22 thg 3, 2020

Thị trường địa ốc khó khăn, môi giới giải nghệ hàng loạt

Thị trường địa ốc sau một năm khó khăn lại càng khó hơn khi bị dịch Covid-19 chặn lại. Chủ đầu tư e ngại sức cầu thấp không đưa sản phẩm mới ra hàng, còn sàn địa ốc thì đóng cửa, ngừng hoạt động, môi giới giải nghệ…
Tin liên quan:
Lo lắng nhiều doanh nghiệp hàng đầu thị trường bất động sản có nguy cơ phá sản
Bất thường thuế bất động sản
Siết trái phiếu, thắt tín dụng: Bất động sản 2020 khó chồng khó

Thị trường trầm lắng
Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2019, Hội đã nhiều lần lên tiếng kiến nghị gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản do khủng hoảng nguồn cung. Sản phẩm mới, dự án mới không ra được thị trường bên cạnh do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành thì có việc ở một số địa phương, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan.

Bước sang năm 2020, nhiều chính sách mới mang tính hỗ trợ được ban hành như Công văn 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cơ chế cấp giấy chứng nhận sở hữu cho các loại hình bất động sản mới và Nghị định 25 hướng dẫn Luật Đấu thầu được ban hành với nhiều điểm tiến bộ.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký VARS, ông Nguyễn Văn Đính, thị trường đã có những động lực tốt nhưng chưa kịp phát huy, lan toả thì bị đại dịch Covid-19 chặn lại. “Hoạt động kinh doanh bất động sản đang phải chịu tác động kép. Bên cạnh việc tháo gỡ nút thắt khó khăn bấy lâu nay, thị trường muốn hồi phục được phải trông chờ vào tiến độ kiểm soát dịch bệnh trong nước và cả trên thế giới”, ông Đính cho hay.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đàm Văn Giáp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Quang Giáp cho biết: “Thời điểm này năm ngoái, chúng tôi đã tập trung triển khai các dự án và có lượng bán hàng tốt. Tuy nhiên, năm nay tác động của dịch Covid-19 khiến giao dịch bị chững lại, thậm chí là không có. Mặc dù sản phẩm của chúng tôi là đất nền đô thị vốn khá hút hàng nhưng hiện cũng rất khó bán. Công ty đã phải cho nhân viên nghỉ, công trường không thi công được vì khu chúng tôi có nhiều trường hợp phải cách ly theo dõi do đi từ nước ngoài về. Không biết đến khi nào mới dập được dịch để thị trường ổn định trở lại”.

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ cũng cho biết: “Thị trường căn hộ chung cư ở Thái Nguyên gần như đóng băng, không bán nổi một căn từ sau Tết đến giờ. Hiện tại, Công ty tập trung cho chống dịch và chỉ biết chờ đợi, mong sớm khống chế được dịch. Năm nay sẽ là năm khó khăn cho thị trường địa ốc nói chung”.

Từ góc độ của đơn vị môi giới, ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần RB Land cho biết, thị trường năm nay sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Thời điểm này đang cực kỳ khó khăn, những dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, những dòng sản phẩm mang tính chất đầu cơ, chưa có dân ở, chưa sử dụng được ngay thì rất khó thanh khoản. Mặc dù hiện tại mọi người chưa thấy tác động rõ rệt nhưng chỉ sang quý II thôi người dân sẽ cảm nhận rõ rệt vấn đề dịch bệnh ảnh hưởng đến túi tiền như thế nào. Các ngành từ du lịch, sản xuất, xuất nhập khẩu… và các ngành sử dụng lượng lớn nguyên vật liệu nhập ngoại, nhất là từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Theo ông Ngọc, trên thực tế các chủ đầu tư có thể ra dự án mới. Nhưng do thị trường trầm lắng nên họ cũng đang nghe ngóng tình hình. Bởi nếu ra mắt dự án không bán được và bị “gãy sóng” thì làm lại rất khó, chưa kể ngay cả việc tổ chức sự kiện truyền thông bán hàng hiện tại cũng không đơn giản và rất nhạy cảm.

Hiện tại, RB Land  đang hạn chế những dự án nghỉ dưỡng và tập trung  về dòng bất động sản tại nội đô, ven đô. Thị trường chỉ thanh khoản những sản phẩm có giá trị sử dụng ngay. Những sản phẩm tại nội đô, ví dụ chung cư để ở hay dòng biệt thự liền kề sử dụng được ngay thì vẫn còn giao dịch.

“Thời điểm này, các đầu tư nên tỉnh táo và khi đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn 2-3 năm, đừng đầu tư lướt sóng. Còn an toàn nhất vẫn là chung cư, biệt thự liền kề nội đô, những sản phẩm đất nền có đầy đủ pháp lý. Với bất động sản nghỉ dưỡng do du lịch bị ảnh hưởng nặng nên cần thời gian để hồi phục. Nếu nhà đầu tư nào có tiền mặt dồi dào thì mua cũng được vì thời điểm này sẽ có nhiều người bán cắt lỗ, giá rẻ. Nhưng trong trường hợp này cần phải có tầm nhìn dài hạn chứ bán ngay thì rất khó”, ông Ngọc cho hay.

Tuy nhiên, ở góc độ khác chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc cho biết: “Dù thị trường nói chung thấp điểm nhưng hiện tại, các dự án đất nền của chúng tôi đang có thanh khoản tốt. Qua đó có thể khẳng định rằng, các sản phẩm đầy đủ pháp lý một cách minh bạch, người tiêu dùng có thể sử dụng ngay vẫn bán được hàng”.

Môi giới giải nghệ
Theo thông tin từ VARS, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Có những sàn môi giới lớn với quy mô gần 3.000 nhân viên môi giới trên cả nước; có những sàn nhỏ chỉ một vài chục nhân viên. Năm qua có hàng trăm sàn giao dịch giải thể hoặc dừng hoạt động do không có dự án mới mở bán.

Bước sang năm nay, theo ông Nguyễn Văn Đính, tình hình của các sàn còn khó khăn hơn. Dự báo có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm. Từ việc không có hàng hóa để chào bán nên các sàn môi giới không có nguồn thu để nuôi bộ máy công ty, trả lương nhân viên. Trong đó, một số sàn định đóng cửa hẳn, nhiều sàn tạm dừng hoạt động để chờ cơ hội thị trường hồi phục.

“Thông thường, quý đầu năm thì lượng sản phẩm chào bán ra thị trường sẽ không cao bằng quý cuối năm. Thế nhưng, trước giờ không có tình trạng không có sản phẩm nào để chào bán ngay sau Tết Nguyên đán như tình cảnh hiện tại của một số sàn giao dịch”, ông Đính nói và cho biết thêm, hiện chỉ có khoảng 150 - 200 sàn bất động sản còn hoạt động sôi nổi do trước đó đã ký kết được những hợp đồng mới với các chủ đầu tư bất động sản. Sản phẩm hiện vẫn có dồi dào để rao bán, lượng khách hàng cũng khả quan.

Số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, tính đến hết năm 2019, bất động sản là ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể cao nhất với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% theo năm và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4%.

Theo Savills Việt Nam thì số lượng 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể nói trên chủ yếu là những công ty cung cấp dịch vụ môi giới. Giới phân tích nhận định, xu hướng doanh nghiệp bất động sản nhỏ ngừng hoạt động và giải thể gia tăng trong năm qua đã được dự đoán trước.

Theo ông Ngọc, sau dịch bệnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ dần khôi phục, nhưng không thể hồi phục được ngay, nó sẽ có độ trễ và bất động sản là thị trường chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Và với những sản phẩm không phải thiết yếu, người dân sẽ không mua ngay mà có xu hướng tích trữ tiền mặt, vàng… để phòng thủ. Nếu đầu tư, họ cũng chọn những sản phẩm sử dụng được ngay hoặc có thể cho thuê để tích lũy, vừa có dòng tiền như chung cư, nhà phố nội đô.

Cùng nhận định này, ông Đính cho rằng: “Giờ chúng ta chỉ kỳ vọng Việt Nam sẽ kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư. Và khi từng vấn đề được giải quyết thì thị trường sẽ phục hồi nhanh”.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã có nhiều kiến nghị lên Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Theo đó, HoREA đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19, cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.

0 comments:

Đăng nhận xét