25 thg 4, 2020

27 triệu người Thái Lan thất nghiệp, xếp hàng dài nhận thực phẩm miễn phí

Ít nhất 27 triệu người lao động Thái Lan đã mất việc vì đại dịch Covid-19.
Người dân Thái Lan xếp hàng chờ nhận thực phẩm miễn phí. Ảnh: Reuters

Trang Asia News đưa tin hình ảnh dòng người thất nghiệp ở Thái Lan xếp hàng chờ nhận thực phẩm miễn phí từ các tổ chức từ thiện đã trở nên phổ biến từ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của những người lao động không chính thức.

Ít nhất 27 triệu người Thái bị mất việc trong các lĩnh vực du lịch, giải trí, thực phẩm và du lịch. Khi đường hàng không bị đóng băng và hàng chục triệu du khách không thể đến Thái Lan vì dịch bệnh, nền kinh tế đã biến thành một hoang mạc khi công ăn việc làm và tiền lương đều biến mất.


Phát thực phẩm miễn phí tại một công viên ở Bangkok. Ảnh: AP

Trước tình hình này, phần lớn những người thất nghiệp đành trông chờ vào sự giúp đỡ của chính phủ. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã hứa sẽ hỗ trợ 5.000 baht/tháng cho những người bị mất việc làm nhưng đến nay mới chỉ khoảng 13,5 triệu người nhận được số tiền trợ cấp này. Hiện chưa rõ chính phủ Thái Lan có thể hỗ trợ trong bao lâu.

Đối với lao động nước ngoài, sự việc còn đáng lo hơn khi chính phủ chỉ giúp đỡ người dân trong nước. Trong lúc chờ đợi, những người thất nghiệp phải xếp hàng dài để nhận thực phẩm miễn phí như gạo, mì, sữa từ các tổ chức từ thiện. 

Theo dự đoán, nền kinh tế Thái Lan sẽ bị suy giảm 6,5%, con số tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Đức (HDE) ngày 22-4 cho biết người tiêu dùng Đức đang siết chặt chi tiêu thay vì ồ ạt đi mua sắm khi các của hàng dần dần mở cửa trở lại sau khi bị đóng cửa trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Đức cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại từ ngày 20-4. Ảnh: Reuters

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cho phép các cửa hàng rộng tối đa 800 m2 mở cửa trở lại từ ngày 20-4 với điều kiện họ phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và vệ sinh nghiêm ngặt. Tuy nhiên, HDE cho biết tâm trạng của người mua hàng vẫn rất dè dặt vì những lo ngại liên quan đến công việc và tài chính. 

Chính phủ Đức đang cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của tình trạng phong tỏa lên kinh tế bằng nhiều biện pháp đa dạng, bao gồm gói cứu trợ trị giá 750 tỉ euro và hi vọng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng trở lại để giúp đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế.

Nguồn NLD

0 comments:

Đăng nhận xét