2 thg 3, 2020

Hàng tồn kho của MWG và PNJ tăng nhanh

Tồn kho của MWG tăng gấp rưỡi trong năm 2019 do dự trữ hàng cho mùa tết, tăng lượng cửa hàng và thay đổi layout.Tồn kho PNJ tăng hơn 2.000 tỷ đồng khi tăng lượng sản phẩm và mở mới nhiều cửa hàng.

Hai công ty Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) và Vàng bạc đá quý Phú Nhuận ( HoSE: PNJ ) là những doanh nghiệp bán lẻ đang trong đà tăng trưởng với mức bình quân hai chữ số mỗi năm. Đi cùng với sự mở rộng là chất lượng tăng trưởng, trong đó có yếu tố hàng tồn kho hay vay nợ.

Tính chất hàng tồn kho của PNJ có khác biệt khi chủ yếu là vàng bạc, giá trị sẽ biến động theo yếu tố thị trường (hưởng lợi nhờ giá vàng tăng lên) trong khi tồn kho của MWG thường mất giá theo thời gian. Tính thanh khoản của vàng bạc về lý thuyết cũng cao hơn điện máy, điện thoại.

Tồn kho MWG cao gấp rưỡi
MWG có kết quả kinh doanh năm 2020 cao kỷ lục khi doanh thu tăng 18% lên 102.174 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 3.836 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Dù vậy, nợ vay ngắn hạn và hàng tồn kho cũng tăng cao tạo ra những áp lực nhất định.

Cụ thể, hàng tồn kho của công ty đã tăng thêm 8.375 tỷ lên mức 26.196 tỷ đồng, tương đương gần 75% tài sản ngắn hạn. Những mặt hàng tăng nhanh là thiết bị điện tử, điện thoại di động, đồ gia dụng, đồng hồ mắt kính, thực phẩm…

Số liệu tồn kho của MWG tại cuối năm 2019.

Tồn kho tăng nhanh của MWG đặt trong bối cảnh công ty đang tăng trưởng. Năm 2019, công ty mở mới đến 852 cửa hàng và tăng tổng số lượng lên 3.039 đơn vị, đặc biệt là tốc độ mở mới kỷ lục cứ 6,5 giờ/1 cửa hàng trong quý IV/2019.

Ngoài ra, đại diện MWG nói rằng tồn kho tăng nhanh còn do yếu tố mùa vụ. Tết Âm lịch 2020 nằm hoàn toàn trong tháng 1 dẫn đến lượng hàng đặt mua rất lớn. Để phục vụ cho tháng kinh doanh Tết, công ty phải đặt mua lượng hàng lớn trong tháng 12, trong khi năm trước vẫn đặt hàng Tết trong tháng 1.

Bên cạnh đó, MWG còn có sự sắp xếp lại layout (bố cục) các cửa hàng để tăng lượng hàng hóa trưng bày, tăng thêm các sản phẩm mới, chuyển đổi các cửa hàng nhỏ sang diện tích lớn cũng làm gia tăng lượng tồn kho của công ty.

Giá trị Hàng tồn kho: tỷ đồng. Giá trị Tồn kho/CH: tỷ đồng/1 cửa hàng.

Đa phần các công ty sản xuất thương mại thường dùng nợ ngắn hạn để tài trợ một phần cho hàng tồn kho, trường hợp của MWG cũng tương tự. Công ty cho biết dù hàng tồn kho được tài trợ bằng nợ ngắn hạn nhưng hiện chi phí tài chính vẫn thấp hơn doanh thu tài chính, do đó vẫn tối ưu được dòng tiền.

Tính đến hết 2019, vay nợ ngắn hạn của MWG là hơn 13.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Các chủ nợ chính của công ty là HSBC, Sumitomo, ANZ, Vietinbank, Mizuho, Vietcombank, Standard Chartered, Citibank, BNP Paribas… Năm 2019, công ty cũng đã tất toán khoản nợ hơn 38.000 tỷ đồng và còn lượng tiền, tiền gửi hơn 6.000 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của PNJ tăng hơn 2.000 tỷ đồng
Là doanh nghiệp bán lẻ đang tăng trưởng, không khó hiểu khi hàng tồn kho của PNJ cũng tăng thêm hơn 2.000 tỷ lên khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 96% giá trị tài sản ngắn hạn. Trong đó tồn kho tăng chủ yếu ở dạng thành phẩm để kịp cung ứng ra thị trường.

Giá trị tồn kho chi tiết của PNJ.

Năm 2019, PNJ mở mới tổng cộng 43 cửa hàng để nâng tổng số lượng lên 346 đơn vị kinh doanh vàng bạc, trải dài 52/63 tỉnh thành. Với mảng đồng hồ, công ty cũng mở mới thêm 4 cửa hàng PNJ Watch, nâng con số 26 đơn vị.

Ngoài việc mở rộng, hàng tồn kho PNJ cũng ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Cao điểm kinh doanh của công ty vàng bạc là giai đoạn chuyển giao năm Âm lịch (thường vào cuối quý IV và đầu quý I theo Dương lịch) bởi đây là thời điểm của các dịp lễ hội, mùa cưới, vía thần tài…Do mùa Tết năm nay đến sớm hơn cũng khiến lượng tồn kho cuối năm 2019 của PNJ tăng cao hơn.

Báo cáo tháng 1/2020 (mất 5 ngày kinh doanh trong Tết), doanh thu PNJ tăng nhẹ lên 1.668 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 9% lên mức 167 tỷ đồng. Riêng mảng bán lẻ vàng tăng trưởng 2 con số nhờ công ty chuẩn bị nhiều sản phẩm mới cho chương trình xuân và thần tài, cung cấp hàng hóa đầy đủ hơn, doanh số đồng hồ tăng nhanh…

Giá trị Hàng tồn kho: tỷ đồng. Giá trị Tồn kho/CH: tỷ đồng/1 cửa hàng.

Nợ vay ngắn hạn của PNJ cũng tăng thêm hơn 1.000 tỷ lên mức 2.611 tỷ đồng nhằm tài trợ một phần cho giá trị tồn kho. Khả năng thanh toán nợ của PNJ vẫn tốt khi tất toán hơn 4.550 tỷ đồng năm ngoái. Chiều ngược lại, công ty có sử dụng gần 1.500 tỷ đồng hàng tồn kho để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn.

Năm 2019, PNJ ghi nhận doanh thu tăng 17% lên 17.000 tỷ và lợi nhuận tăng 24% đạt hơn 1.190 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, trang sức vàng vẫn là động lực chính của PNJ khi chiếm tỷ trọng 76,5%, tiếp đến là vàng miếng, trang sức bạc và các hoạt động khác.


Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét