15 thg 4, 2020

Dịch COVID-19 chiều 15-04-2020: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 2 triệu

Tổng số ca nhiễm toàn cầu đã vượt qua con số 2 triệu, trong đó Mỹ chiếm gần 1/3 (hơn 614.000 ca). Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn tiến hành cuộc bầu cử quốc hội bất chấp dịch COVID-19.


Theo cập nhật của trang Wordometers, số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 2.000.134 ca, trong đó có 126.757 ca tử vong và 484.600 ca đã hồi phục.

Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với hơn 614.000 ca. Kế đến là Tây Ban Nha (hơn 174.000 ca), Ý (hơn 162.000 ca), Pháp (hơn 143.000 ca), Đức (hơn 132.000 ca). Mỹ cũng là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, với hơn 26.000 ca.

Nga ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong ngày 
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Trung tâm phản ứng COVID-19 của Nga cho hay Nga ngày 15-4 ghi nhận thêm 3.388 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 24.490. Đây là số ca nhiễm tăng thêm trong một ngày cao nhất tới nay ở nước này. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Nga tăng thêm 28 ca, lên tổng cộng 198 ca.

Đan Mạch: Quốc gia châu Âu đầu tiên mở lại trường học
Hãng tin AFP cho biết Đan Mạch đã bắt đầu mở lại các trường học trong ngày 15-4 sau khi đóng cửa cả tháng trời vì dịch COVID-19. Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có bước đi này.

Các nhà trẻ, trường tiểu học tại Đan Mạch đã đóng cửa từ hôm 12-3. Tuy nhiên, với động thái mới, các lớp học hiện chỉ được mở lại ở khoảng một nửa đô thị tự trị của Đan Mạch và ở khoảng 35% số trường học của thủ đô Copenhagen.

Số còn lại sẽ cần thêm một chút thời gian để điều chỉnh phù hợp với các quy định. Tất cả trường học dự kiến mở lại vào ngày 20-4.


Báo Nhật: Dự đoán 400.000 ca tử vong nếu không có biện pháp ngăn dịch
Hãng tin Kyodo và báo Asahi của Nhật Bản dẫn một mô hình dự đoán của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở nước này có thể lên tới 400.000, nếu Nhật Bản không thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus.

Bộ Y tế Nhật Bản cũng ước tính số ca nghiêm trọng cần dùng máy thở có thể lên tới 850.000. Các số liệu được đưa ra dựa trên nghiên cứu từ giáo sư Hiroshi Nishiura ở Đại học Hokkaido - một trong các chuyên gia bệnh truyền nhiễm tham gia hỗ trợ chính phủ Nhật trong phản ứng với COVID-19.

Hàn Quốc tổ chức bầu cử giữa dịch COVID-19
Hàn Quốc vẫn tiến hành cuộc bầu cử bầu 300 đại biểu của Quốc hội khóa mới trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội và một số nước đã hủy các cuộc bầu cử để chống dịch.

Khoảng 14.000 điểm bỏ phiếu đã mở cửa từ lúc 6h sáng 15-4 (giờ địa phương) khắp Hàn Quốc sau khi công tác khử trùng được tiến hành. Các cử tri đã được yêu cầu đeo khẩu trang và trải qua kiểm tra thân nhiệt. Bất kỳ ai có nhiệt độ cơ thể cao hơn 37,5 độ C sẽ được chuyển tới một khu đặc biệt. Dự kiến khoảng 44 triệu cử tri Hàn Quốc tham gia bỏ phiếu.

Người dân đi bỏ phiếu tại Seoul, Hàn Quốc ngày 15-4 - Ảnh: REUTERS

Chile ân xá 1.300 tù nhân để tránh COVID-19
Khoảng 1.300 tù nhân có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus corona tại Chile sẽ được ân xá, sau khi Tòa án Hiến pháp nước này ngày 14-4 (giờ địa phương) thông qua một luật đặc biệt vừa được chính quyền Tổng thống Sebastian Pinera gửi lên.

Luật này sẽ có lợi cho các tù nhân trên 75 tuổi, những phụ nữ có con dưới 2 tuổi và phụ nữ mang thai. Trong khi đó các tù nhân phạm những tội chống nhân loại, giết người, bắt cóc, buôn ma túy và bạo lực gia đình sẽ không được ân xá.

Cựu binh 99 tuổi ở Brazil thắng dịch COVID-19.
Hãng tin Reuters ngày 15-4 đưa tin cựu binh Thế chiến 2 Ermando Piveta, 99 tuổi, đã được xuất viện sau nhiều ngày chữa trị vì nhiễm virus corona chủng mới. Cụ Piveta rời khỏi Bệnh viện Các lực lượng vũ trang tại thủ đô Brasilia trong tiếng vỗ tay của mọi người.

Cựu binh Ermando Armelino Piveta trong ngày xuất viện ở Brazil - Ảnh: REUTERS

Trước đây, cụ Ermando Piveta từng phục vụ trong lực lượng pháo binh Brazil ở châu Phi thời kỳ Thế chiến 2. 

"Giành được chiến thắng trong trận chiến này đối với tôi còn to lớn hơn chiến thắng trong Thế chiến. Trong chiến tranh, bạn sẽ thiệt mạng hoặc sống sót. Còn trong cuộc chiến này, bạn cần phải chiến đấu để sống", cụ Piveta chia sẻ.



Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét