3 thg 3, 2020

Hàng không từ nằm đất đến giảm lương

Tâm lý lo ngại đi du lịch khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên thế giới đã khiến các hãng hàng không ở nhiều quốc gia giảm quy mô hoạt động và thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giảm thiệt hại.
Máy bay của Cathay Pacific xếp hàng nằm đất tại sân bay quốc tế Hong Kong - Ảnh: SCMP

Mới nhất là Hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong quyết định cho nằm đất nửa đội bay và cắt giảm 3/4 số chuyến bay trong tháng 3-2020, vì nhu cầu đi lại giảm do lo ngại virus corona chủng mới.

Nhu cầu đi lại sụt giảm
Cathay Pacific thông báo khoảng 120 máy bay, chiếm một nửa đội bay của hãng, sẽ nằm đất. Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 2-3 dẫn các nguồn quen thuộc với vấn đề cho biết số máy bay ngưng khai thác sẽ tăng lên khi Cathay cảnh báo có thể cắt giảm thêm lịch trình bay trong tương lai.

"Chúng tôi vẫn đang đánh giá việc triển khai đội bay để đáp ứng phù hợp nhất với nhu cầu của thị trường" - một người phát ngôn của Cathay cho biết.

Tuần trước, Cathay thông báo 75% nhân viên của hãng, khoảng 25.000 người, sẽ được nghỉ không lương. SCMP cho biết Cathay đã cắt giảm 75% các chuyến bay trong tháng 3.

Theo lịch bay ban đầu, có khoảng 1.470 chuyến bay mỗi tuần của Cathay trong tháng 3. Hiện nay con số này đã bị cắt giảm hơn 1.120 chuyến.

Ngoài Cathay, các hãng hàng không lớn khác trên thế giới buộc phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí khẩn cấp như cắt giảm chuyến bay, cho nhân viên nghỉ không lương hoặc cắt giảm lương, bán máy bay hoặc trì hoãn việc giao máy bay mới, và cắt giảm các dự án không quan trọng.

Lufthansa Group của Đức cũng cho nằm đất 23 máy bay phục vụ các chuyến bay dài và cho biết sẽ cắt giảm 1/4 các chuyến bay trung và ngắn, khi các ca nhiễm bệnh COVID-19 tăng ở châu Âu khiến nhu cầu đi lại giảm.

Chứng khoán hàng không cũng sụt giảm mạnh trong tuần qua, tuần lễ được đánh giá là tồi tệ nhất của thị trường tài chính kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khiến các công ty trong ngành hàng không "bốc hơi" hàng tỉ USD.

29,3 tỉ USD
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) từng dự đoán vào ngày 21-2 rằng các hãng hàng không trên toàn cầu sẽ mất khoảng 29,3 tỉ USD. Tuy nhiên con số này có thể cao hơn nữa nếu virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan thêm nhiều quốc gia hơn.

Cắt lương, giảm chuyến bay
"Dịch bệnh có tác động vĩ mô và gây khó khăn thật sự cho việc lên lịch trình các chuyến bay của một hãng hàng không" - chuyên gia phân tích Luya You của Bocom International nhận định.

Ông You cho rằng không có nhiều hãng hàng không trên thế giới có thể đề ra chiến lược để cân đối tình hình ngoài việc cắt giảm chi phí để hạn chế tổn thất.

Cuối tuần qua, Singapore Airlines (SIA) đã cắt giảm lương của nhân viên quản lý, đi đầu làm gương là giám đốc điều hành Goh Choon Phong. Theo tờ Straits Times, kể từ đầu tháng 3 lương của ông Goh sẽ bị cắt giảm 15% và hai phó giám đốc dưới ông sẽ giảm 12% tiền lương hằng tháng. Các nhân viên của SIA cũng bị ảnh hưởng từ 5 - 7% tiền lương.

Cho đến nay, theo Đài CNBC, các hãng hàng không trên thế giới đã hủy hơn 200.000 chuyến bay, chủ yếu đến và đi từ Trung Quốc vì dịch COVID-19. Bây giờ, các hãng hàng không đang cân nhắc các điều chỉnh khác.

United Airlines của Mỹ cũng đã cắt giảm các chuyến bay đến Hàn Quốc, Nhật và Singapore khi nói rằng nhu cầu của các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương đã giảm đi nhiều.

JetBlue Airways trong một động thái bất ngờ hồi giữa tuần trước đã công bố sẽ miễn các khoản phí có thể lên đến 200 USD cho những du khách muốn hủy hoặc thay đổi ngày trên vé từ 27-2 đến 11-3. Đây được xem là một biện pháp nhằm gây áp lực buộc các hãng hàng không khác ở Mỹ phải làm theo.

Theo tờ Japan Times, Hãng Japan Airlines đã giảm số lượng chuyến bay khai thác từ Nhật đến Hàn Quốc và Đài Loan cho đến cuối tháng 3, cắt giảm thêm các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục.

Virus SARS-CoV-2 đang có tác động toàn cầu hơn bao giờ hết khi ảnh hưởng đến các hội nghị và sự kiện tầm vóc quốc tế.

Giáo sư tài chính David Yu của Đại học New York Thượng Hải nhìn nhận việc hủy bỏ nhiều hội nghị và sự kiện quốc tế, cùng với việc tạm ngừng các chuyến du lịch không cần thiết của các công ty toàn cầu đang khiến nhu cầu bay sụt giảm nhiều hơn nữa.

Ngành hàng không toàn cầu đang chịu thiệt hại nặng khi nhu cầu đi lại giảm trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành ở nhiều nước - Ảnh: SCMP

40 máy bay Vietnam Airlines... nằm chờ

Ông Dương Trí Thành - tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết tình hình dịch bệnh khiến cho tích lũy của 4-5 năm trước coi như về số 0. Hàng không không có khách nên phải dừng bay, riêng Vietnam Airlines có 100 chiếc máy bay và bây giờ 40 máy bay nằm chờ.

Máy bay phải dừng hoạt động nhưng cũng không thể cho thuê vì dịch bệnh bùng phát mạnh.

Ông Thành cho biết đã tìm được nguồn đối tác châu Âu để cho thuê máy bay từ tháng 1, hai bên đã đàm phán và làm gần xong hợp đồng cho thuê 10 chiếc máy bay, nhưng tuần vừa qua đối tác đã hủy thuê máy bay. Lý do là châu Âu cũng đang bị dịch bệnh nên khách đi lại giảm.

Đại diện Vietjet, Jetstar Pacific cho biết máy bay nằm đất là có nhưng số lượng không được tiết lộ cụ thể. Trong khi đó, đại diện Bamboo Airways khẳng định hơn 20 máy bay của hãng hoạt động bình thường, thậm chí tăng tần suất đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, tỉ lệ lấp đầy ghế trên các chuyến bay đạt 80%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng hàng không cho biết các hãng đang "cõng" chi phí rất lớn khi máy bay nằm đất, đây là điều không hãng nào mong muốn. Riêng tiền thuê máy bay, bảo dưỡng thân càng, cứ mỗi máy bay nằm đất hàng không thiệt hại 350.000 USD/tháng.

Để tiết giảm chi phí hoạt động trong giai đoạn khó khăn, Vietnam Airlines cho biết đã làm việc để phi công sẽ nghỉ không lương trong khoảng 2 tuần. Lương các lãnh đạo và nhân viên sẽ giảm từ 20 - 40%...

Theo dự báo gần đây nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng bay trong nước thiệt hại hơn 25.000 tỉ đồng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét