Được xem là điểm “trung chuyển” cho các công ty đại chúng trước khi lên niêm yết, với tiêu chuẩn thấp hơn, nhưng sàn UPCoM đang là nơi “ẩn mình” của nhiều doanh nghiệp có chỉ số sinh lời trên vốn rất tốt.
Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, 98/872 doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên UPCoM có thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lũy kế 4 quý liên tiếp kể từ kỳ báo cáo tài chính gần nhất đạt trên 1.000 đồng.
Trong đó, giữ vị trí quán quân về EPS là CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), với 14.780 đồng. Vị trí tiếp theo thuộc về CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB) với 11.231 đồng; CTCP Gạch ngói Đồng Nai (GND) với 10.064 đồng.
Trong nhóm cổ phiếu có EPS từ 5.000 - 9.000 đồng, có thể kể tới những cái tên như CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ (HTG), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), Tổng công ty May Việt Tiến (VGG), Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP), CTCP Viễn thông FPT (FOX)...
Nếu xét trên tiêu chí tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) hiện đứng đầu sàn UPCoM, với ROE đạt hơn 48%.
Tiếp đó là Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP), CTCP Khu công nghiệp cao su Bình Long (MH3) và GND khi cùng ở mức 46 - 47%. Những doanh nghiệp có tỷ lệ ROE cao tiếp theo ở mức trên 30 - 40% là CTCP Bảo hiểm Agribank (ABI), CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH), CTCP Bệnh viện Tim Tâm Đức (TTD), CTCP Thực phẩm Quốc tế (IFS) và NTC.
Ngoài ra, còn có 36 doanh nghiệp ghi nhận ROE đạt từ 15 - 30%, trong đó FOX, VEA, BWS, SKH đều ở quanh mức 28 - 29%.
Trong khi đó, xét theo tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản (ROA), GND là doanh nghiệp đứng vị trí số 1 với ROA đạt gần 33%, tiếp đến là IFS với 27,4%; TTD đạt 26,7%, BWS đạt 24,3% và MCH đạt 21,5%. Bên cạnh đó, có 21 doanh nghiệp có hệ số ROA ở mức từ 10 - 20%, trong đó SKH là 19%, WSB là 18,3%...
Xét về tỷ suất lợi nhuận gộp (biên lợi nhuận gộp), dễ thấy sự xuất hiện của những doanh nghiệp “nhỏ mà có võ” trong Top đầu.
Cụ thể, CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) có tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 89,56%; các vị trí tiếp theo lần lượt là DTI (CTCP Đầu tư Đức Trung) với 70,96%; NTC với 70,75%; HPD (CTCP Thủy điện Đăk Đoa) với 64,67% và GHC (CTCP Thủy điện Gia Lai) với 64,27%.
Tính chung, toàn sàn có 12 doanh nghiệp đạt tỷ lệ biên lợi nhuận gộp trên 50% và 34 doanh nghiệp đạt từ 20 - 50%.
Năm 2019 không phải là năm thành công đối với NTC khi ghi nhận sự sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận so với năm 2018.
Nếu như năm 2018, Công ty ghi nhận 532 tỷ đồng doanh thu và 469 tỷ đồng lãi ròng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp thì doanh thu năm 2019 giảm 75% và lãi ròng giảm 50%.
Tuy nhiên, Công ty vẫn giữ được truyền thống trả cổ tức cao hàng năm. Cuối năm 2019, NTC đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 50%.
Với WSB, đi cùng tăng trưởng kinh doanh là mức cổ tức cao từ 30 - 40% được trả đều đặn trong những năm gần đây.
Kết thúc năm 2019, WSB đạt doanh thu gần 1.030 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2018, vượt 14% so với kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 161,2 tỷ đồng, tăng 37,2% so với năm 2018 và vượt 87% kế hoạch. WSB dự kiến chia cổ tức 2019 ở mức 40% và tạm ứng 20% vào cuối tháng 9/2019.
MCH là doanh nghiệp vốn hóa lớn hiếm hoi có ROA thuộc nhóm cao nhất sàn UPCoM. Theo báo cáo tài chính quý IV/2019 vừa công bố, MCH đạt doanh thu 6.352 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận gộp tương ứng đạt 2.776 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.541,5 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2018.
Luỹ kế cả năm, MCH đạt 19.112 tỷ đồng doanh thu và 4.062 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 10,5% và 19,5% so với năm 2018. EPS tương ứng đạt 5.727 đồng và ROE đạt gần 34,5%, cũng nằm trong Top đầu.
Lợi nhuận đẹp chưa hẳn… đã tốt
Với cổ đông của doanh nghiệp, ROE là một trong những chỉ tiêu được quan tâm nhất trên báo cáo tài chính. ROE đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông, tỷ lệ càng cao chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng vốn càng hiệu quả.
Dẫu vậy, tỷ lệ ROE lên tới 48% trên báo cáo tài chính năm 2018 (là báo cáo mới nhất được công bố) của BBT chưa đủ để cổ đông Công ty yên lòng.
Nhìn sang các chỉ tiêu tài chính khác của BBT, có thể thấy, năm 2018, Công ty đạt gần 98 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương năm 2017 trong khi doanh thu tài chính giảm mạnh, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 17%, đạt 12,78 tỷ đồng.
Công ty chỉ hoàn thành 86% và 80% kế hoạch năm về doanh thu và lợi nhuận.
Dù cả 2 năm 2018 và 2017 đều có lợi nhuận, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BBT liên tục âm, lần lượt là 1,3 tỷ đồng và 11,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cả báo cáo tài chính năm 2017 và 2018 đều bị kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ do BBT chưa cung cấp đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với các khoản công nợ.
Được biết, BBT phải vay 18 tỷ đồng của CTCP May Sài Gòn 3 trong thời hạn từ 26/11 - 10/12/2019 với lãi suất 10%/năm để thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng Hàng hải (MSB) nhằm tất toán toàn bộ khoản vay để được miễn giảm số dư nợ lãi hơn 2,5 tỷ đồng.
Đây là hệ quả của việc bị phát mãi tài sản đất đai, nhà xưởng và máy móc hồi đầu năm 2018 xuất phát từ các khoản nợ của Công ty.
Hay tại VTP, doanh nghiệp này đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2019 đề ra với doanh thu 7.808 tỷ đồng, tăng 59% so với thực hiện 2018; lợi nhuận sau thuế 378 tỷ đồng, tăng 35,5%.
Đây là mức lãi ròng cao nhất kể từ khi VTP công bố báo cáo tài chính và tăng trưởng đều từ năm 2015 đến 2019.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của VTP đạt 3.416 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu kỳ, phần lớn thuộc khoản mục tiền gửi ngắn hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn là 1.092 tỷ đồng, tăng 30% và nợ vay tài chính là 815 tỷ đồng, tăng 100% so với đầu kỳ.
Nhìn chung, EPS, ROE, ROA… là các chỉ số tài chính được nhà đầu tư sử dụng rộng rãi khi đánh giá hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác, nhà đầu tư cần xem xét trong mối tương quan với nhiều chỉ số tài chính khác và trong chiều dài lịch sử, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tính tới thời điểm cuối năm 2019, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM là 872, với tổng khối lượng đăng ký giao dịch đạt hơn 41,8 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch hơn 418.000 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2019, giá trị vốn hóa toàn thị trường UPCoM đạt gần 912.000 tỷ đồng, trong đó có 49 doanh nghiệp có mức vốn hóa từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Dẫn đầu là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với mức vốn hóa xấp xỉ 141.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với doanh nghiệp đứng thứ 2 là Tổng CTCP Đầu tư quốc tế Viettel (VGI) với 78.122 tỷ đồng. Ba vị trí tiếp theo lần lượt là VEA (58.855 tỷ đồng), MCH (47.017 tỷ đồng) và GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, 44.364 tỷ đồng).
Trong năm, BSR là cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất với khối lượng trung bình mỗi phiên đạt hơn 1,21 triệu đơn vị, vượt trội so với các cổ phiếu đứng sau như VIB (286.000 đơn vị/phiên), LPB (241.000 đơn vị/phiên).
Ngoài các mã này, số lượng cổ phiếu đạt bình quân phiên trên 100.000 đơn vị cũng rất hạn chế.
Theo Tin nhanh Chứng khoán
0 comments:
Đăng nhận xét