9 thg 4, 2020

Chứng khoán Việt Nam: P/E thấp, ROE cao

So với nhiều thị trường khác, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có định giá hấp dẫn khi P/E bình quân xấp xỉ 11 lần và mức P/E forward (4 quý gần nhất) khoảng 10,4 lần, trong khi chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt hơn 17%.

P/E thấp không có nghĩa giá cổ phiếu rẻ
Ba phiên đầu tháng 4/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm, phần nào giải tỏa áp lực “lò xo nén”. Sự phục hồi của thị trường Việt Nam đang được đánh giá tương đương với các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia...

Một số ý kiến cho rằng, nhịp hồi phục này chỉ là nhịp bật mang yếu tố kỹ thuật do nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã rơi vào vùng quá bán.

Tuy nhiên, ý kiến khác đánh giá, thị trường đã chạm đáy ngắn hạn khi những gì xấu nhất đã xảy ra, nhà đầu tư cũng sẵn sàng tâm lý chờ các thông tin kinh tế vĩ mô kém tích cực cũng như báo cáo kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp niêm yết.

Ngoài ra, trong 2 ngày, Việt Nam không ghi nhận thêm ca Covid-19 mới cho thấy sự kiểm soát hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới.

Dù chưa thể kỳ vọng vào việc phục hồi bền vững do yếu tố dịch bệnh trên toàn cầu cũng như tác động tới nền kinh tế vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng giao dịch tích cực của thị trường trong những phiên gần đây góp phần mở ra cơ hội về một nhịp hồi phục dài hơn so với các nhịp hồi phục đứt quãng trước đây.

Như trong 2 phiên cuối tuần qua, VN-Index đã đi ngược các chỉ số tại thị trường Mỹ và nhiều thị trường châu Á, trong bối cảnh khối ngoại vẫn bán ròng mạnh.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào xu hướng giảm sau khi xác lập đỉnh và nhìn rộng hơn, thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong hướng giảm, thì sự phục hồi kỹ thuật ngắn hạn chưa có nhiều ý nghĩa và khó có thể đi xa được.

Với diễn biến giảm sâu của VN-Index trong tháng 3, mức độ phục hồi kỹ thuật có thể cao, nhưng áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì rất mạnh, sẽ là yếu tố cản trở cho đà tăng trở lại của thị trường.

Chính vì vậy, nhà đầu tư nên duy trì tâm lý thận trọng trước những biến động khó lường trong thời điểm hiện tại, nhưng có thể tranh thủ cơ cấu lại danh mục, ưu tiên mua thăm dò các cổ phiếu bluechips đã giảm giá sâu cho mục tiêu từ 3 - 6 tháng tới.

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể chốt lời T+ nếu hàng về tài khoản bắt đầu có lãi và chờ các nhịp điều chỉnh để mua lại, tăng cơ hội thu lời nhờ “quay vòng” dòng vốn.

Lưu ý, cách đây 1 tháng, ngày 6/3/2020, khi chỉ số VN-Index đang ở ngưỡng 890 điểm, Bloomberg đã thống kê chỉ số P/E ở mức gần 14 lần, tương đương với thời điểm VN-Index ở mức 600 điểm đầu năm 2016.

Mức định giá này lúc đó được coi là thấp đối với tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, thị trường tiếp tục rẻ hơn sau một tháng giảm điểm vừa qua, P/E từ chỉ còn 11 lần, trong khi đầu năm 2020 là 16 lần.

Cũng cần lưu ý, định giá một thị trường hay cổ phiếu ở mức P/E cao hay thấp còn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Khi thị trường đang ở đầu chu kỳ tăng trưởng mạnh thì mức P/E cao vẫn hấp dẫn, nhưng nếu lo ngại mức độ tăng trưởng sụt giảm thì P/E thấp chưa hẳn là rẻ.

Mặt khác, đóng góp chủ yếu tạo ra mức P/E thấp đến từ kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm qua của nhóm ngành ngân hàng và bất động sản, vốn là các ngành mang tính chu kỳ và được định giá theo các nguyên tắc khác như P/B hay giá trị tài sản ròng.

Do đó, P/E chỉ là một yếu tố để xem xét mức độ đắt, rẻ của thị trường và trong bối cảnh các thị trường quốc tế cùng giảm thì mức P/E tại các thị trường khác cũng thấp đi tương ứng.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, chỉ số P/E phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào tăng trưởng của các doanh nghiệp trên sàn. P/E về mức thấp nhất trong 3 năm qua, nhưng chưa thể khẳng định là định giá thấp, do bối cảnh nền kinh tế khác nhau khá xa.

Cụ thể, 2017 - 2019 là giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng cao cùng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp liên tục tăng trưởng tích cực, nên mức P/E cao về số tuyệt đối, nhưng hợp lý về trạng thái nền kinh tế.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, dịch Covid-19 đã đẩy giá rất nhiều cổ phiếu giảm mạnh về đáy của đáy.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã và đang chịu tác động bởi dịch, trong đó có những doanh nghiệp khó có thể phục hồi.

Do đó, việc mua cổ phiếu cần lựa chọn những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và đang có thị phần lớn, tức doanh nghiệp có đủ tiềm lực để sống cùng dịch và khi dịch qua đi sẽ phát triển nhanh và mạnh.

Về hệ số P/E, tình hình dịch bệnh hiện tại ảnh hưởng đến nền kinh tế chưa được định lượng rõ ràng, mức P/E hiện nay chưa đủ cơ sở để coi là định giá thấp.

Cần yếu tố “tạo nhiệt” cho thị trường
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, vắc-xin trị dứt Covid-19 là yếu tố căn bản nhất giúp thị trường phục hồi bền vững.

Dù Việt Nam có trải qua 2 tuần cách ly thành công, thì sau đó vẫn phải cẩn trọng nếu mở cửa buôn bán hay du lịch với người nước ngoài, tức là không thể thành công một mình.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác là diễn biến của các thị trường chứng khoán lớn như Mỹ và EU. Một số thị trường này có thể phục hồi không cần đến vắc-xin, mà dựa vào các biện pháp giải cứu doanh nghiệp hay kích thích kinh tế, hoặc dịch đạt đỉnh.

Mặc dù vậy, sức khỏe doanh nghiệp có lẽ là điều thị trường quan tâm nhất. Nhóm ngành, doanh nghiệp nào có “sức đề kháng” tốt với dịch bệnh sẽ hồi phục nhanh hơn.

Khi chưa có một góc nhìn tổng quan từ doanh nghiệp sẽ gây hạn chế trong việc ước tính được định giá hợp lý của các cổ phiếu cũng như thị trường trong bối cảnh kinh doanh mới.

“Sự ổn định hoặc hồi phục bền vững của thị trường sẽ xuất hiện khi đa số nhà đầu tư cảm nhận được rằng, thị trường đã giảm về mức chiết khấu hợp lý hoặc rẻ”, ông Vũ Minh Ðức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nói.

Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khối doanh nghiệp phi tài chính giai đoạn 2010 - 2019.

Theo số liệu của Fiinpro, năm 2019, khối doanh nghiệp phi tài chính có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá thấp. Ðây là năm thứ hai, lợi nhuận ở mức thấp sau nhiều năm tăng trưởng mạnh kể từ năm 2013, còn mức tăng trưởng doanh thu năm 2019 chỉ là 4%, sau hai năm tăng trưởng cao trước đó.

Nếu điều chỉnh theo chỉ số lạm phát thì về cơ bản, khối doanh nghiệp này không có tăng trưởng thực về doanh thu.

Tăng trưởng doanh thu chạm đáy vào năm 2015 ở mức âm 1,1% chủ yếu bị tác động bởi ngành dầu khí do giá dầu giảm sâu.

Một loạt doanh nghiệp lớn ngành dầu khí suy giảm doanh thu như PVGas (GAS) giảm 12,4%, Petrolimex (PLX) giảm 29%, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) giảm 25%. Ðối với chỉ tiêu lợi nhuận, bình quân các doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng 5,3% và duy trì mức tăng trưởng gần bằng năm 2018 (6,5%), nhưng là năm thứ hai giảm tốc.

Ðối với nhóm bất động sản, tăng trưởng doanh thu thuần năm 2019 là 8%, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Trong đó, Vingroup (VIC) tăng trưởng doanh thu 7,3%, một số đơn vị lớn khác như Novaland (NVL) và Nam Long (NLG) suy giảm doanh thu khá mạnh.

Ở lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, đây là một ngành lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với sức tiêu dùng đang tăng của hơn 96 triệu người Việt Nam, nhưng chỉ tăng trưởng 2,3%, thấp hơn chỉ số lạm phát của ngành thực phẩm.

Một số “ông lớn” của ngành thực phẩm cũng chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn như Vinamilk (7,1%), Sabeco (5,4%), trong khi Masan Group (MSN) và Masan Tiêu dùng (MCH) có doanh thu giảm nhẹ và nhiều công ty trong ngành thủy sản sụt giảm doanh thu.

Trước đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều công ty chứng khoán dự báo, mức tăng trưởng bình quân của khối doanh nghiệp niêm yết có thể đạt từ 10 - 18% trong năm 2020, nhưng với tác động “bất khả kháng” hiện nay, không ít ý kiến cho rằng, việc duy trì được kế hoạch kinh doanh tương đương năm 2019 cũng đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Nhìn từ nguyên nhân khởi nguồn, không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam, mà tất cả các thị trường trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Chỉ khi dịch bệnh được đẩy lùi, các gói kích thích kinh tế, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai hiệu quả… thì mới giúp thị trường chứng khoán trở lại đà tăng.

Nguồn TNCK

0 comments:

Đăng nhận xét