13 thg 4, 2020

Đại gia đứng sau Nhà Hưng Ngân bị BIDV bán hạ giá khoản nợ 467 tỷ là ai?

Người đại diện theo pháp luật Nhà Hưng Ngân là ông Nguyễn Bắc Điềm. Công ty Nhà Hưng Ngân cũng là một trong những doanh nghiệp trực thuộc CTCP Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân (Hưng Ngân Group).
Hàng loạt dự án bất động sản của Công ty Nhà Hưng Ngân bị ngân hàng BIDV mang ra bán hạ giá.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân tại chi nhánh Sở Giao dịch 2 gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ là 518 tỷ đồng.

Trong đó dư nợ gốc là 372 tỷ đồng và dư lãi vay là 146 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là bất động sản cùng nhiều khu đất của doanh nghiệp này tại TP HCM và Hà Nội và Kiên Giang.

Cụ thể, các tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân gồm: Một phần Dự án Khu nhà ở cao tầng và khu phức hợp thương mại dịch vụ tại Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP HCM hay còn gọi là chung cư Hưng Ngân Garden (không bao gồm 971 căn hộ của 03 Block A1, A2 và B1 đã nghiệm thu, bàn giao cho người mua căn hộ).

Tiếp theo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 51 Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP HCM. Khu đất có diện tích 188,4 m2.

Ngoài ra còn có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 130 Phố Tôn Đức Thắng, Phường Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa, Hà Nội, diện tích đất 137,6m2. Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 11 ngách 34/2 đường Nguyên Hồng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội, diện tích đất 84 m2.

Cuối cùng là dự án Khu du lịch Bãi Cửa Cạn, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), diện tích khu đất hơn 204.200 m2 thuộc Khu du lịch Bãi Cửa Cạn tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc. Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã có Quyết định ngày 24/12/2018 chấm dứt hoạt động của dự án do nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đăng ký).

Theo BIDV, giá khởi điểm cho khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân là 466 tỷ đồng. Buổi đấu giá được tổ chức chức ngày 16/4 tại TP.HCM.

Công ty Nhà Hưng Ngân được thành lập năm 2009, với số vốn tính đến cuối năm 2019 là hơn 315 tỷ đồng (năm 2019), gồm 4 cổ đông sáng lập là: CTCP Đầu tư Nhà và Thương Mại Hưng Ngân (tỷ lệ sở hữu 55%); ông Nguyễn Đắc Điềm (tỷ lệ sở hữu 25%); bà Nguyễn Thị Lương (tỷ lệ sở hữu 5%) và bà Nguyễn Thị Đắc Ngân (tỷ lệ sở hữu 15%).

Người đại diện theo pháp luật Nhà Hưng Ngân là ông Nguyễn Bắc Điềm.

Công ty Nhà Hưng Ngân cũng là một trong những doanh nghiệp trực thuộc CTCP Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân (Hưng Ngân Group), được thành lập từ năm 2007, với 96,82% vốn điều lệ do ông Nguyễn Đắc Điềm sở hữu. Doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Thị trấn Chờ phân khu A, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo giới thiệu của tập đoàn này, "hệ sinh thái" của Hưng Ngân Group còn bao gồm một số công ty thành viên là CTCP Dịch vụ Quản lý Bất động sản Thiên Ngân (Hưng Ngân Services), CTCP Đầu tư Tây Á (Hưng Ngân Trading), CTCP Đầu tư Xây dựng Yên Minh (Hưng Ngân Construction) và Sàn bất động sản Hưng Ngân (Hưng Ngân Land).

Hưng Ngân Group được biết đến với các dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng từ Bắc tới Nam nhưng lại liên tục vướng phải nhiều "tai tiếng" trong giới bất động sản. Trong đó, có dự án bị vướng lùm xùm về chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao chậm trễ khiến cư dân bức xúc.

Cuối năm 2019, vào lúc BIDV vừa có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ trên lần đầu, nhiều cư dân đang sinh sống tại chung cư Hưng Ngân Garden đã tỏ ra hoang mang khi biết tin dự án bị ngân hàng bán đấu giá để thu hồi nợ của chủ đầu tư. 

Trước tình hình trên, UBND TP HCM đã thời điểm đó đã phải có chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trước mắt.

Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, việc tranh chấp giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm với nhau. TP cam kết đảm bảo quyền lợi cho người dân đã mua nhà ở dự án này. Ngân hàng không được quyền phát mãi nhà ở của người dân - trường hợp nào đã nộp hết tiền mua nhà sẽ được cấp giấy chủ quyền; trường hợp chưa đóng hết tiền thì khi nộp xong cũng được cấp giấy chủ quyền. 

Từ những bê bối tại Hưng Ngân Garden và gánh nợ nần hàng trăm tỷ tại BIDV, nhiều người tỏ ra lo ngại, nghi ngờ, đặt dấu hỏi về sự hoạt động của doanh nghiệp này.

Nguồn ANTT

0 comments:

Đăng nhận xét