Một thực tế hiện nay ở giới trẻ là có không ít trường hợp sống chung với nhau như vợ chồng. Họ “góp gạo thổi cơm chung” nhưng không đăng ký kết hôn, không đám cưới với vô vàn lý do và hậu quả để lại nhiều hệ lụy cho chính bản thân và xã hội.
Tình trạng sống chung như vợ chồng với nhau nhưng không tổ chức cưới, không đăng ký hôn nhân diễn ra không ít tại các khu nhà trọ.
Sau những ngày tìm hiểu tại các dãy nhà trọ gần khu công nghiệp, và các vùng lân cận, tôi chứng kiến không ít cặp đôi công nhân, bạn trẻ đã và đang sống chung như vợ chồng dù không cưới hỏi, không đăng ký kết hôn.
Trần Văn H (dãy trọ đường 22, Phước Long B, quận 9, TPHCM) ra trường không về quê mà trụ lại thành phố làm ăn. Chỉ hơn 2 tháng "say nắng" cô gái N.T.L (Gia Lai) ở dãy trọ đối diện, được sự ưng thuận của bạn gái, H quyết định dọn qua “góp gạo thổi cơm chung” với nàng.
Họ chính thức thành vợ chồng "hờ" đã được 2 mùa Tết trôi qua mà vẫn chưa tổ chưa đám cưới, cũng không đăng ký kết hôn.
H lý giải: “Tụi em thương nhau, trước sau gì cũng sống với nhau, nên ở chung với nhau cho đỡ chi phí. Sáng em chở vợ đi làm, chiều chở về cho tiện. Còn chuyện cưới xin hay đăng ký kết hôn, có thì làm, không thì thôi chứ tổ chức cũng tốn kém. Hơn nữa thời bây giờ, chuyện quan hệ, sống chung với nhau xem như đã bình thường”.
Tiếp lời “chồng”, N.T.L giãi bày: “Để có đám cưới phải tốn tiền tiệc, tiền xe, tiền ăn cho ba mẹ ở quê vào. Bao nhiêu thứ cũng tốn vài chục triệu đồng. Cưới xong rồi thì ngập nợ. Thôi, sống như vầy cũng có sao?”.
Tương tự như cặp vợ chồng Trần Văn H, sau 3 tháng quen nhau qua những lần đi chơi cùng bạn bè, Nguyễn Đông Ph (quê Tiền Giang) và N.T.Ch (Bình Phước) đã quyết định “về chung một nhà” tại dãy trọ gần khu công nghiệp Bình Đường (phường An Bình, Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Lúc mới về ở chung, nhiều người trong khu trọ hay để ý nên Ph ban đầu tỏ vẻ ngại ngùng nhưng rồi lâu dần thành bình thường. Hằng ngày, sáng Ph chở Ch cùng đi làm công nhân, tan ca cùng nhau về, ghé chợ mua ít đồ ăn rồi về nấu ăn. Người ngoài nhìn vào chẳng khác gì một gia đình.
Nhưng khi được hỏi về chuyện kết hôn theo quy định pháp luật, Ch lý giải: “Quan trọng là thương nhau thật lòng, còn chuyện giấy tờ không quan trọng, hơn nữa tụi mình cũng không muốn ràng buộc nhau chỉ vì giấy kết hôn. Nếu có chuyện gì xảy ra giữa 2 người thì cũng dễ xử hơn”.
Trong khi nói về chuyện con cái, Ph chỉ cười cho biết: "Chưa nghĩ đến chuyện có con, nhưng nếu có con thì lúc đó đi đăng ký cũng chưa muộn".
Được biết, những trường hợp như 2 cặp vợ chồng ở trên hiện nay không ít. Đa phần họ lấy lý do sống chung nhưng không đăng ký kết hôn là vì tiết kiệm, vì không thích sự ràng buộc…Cũng có trường hợp, dù không đăng ký kết hôn, nhưng sợ dư luận, và sức ép từ gia đình, nên họ cũng tổ chức mấy bàn tiệc ra mắt họ hàng ở quê là xong; còn lại không có sự ràng buộc nào từ pháp lý.
Và những hệ lụy kéo theo
Nhiều cặp vợ chồng lựa chọn hình thức sống chung nhưng không đăng ký kết hôn mà không lường trước những rắc rối hậu hôn nhân, những hệ lụy mà họ phải gánh.
Cặp vợ chồng "hờ” anh T và Q ở dãy trọ hẻm 22 đường Dương Đình Hội (TPHCM) là một ví dụ. T và Q đều là người miền Tây, lên TPHCM mưu sinh, gặp nhau đồng cảnh ngộ nên đã dọn về ở chung.
Nào ngờ, những ngày hạnh phúc qua mau, T bắt đầu lộ tính xấu, rượu chè liên miên, đã thế còn cặp kè sống như vợ chồng với người phụ nữ khác. Q và người phụ nữa kia giằng xe đánh ghen, náo loạn cả dãy trọ. Nhưng Q cũng không thể làm gì khác, bởi giữa họ chẳng có sự ràng buộc nào về mặt pháp lý. T dứt áo ra đi, để lại Q một mình với cái bào thai lớn dần.
Một hoàn cảnh tương tự khác là đôi vợ chồng trẻ V và B ở (phường Thới An, quận 12, TPHCM). Ở với nhau 6 năm cũng là quãng thời gian họ có với nhau 2 đứa con gái xinh xắn nhưng không cháu nào có giấy khai sinh bởi bố mẹ chưa đăng lý kết hôn.
"Bây giờ cháu lớn được 5 tuổi rồi vợ chồng em mới làm khai sinh cho cháu ở diện mẹ đơn thân. Trước kia cũng muốn làm sớm nhưng khi sinh con chưa có đăng ký kết hôn nên chính quyền yêu cầu phải giám định ADN, mà chi phí cao nên mãi vợ chồng không làm được đăng ký cho con", B cho biết.
Thế nhưng khi hỏi về ý định đăng ký kết hôn, bà mẹ có 2 đứa con vẫn cho biết: " Chưa sẵn sàng".
Nói đến tình trạng trên, luật Sư Lê Bá Thường, (Đoàn Luật sư TPHCM” nhận định: Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không có đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về mặt tâm lý, pháp lý với các cá nhân và tác động tiêu cực đến xã hội.
Luật sư Lê Bá Thường giải thích: Trước hết, hậu quả về pháp lý, khi cuộc tình tan vỡ, đường ai nấy đi, nhưng nếu trong thời gian sống chung cả hai có tạo lập các quan hệ về tài sản, hợp đồng, công nợ... thì sẽ dẫn đến tranh chấp kiện nhau ra tòa án rất phức tạp.
Về mặt tình cảm, người phụ nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn đàn ông, tuổi xuân đã hết, nhan sắc phai tàn, danh tiết mất mát và có thể cả hậu quả của giải quyết những lần mang thai ngoài ý muốn. Điều này sẽ làm cho người phụ nữ rất khó làm lại cuộc đời khi phải chịu nhiều hậu quả đáng thương.
Nếu có con thì càng thêm phức tạp, phải tốn kém nhiều chi phí lo cho trẻ ăn học trong khi điều kiện họ chưa chuẩn bị đầy đủ và phải lo các thủ tục giấy tờ khai sinh, nhận cha con, dành quyền nuôi con, kiện đòi cấp dưỡng cho trẻ... Những đứa trẻ lớn lên sẽ rất mặc cảm, tự ti.
Về mặt xã hội, nạn bạo hành gia đình dễ xảy ra nhất đối với các cặp vợ chồng "hờ". Tình trạng nạo phá thai xảy ra nhiều, đặc biệt là tâm lí giấu giếm nên các cô gái thường đến phòng mạch phá thai "chui", dễ xảy ra hậu quả đáng tiếc - luật sư Thường cho hay.
Nguồn Báo Lao Động
0 comments:
Đăng nhận xét