10 thg 4, 2020

Đáp án cho câu hỏi 90 nghìn tỷ USD của nền kinh tế thế giới: Khi nào mọi hoạt động sẽ bình thường trở lại?

Mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách sẽ là mở cửa nền kinh tế nhưng không khiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát – yếu tố sẽ khiến họ phải đưa ra lệnh phong toả mới và thiệt hại kinh tế còn lớn hơn. Việc mở cửa nền kinh tế một cách an toàn sẽ cần những đợt xét nghiệm kháng thể để xác định đâu là cộng đồng chịu ảnh hưởng ít nhất.

Giới chức từ Rome cho đến Washington đang khẩn trương đưa ra những kế hoạch nhằm nới lỏng lệnh phong toả và bắt đầu tái khởi động nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên khắp thế giới. Dẫu vậy, vấn đề ở đây là không có kế hoạch tổng thể.

Mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách sẽ là mở cửa nền kinh tế nhưng không khiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát – yếu tố sẽ khiến họ phải đưa ra lệnh phong toả mới và thiệt hại kinh tế còn lớn hơn. Tuy nhiên, lịch sử đã có một lời cảnh báo: dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 – cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất thế giới cho đến đợt này, đã tạo ra 3 làn sóng bùng phát trước khi được kiểm soát. 

Khi các nhà lãnh đạo đang chuẩn bị đối phó với Giai đoạn 2 của đại dịch – đó là nền kinh tế dần mở cửa trở lại, thì rủi ro có thể sẽ cao hơn và sự đánh đổi cũng trở nên bất ổn hơn. Hàng loạt máy bay "đắp chiếu", chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các nhà máy không hoạt động, thì nền kinh tế toàn cầu trị giá 90 nghìn tỷ USD đang hứng chịu một trong những cú sốc tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái.

Thật không may rằng, hiện vẫn chưa có một kế hoạch tức thời để các chính phủ quyết định khi nào, chưa nói đến việc làm thế nào, để thúc đẩy động cơ tăng trưởng sau thời gian đột ngột đóng cửa, đặc biệt là khi việc tái khởi động có thể khiến nhiều người gặp rủi ro nhiễm bệnh.

Việc mở cửa nền kinh tế một cách an toàn sẽ cần những đợt xét nghiệm kháng thể để xác định đâu là cộng đồng chịu ảnh hưởng ít nhất. Cho đến nay, nhóm này vẫn chưa được xác nhận ở hầu hết các quốc gia, David Heymann – giáo sư dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ London, cho hay. 

Kinh nghiệm từ châu Á
Hiện tại, mọi sự chú ý đổ dồn về Vũ Hán. Trong khi tàu, máy bay và ô tô được phép rời khỏi thành phố, thì quá trình di chuyển bình thường sẽ chậm lại khi một số lệnh hạn chế vẫn được áp dụng. Giới chức cho biết Covid-19 đang được kiểm soát nhưng họ vẫn lo ngại về làn sóng thứ 2, do một ổ dịch nào đó trong nước hoặc các ca nhiễm từ nước ngoài.

Câu chuyện của một nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở Vũ Hán là một trong những dấu hiệu cho thấy việc khởi động lại nền kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra như thế nào.

Gong Jinqian– quản lý bộ phận sale tại Digit Stamping Technology, chia sẻ: "Công ty chúng tôi nhiều lần phải trì hoãn việc mở cửa trở lại". Hiện tại, họ đã được chính phủ cấp phép, cam kết sẽ khử trùng nhà máy hàng ngày và chứng minh có đủ thiết bị bảo hộ cho nhân viên.

Nguy cơ của làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã xảy ra ở châu Á. Một quận ở miền trung Trung Quốc đã bị phong toả một lần nữa, khi Hắc Long Giang – gần biên giới với Nga, ghi nhận 125 ca nhiễm từ nước ngoài trở về và 111 trường hợp khác cũng từ nước ngoài mà không có triệu chứng trong tháng này. 

Singapore và Hồng Kông cũng phải đưa ra những quy định hạn chế mới khi dịch bệnh vẫn lây lan. Điều này cho thấy rằng ngay cả những quốc gia, vùng lãnh thổ có thể thành công trong việc dập dịch sớm thì họ cũng không thể vội chủ quan.

Nỗ lực 5 nghìn tỷ USD
Tình trạng khẩn cấp diễn ra trên toàn cầu đã thúc đẩy các hoạt động chi tiêu, hạ lãi suất chưa từng có khi các chính phủ tung hơn 5 nghìn tỷ USD cho các biện pháp tài khoá và các NHTW cũng mạnh tay hơn trong việc điều chỉnh chính sách nhằm ứng phó với khủng hoảng. Morgan Stanley ước tính Fed, ECB, BOJ và BOE sẽ mở rộng bảng cân đối kế toán thêm 6,8 nghìn tỷ USD.

Dẫu vậy, cựu chủ tịch Fed Ben Bernanke không nhận thấy sự hồi phục kinh tế với tốc độ nhanh chóng sau đà lao dốc ở quý này. Ông nhận định: "Có thể chúng ta sẽ chứng kiến quá trình tái khởi động khá chậm chạp và có thể có những giai đoạn các hoạt động sẽ lại trì trệ hơn nữa."

Trong khi một số lĩnh vực của nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn những phần khác, khi người lao động quay lại làm việc. Người tiêu dùng có thể cảnh giác về việc đổ xô đến trung tâm mua sắm, đi chơi với bạn bè tại các quán pub hay di chuyển bằng đường hàng không.

Deutsche Lufthansa – một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu, ước tính sẽ mất nhiều tháng cho đến khi lệnh hạn chế du lịch được dỡ bỏ hoàn toàn và nhiều năm trước khi nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không trên toàn thế giới hồi phục lại mức trước khủng hoảng. Hãng này đã phải cắt giảm nhân sự và đóng cửa 1 hãng hàng không giá rẻ. 

Xét nghiệm hàng loạt  
Mối quan tâm của các chuyên gia y tế và người dân đó là dù tốc độ lây lan có chậm lại bao nhiêu, thì khi không có vắc-xin thì dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại khi lệnh phong toả được dỡ bỏ. Cách duy nhất để ngăn chặn và để biết nên dỡ bỏ ở địa điểm nào đầu tiên là thông qua xét nghiệm để tìm kiếm các cụm lây nhiễm và thực hiện cách ly.

Vấn đề là, mới một số trường hợp ngoại lệ như tại các quốc gia Hàn Quốc, Singapore và Đức, việc thử nghiệm đã gặp nhiều sai sót về công nghệ, sự chậm trễ trong việc vận chuyển và thiếu vật tư y tế. Anh đã gặp phải vấn đề này trong thời gian gần đây khi các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford phát hiện ra rằng bộ kit xét nghiệm mà nước này sử dụng cho kết quả sai lệch. Điều này đã khiến nhiều ý kiến nghi ngại về tính chính xác và hiệu quả của những nỗ lực xét nghiệm hàng loạt. 

Mở cửa theo đợt
Kế hoạch được một nhóm chuyên gia y tế Mỹ vạch ra đã gợi ý về một giai đoạn trung gian, đó là các trường học và doanh nghiệp mở cửa nhưng các sự kiện tụ tập đám đông vẫn được hạn chế. Mọi người vẫn được yêu cầu giữ khoảng cách, những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ được giới hạn thời gian tiếp xúc không gian công cộng. Nếu số ca nhiễm tăng trở lại thì lệnh hạn chế lại được thắt chặt. 

Áo đã có kế hoạch tiếp cận như vậy. Các cửa hàng nhỏ, kinh doanh phần cứng và bán đồ làm vườn sẽ được mở cửa sau Lễ Phục sinh, sau đó các cửa hàng bán lẻ sẽ mở cửa từ ngày 1/5. Đan Mạch và Na Uy cũng có kế hoạch tương tự, bắt đầu từ các trường học, và hạn chế quy mô của các sự kiện đông người.

Dẫu vậy, việc mở cửa các nền kinh tế tương đối nhỏ như Na Uy hay Áo lại khác xa so với những nền kinh tế có quy mô như Mỹ, thậm chí là Italy.

Tại Italy, nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến ổn định và cải thiện, thì giới chức nước này sẽ nới lỏng các lệnh hạn chế vào đầu tháng 5, cho phép 1 số cửa hàng nhỏ mở cửa, nhưng các quán bar và nhà hàng vẫn ngừng hoạt động. Quy tắc giãn cách xã hội vẫn được duy trì.

Kế hoạch mà Nhà Trắng đang phát triển để mở cửa nền kinh tế phụ thuộc vào việc đẩy mạnh quy mô xét nghiệm. Nỗ lực này có thể sẽ bắt đầu ở những thành phố và thị trấn nhỏ, chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, những ổ dịch như New York, Detroit và New Orleans vẫn đóng cửa. 

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét