Hiện nay, khẩu trang dù không phải quá khan hiếm như vài tuần trước nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị sản xuất, nhưng mặt hàng này cũng không sẵn trên thị trường...
Thế rồi, từ đó mới xảy ra hàng loạt những vấn đề tiêu cực liên quan đến khẩu trang. Từ chuyện nhà thuốc, thương nhân phân phối bán khẩu trang với giá “cắt cổ” cho đến tình trạng khẩu trang đã qua sử dụng được thu gom để phân phối lại.
Không biết có phải vì sự nhạy cảm đó không, mà vừa rồi, câu chuyện tưởng như chẳng có gì về một thầy giáo bán khẩu trang với giá 3.000 đồng - 4.000 đồng/chiếc lại bỗng gây chú ý lớn với dư luận gần đây.
Chẳng là, thầy N.VT. - giáo viên một trường THCS trên địa bàn huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) có mua hai hộp khẩu trang y tế với giá 130.000 đồng/hộp 50 cái (vị chi mỗi cái giá 2.600 đồng) và về bán lại 20 cái với giá 3.000 đồng/cái cho học trò.
Với 20 chiếc khẩu trang đã bán (chính xác là có 19 cái được bán với giá 3.000 đồng và có 1 cái bán với giá 4.000 đồng do con thầy bán vì không có tiền trả lại), thầy giáo lãi tổng cộng 8.600 đồng.
Vì số “lợi nhuận” nói trên mà có đơn tố cáo thầy T. lên Ban giám hiệu nhà trường và sau đó, nhà trường phải “họp xử lý vi phạm”, thành viên cuộc họp có ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn trường, Ban thanh tra nhân dân, giáo viên kiêm nhiệm văn thư và thầy T… Kết quả, thầy T. bị đề nghị “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, không được tái phạm.
Chưa hết, cũng vì sự việc này mà lãnh đạo huyện Đầm Dơi cũng có ý kiến chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện kiểm điểm, xử lý vì cho rằng “việc nhỏ thì nhỏ, nhưng không ai cho phép làm”, trong khi ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết trên Tuổi trẻ rằng, ông đã nắm vụ việc và xác định thầy T. chỉ “chia” lại khẩu trang trong thời gian mặt hàng này khan hiếm.
Bán 20 chiếc khẩu trang lãi 8.600 đồng, một “thương vụ” với số lãi chưa hẳn mua nổi 1 bó rau sạch thế nhưng lại trở nên nổi tiếng khắp cả nước, chấn động cả lãnh đạo địa phương! Hiếm có!!
Tôi chợt nghĩ, nếu như người bán khẩu trang không phải là một thầy giáo thì sự việc có “lớn chuyện” đến thế hay không? Có lẽ là không. Vì dù rằng chẳng ai ủng hộ chuyện đầu cơ, tăng giá khẩu trang, thế nhưng những hộp khẩu trang với giá 300 nghìn đồng không rõ nguồn gốc vẫn dễ dàng tìm thấy trên mạng, thế nên, mức giá 3.000 đồng/chiếc khẩu trang có được đưa ra cũng chẳng ai để tâm.
Thầy T. sau đó đã nhận sai. Trong một lần trả lời báo chí, thầy T. cho biết: “Tôi sai thì phải nhận sai, làm kiểm điểm cũng đúng thôi. Tôi mua khẩu trang về để chia lại cho học trò, nhưng 'tình ngay lý gian', lúc đó tôi cũng không biết giá thị trường thế nào. Cấp trên bảo mình sai rồi thì sai, sao cãi được”.
Chuyện đúng - sai của thầy T. đã được nhà trường và lãnh đạo ngành ở địa phương phân tích, kết luận (sai quy định của các cơ quan chức năng trong thời gian phòng chống dịch corona), chỉ có điều thái độ của những người trong cuộc khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.
Liệu có phải đến bây giờ xã hội vẫn còn quá nặng tư duy giáo điều đối với những người làm nghề giáo viên đến vậy, để rồi từ đó mới nảy ra thói “vạch lá tìm sâu”, “chỉ điểm”. Ngay như trong phát biểu của ông Nguyễn Minh Luân, ông nói việc góp ý rút kinh nghiệm cho thầy T. là để “tránh dư luận hiểu lầm giáo viên đầu cơ khẩu trang bán ra bên ngoài trong thời gian dịch bệnh”. Thế mới thấy, áp lực đối với nghề giáo viên “trên đe, dưới búa” lớn nhường nào.
Bản thân tôi suốt nhiều năm viết báo vẫn luôn nỗ lực dùng ngòi bút của mình để chống tiêu cực, tôi vẫn ước giá như xã hội chúng ta đang sống biết bao dung hơn và quan tâm đến đời sống của những người “ươm mầm” nhiều hơn nữa. Hơn tất cả, giáo viên cần có một cuộc sống dõng dạc, đường hoàng như chính sứ mệnh cao quý của nghề dạy học vậy.
Nguồn Dân Trí
0 comments:
Đăng nhận xét