Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, dự án thua lỗ, yếu kém nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không để phát sinh thiệt hại vốn nhà nước.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương. (Ảnh: VGP).
Nội dung được Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh tại phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.
“Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế là vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn", Phó Thủ tướng nói.
Ông Trương Hoà Bình cũng đề nghị làm rõ các vấn đề lớn, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của từng dự án, doanh nghiệp, nhất là các vấn đề vướng mắc pháp lý về tổng thầu EPC và giải pháp về tài chính, tín dụng. Trong đó, tập trung xử lý tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu, tổng thầu, có yếu tố nước ngoài, đầu tư không còn phù hợp về công nghệ, pháp lý trong thủ tục xử lý...
“Cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm làm gì, cơ chế thế nào?”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thông tin tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi.
“Một số phương án đưa ra nhiều lựa chọn thực hiện tùy theo tình hình nên chưa xác định tiến độ, thời hạn xử lý, đến nay cần quyết định phương án để xử lý dứt điểm”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp này. Tuy nhiên, trong qua trình xử lý sẽ không tránh khỏi việc cần chi phí để xử lý dự án, tái cơ cấu phục hồi...
"Vậy phải có giải pháp thế nào đối với vấn đề này?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu các đơn vị đánh giá hướng xử lý như vậy đã thực sự khả thi chưa, đã tối ưu và phù hợp với chỉ đạo của cấp có thẩm quyền chưa, có bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, lợi ích của người lao động, ổn định môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không?
Tính đến cuối 2019, tình hình tài chính của 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn rất báo động. Cụ thể, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ lỗ luỹ kế hơn 5.120 tỷ đồng, tăng 12%; trong khi tổng nợ phải trả trên 7.806 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ gần 209 tỷ đồng, tăng hơn 94 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018.
Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc lỗ 342 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất lỗ luỹ kế hơn 3.841 tỷ; tổng nợ phải trả trên 6.918 tỷ đồng.
Hay dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ luỹ kế gần 1.400 tỷ đồng, tổng nợ gần 1.843 tỷ đồng... Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tổng nợ phải trả đến hết tháng 8/2019 lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo VTCnews
0 comments:
Đăng nhận xét