Loan là sự lựa chọn an toàn nhất.
"Khó khăn nữa là, không như những ngành hàng khác, để tìm được một nhà cung cấp phụ kiện tốt trong ngành cơ điện, vốn sản phẩm có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, mất rất nhiều thời gian, khoảng vài tháng hoặc nửa năm. Và, việc các doanh nghiệp Trung Quốc ngừng sản xuất làm đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ doanh nghiệp Việt thiếu linh kiện để sản xuất mà doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới cũng thế, nên chúng ta buộc phải cạnh tranh với cả thế giới", ông Đỗ Phước Tống tiếp tục kể.
Đáng báo động hơn, hầu hết nguyên liệu sắt thép hay nhôm của các doanh nghiệp Việt trong ngành cơ điện đều nhập từ Trung Quốc. Và không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trong Đông Nam Á đều thế. Công Duy Khanh của ông, dù đang tự sản xuất linh kiện không dính dáng gì đến Trung Quốc, nhưng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu của Duy Khanh lại nhập hàng từ Trung Quốc.
Thế nên, dù không biết chính xác đến tháng nào thì các doanh nghiệp cơ điện Việt sẽ hết sạch nguyên liệu – phụ tùng, nhưng theo vị Chủ tịch này, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện tại, số lượng doanh nghiệp cơ điện đóng cửa không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng trong năm 2020 này sẽ không nhỏ.
Không chỉ Việt Nam mà cả ngành cơ điện thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu và phụ kiện. Nên bây giờ, mong ước lớn nhất của các doanh nghiệp cơ điện Việt không phải là thúc đẩy ngành cung ứng trong nước lớn mạnh hơn, mà mong sao Trung Quốc mau hết dịch, Hàn Quốc và Nhật Bản nhanh chóng có thể kiểm soát được bệnh dịch; để nguồn cung dồi dào như trước đây.
Ngành dệt may, da giày cũng xây xẩm mặt mày
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Thật ra, thực trạng của ngành dệt may cũng chẳng khá hơn ngành cơ điện là bao nếu chúng ta nhìn vào những con số ở đầu bài hay vào số liệu: 80% vải dùng trong ngành may mặc Việt Nam được nhập khẩu, trong đó 50% đến từ Trung Quốc, 18% đến từ Hàn Quốc và 15% đến từ Đài Loan trong một nghiên cứu của trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. HCM cuối năm 2019.
"Thiệt hại về sản xuất của Việt Nam do chuỗi giá trị với Trung Quốc bị gián đoạn không nhỏ, nhưng chúng ta chưa có số liệu đầy đủ, ví dụ: thanh long và dưa hấu không thể xuất khẩu, nhiều người phải đi giải cứu. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào các nhà cung ứng Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may mà tôi biết, nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc tới 60%, bao gồm vải, cúc áo, cho đến dây kéo.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc rất nhanh nhạy, linh hoạt và rất tốt khi hợp tác với Việt Nam. Không có doanh nghiệp nào trên khắp thế giới, có thể đáp ứng tất cả nhu cầu dệt may của Việt Nam một cách dễ dàng, thuận lợi, linh hoạt và không đòi thêm quyền lợi như Trung Quốc", Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phát biểu trong một hội thảo gần đây.
Ví dụ: doanh nghiệp Việt Nam đang nhập vải này của Trung Quốc, bên châu Âu có đơn hàng thời trang mới, muốn loại vải kia, doanh nghiệp Việt liền đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc đổi vải. Sau đó, các kỹ sư ở doanh nghiệp Trung Quốc ngồi lại và chỉ sau 48 tiếng, họ có thể ra loại vải mới theo yêu cầu của đối tác Việt Nam mà không hề tính thêm bất cứ phụ thu nào, giá vẫn giữ nguyên mức cũ.
Thế nên, theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam biết ơn các doanh nghiệp Trung Quốc, lý do là họ luôn cung cấp hàng vừa rẻ, nhanh, lại linh hoạt. Việc không thể nhập nguyên liệu và phụ kiện may mặc từ Trung Quốc hoặc nhập với số lượng khá hạn chế, đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt bồn chồn lo lắng. Cũng theo tìm hiểu của ông Lê Đăng Doanh, thì cuối tháng 3, nhiều doanh nghiệp may mặc Việt sẽ hết các linh kiện, vật tư và gặp khó khăn đáng kể.
Theo ông Lê Đăng Doanh, nhiệm vụ quan trọng nhất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong khoảng thời gian này, chính là đi tìm nguồn cung từ thị trường khác, đó có thể là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan và chấp nhận giá thành sản xuất sẽ cao hơn bình thường, lợi nhuận sẽ giảm đi hoặc có khi lỗ.
Bên trong nhà máy may Hà Bắc - Bắc Giang.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Giang Thùy – Phó Chủ tịch Thái Bình – doanh nghiệp chuyên về đầu tư thương mại và có một nhà máy sản xuất tã lót cho em bé tại Cuba, với 50% nguyên liệu vải sợi của họ phải nhập từ Trung Quốc: "Hai triển lãm và hội chợ trong ngành may mặc tại Trung Quốc và Thụy Sỹ, theo kế hoạch hàng năm, đáng lẽ diễn ra ở tháng 3 này và tháng 4 tới, nhưng đã bị hoãn bởi các đối tác đến từ Trung Quốc không thể tham gia. Trong ngành may mặc, để không bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc là rất khó.
Do điều kiện ngoại cảnh, nên chúng tôi không bị các nhà phân phối phạt khi không giao hàng đúng hẹn hay giãn thời gian giao hàng. Hiện tại, chúng tôi cũng đang cố tìm các nguồn cung cấp nguyên liệu khác từ Brazil, Nhật Bản, Đài Loan…".
Để đảm bảo nguồn hàng cũng như nguồn nguyên liệu sản xuất tại Cuba, Thái Bình cũng đang cố ‘đào sâu’ những thị trường lân cận Cuba là Brazil và Mexico, nhưng pháp luật Việt Nam hiện không hỗ trợ họ trong vấn đề thanh toán khi thực hiện động thái này. Thái Bình đang chuẩn bị hồ sơ ra Hà Nội để gặp Ngân hàng nhà nước và các bên liên quan, nhằm tháo gỡ vấn đề. Còn có thành công hay không thì chưa biết!
Tương tự với ngành may mặc, ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định, khẳng định với báo Công thương: Tình hình dịch bệnh Corona hiện tại ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành da giày.
"Trước Tết, chúng tôi đã nhập đủ nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất cho quý I. Tuy nhiên đến các tháng sau đó chúng tôi chưa biết tình hình sẽ ra sao. Chẳng biết dịch bệnh có giải quyết được hay không? Nếu không, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì Trung Quốc là nước cung cấp rất nhiều nguồn nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp da giày của Việt Nam", ông Trung lo lắng.
Theo ông Trung, để ứng phó với tình huống xấu nhất doanh nghiệp này đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh, Mông Cổ…
Nguồn Tri Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét