Ông Phạm Đức Ấn vừa được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV Agribank. Ông Phạm Đức Ấn có 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, từng kinh qua nhiều vị trị lãnh đạo cấp cao trong khối ngân hàng nhà nước.
Ông Phạm Đức Ấn, tân Chủ tịch HĐTV Agribank
Ngày 28/4, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Phạm Đức Ấn làm tân Chủ tịch HĐTV.
Ông Phạm Đức Ấn sinh năm 1970 tại Nghệ An, là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế Quốc dân và Cử nhân Kế toán - Đại học Luật Hà Nội.
Ông Ấn từng kinh qua các vị trí lãnh đạo cao cấp ở nhiều ngân hàng lớn như gân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) và Agribank.
Cụ thể, ông Ấn từng có hơn 20 năm công tác tại BIDV với vị trí cao nhất là Phó Tổng Giám đốc BIDV. Đến năm tháng 8/2012 ông Ấn được biệt phái sang giữ vị trí Tổng Giám đốc VRB.
Được biết, việc biệt phái cán bộ lãnh đạo BIDV sang công tác, trực tiếp điều hành hoạt động của VRB thể hiện sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả của BIDV - Ngân hàng sáng lập viên phía Việt Nam của VRB – đối với hoạt động của Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga, giúp VRB tăng cường hoạt động, phát triển năng động, đảm nhận tốt vai trò cầu nối tài chính – ngân hàng, góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc VRB ông Phạm Đức Ấn được điều động sang giữ vị trí thành viên Hội đồng thành viên Agribank, sau đó, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Agribank từ tháng 6/2014 đến cuối năm 2018.
Từ 1/1/2019, ông Phạm Đức Ấn được bổ nhiệm là Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, thời gian giữ chức vụ là 5 năm. Agribank chính thức khuyết vị trí Phó chủ tịch từ thời điểm đó đến nay.
Ngày 1/11/2019, ông Trịnh Ngọc Khánh nghỉ hưu theo chế độ, vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên tiếp tục trống từ tháng 11/2019.
Như vậy, ông Phạm Đức Ấn đã quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐTV Agribank sau hơn 1 năm rời khỏi ngân hàng này.
Agribank hiện là ngân hàng lớn nhất Việt Nam tính theo tổng khối lượng tài sản. Đây vừa là ưu thế nhưng cũng là khó khăn gây vướng mắc cho ngân hàng này trong quá trình cổ phần hoá do quỹ đất quá lớn.
Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank vào thời điểm đầu năm 2019 lên tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng; số lượng khách hàng đông nhất trong hệ thống với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất. Việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank để thực hiện cổ phần hóa cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.
Trước thềm cổ phần hoá Agribank liên tục công bố các kết quả kinh doanh ấn tượng với những con số lợi nhuận lên tới hàng chục nghìn tỷ, tổng tài sản hàng triệu tỷ đồng. Đây hứa hẹn sẽ là những "lợi thế" lớn để ngân hàng này có thể nâng cao giá trị khi cổ phần hoá hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2020.
Nguồn Nhà Đầu Tư
0 comments:
Đăng nhận xét