Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới đây đã công bố 85 doanh nghiệp nhà nước dự kiến sẽ bán vốn trong năm 2020. Tổng vốn điều lệ nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp này ước hơn 16.720 tỉ đồng.
Trong danh sách 85 doanh nghiệp có nhiều cái tên đáng chú ý đang giao dịch trên các sàn niêm yết như tổng công ty Thép (VN Steel), tập đoàn Dệt may (Vinatex), tổng công ty Thủy sản (Seaprodex), tổng công ty cổ phần Dầu thực vật (Vocarimex) và cổ phần tại một số hãng dược như Domesco, Traphaco…
Tổng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong danh sách theo vốn điều lệ ước hơn 16.720 tỉ đồng.
Kế hoạch của SCIC đưa ra trong bối cảnh năm 2020 kinh tế trong quý 1.2020 đã chịu tác động đáng kể bởi dịch Covid-19. Danh sách bán vốn của SCIC cũng co cụm về số lượng so với hai năm trước lần lượt 108 doanh nghiệp năm 2019 và 121 năm 2018.
Trong danh sách bán vốn lần này, có một số cái tên đáng chú ý như Vinatex (VGT), sau khi nhận chuyển giao từ 2018 để chuẩn bị thoái vốn. Hiện tổng vốn SCIC đang nắm giữ tại tập đoàn này là hơn 2.674 tỉ đồng, tương đương 53% vốn điều lệ. Nhưng khoản đầu tư lớn nhất của SCIC phải kể đến là tập đoàn thép với hơn 6.368 tỉ đồng, tương đương 94% vốn điều lệ của tập đoàn, chiếm 38% tổng vốn nhà nước mà SCIC nắm giữ theo danh sách.
Trong danh sách thực tế có hai doanh nghiệp mà vốn SCIC đã thoái gần hết là công ty cổ phần Nhựa Bình Minh và Nhiệt điện Phả Lại.
Trong báo cáo gần đây, đại diện SCIC cho biết mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh do đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC - là những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp - bị ảnh hưởng rất nặng nề vì nguyên liệu đầu vào tăng giá hoặc khan hiếm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khó khăn trong tiêu thụ đầu ra.
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 3.2020, một số doanh nghiệp ước tính thiệt hại rất lớn như: Vinatex dự kiến giảm 22% doanh thu (284 tỉ đồng) và 79% lợi nhuận (237 tỉ đồng) so với kế hoạch; công ty cổ phần viễn thông FPT – FPT Telecom dự kiến giảm 15% doanh thu (1.789 tỉ đồng) và 20% lợi nhuận (413 tỉ đồng); công ty cổ phần Sữa Việt Nam dự kiến giảm 2.089 tỉ đồng doanh thu và 413 tỉ đồng lợi nhuận so với kế hoạch…
Do đó, theo lãnh đạo SCIC, doanh thu năm 2020 của SCIC có thể bị ảnh hưởng lớn, trong đó, doanh thu từ cổ tức, bán vốn và doanh thu tài chính dự kiến đều giảm. Thị trường chứng khoán sụt giảm cả về cung và cầu, gây khó thu hút vốn nước ngoài, mặt khác hoạt động của các doanh nghiệp bán vốn rất khó khăn nên chất lượng nguồn cung không tốt. Cũng theo đơn vị này, trong hai tháng đầu năm, cả nước mới thoái được vỏn vẹn chỉ 79 tỉ đồng vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch SCIC, công ty đã xây dựng ba kịch triển khai kế hoạch năm 2020. Nếu dịch bệnh kết thúc trong quý 2.2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến giảm 18% so với kế hoạch đặt ra là doanh thu 6.916 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.839 tỉ đồng.
Nếu dịch bệnh kết thúc trong quý III.2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến chỉ đạt tương ứng 64% và 46% kế hoạch. Trong kịch bản xấu nhất, nếu dịch Covid-19 kết thúc quý IV, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến chỉ đạt tương ứng 50% và 16% kế hoạch.
Thời điểm hiện tại SCIC vẫn chưa điều chỉnh kế hoạch năm 2020.
Tại thời điểm cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt trên 51.911 tỉ đồng; tổng tài sản hơn 55.828 tỉ đồng (theo giá trị sổ sách); vốn hóa thị trường 146.512 tỉ đồng (khoảng 6,2 tỉ USD). So với thời điểm thành lập, doanh thu của SCIC hiện đã tăng gấp 46,8 lần, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 37,1 lần, vốn chủ sở hữu tăng gấp 14,2 lần và tổng tài sản tăng gấp 10,5 lần.
Đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.068 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 21.969 tỉ đồng. Đơn vị này đã thực hiện bán vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp với giá vốn 11.169 tỉ đồng và thu về 47.306 tỉ đồng, gấp 4,2 lần so với giá vốn.
Nguồn Forbes Vietnam
0 comments:
Đăng nhận xét