Việt Nam hiện đã có 222 người khỏi bệnh COVID-19. Trong khi Singapore ngày 22-4 thông báo tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 10.141 ca sau khi có thêm 1.016 ca nhiễm mới. Ở Mỹ hơn 45.000 ca tử vong.
Dịch COVID-19 ngày 22-4-2020
Hành khách bay hằng ngày ở Trung Quốc tăng 7,9% vào tháng 4
Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc ngày 22-4 thông báo số hành khách của ngành đã tăng 7,9% tính từ tháng 3 đến ngày 21-4. Tuy nhiên, số hành khách của hàng không Trung Quốc hiện vẫn chỉ ở mức 29% so với một năm trước đó.
Số chuyến bay hàng ngày của Trung Quốc cũng tăng 1% trong tháng 4 so với tháng 3, nhưng chỉ bằng 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan công bố thêm 15 ca nhiễm và 1 trường hợp tử vong trong ngày 22-4. Dù tiếp tục ghi nhận số liệu mới ở mức thấp, giới quan chức tại đây vẫn tỏ ra thận trọng.
Tổng số ca nhiễm tại Thái Lan hiện là 2.826 và số bệnh nhân tử vong là 49.
Tây Ban Nha, Hà Lan nới lỏng phong tỏa cho trẻ em.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 21-4 thông báo nước này sẽ mở cửa trở lại các trường tiểu học và mầm non từ ngày 11-5, song vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch khác.
Mặc dù được mở cửa trở lại, nhưng các trường tiểu học tại Hà Lan đảm bảo thực hiện các quy định giãn cách xã hội, theo đó trẻ em chỉ đi học nửa ngày và thời gian còn lại học trực tuyến. Học sinh cấp 2 sẽ đi học trở lại từ ngày 1-6.
Cũng trong thông báo, ông Mark Rutte cho biết lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê và câu lạc bộ sẽ tiếp tục kéo dài thêm 3 tuần, tức đến ngày 19-5. Trong khi đó, lệnh cấm tụ họp đông người sẽ có hiệu lực cho đến ngày 1-9.
Hà Lan hiện ghi nhận tổng cộng 3.916 ca tử vong do COVID-19 và 34.134 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện số ca nhập viện điều trị đang giảm dần.
Tại Tây Ban Nha, từ cuối tuần này, trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được đi ra ngoài tham gia các hoạt động thông thường như mua sắm, đi dạo... sau 6 tuần liên tục thực hiện giãn cách xã hội buộc phải ở trong nhà theo chỉ dẫn y tế phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tây Ban Nha là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Ý. Các biện pháp hạn chế đối với trẻ em tại Tây Ban Nha cho đến nay là nghiêm ngặt nhất châu Âu. Do đó, chính phủ nước này chịu nhiều sức ép từ các bác sĩ nhi khoa và giới chức trong khu vực về việc cho phép trẻ em ra ngoài, cảnh báo các biện pháp hạn chế có thể gây nguy cơ về sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ nhỏ.
Mỹ ghi nhận thêm 2.765 ca tử vong trong 1 ngày
Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận 25.193 ca nhiễm mới và thêm 2.765 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên tương ứng 817.952 ca và 45.279 ca.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 21-4 cho biết Tổng thống Donald Trump đã đồng ý nhờ chính phủ liên bang hỗ trợ mua các thuốc thử hóa học và các vật tư khác cần thiết để New York tăng gấp đôi năng lực xét nghiệm virus corona, theo Reuters.
Châu Âu tiếp tục là "điểm nóng" của dịch COVID-19 hiện nay. Tổng số ca nhiễm mới tại các nước có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng như Nga, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan vẫn tăng gần con số 20.000 ca.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Nga là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu Âu (5.642 ca). Tiếp sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ (+4.611 ca), Anh (+4.301 ca), Tây Ban Nha (+3.968 ca), Ý (+2.729 ca), Pháp (+2.667 ca), Hà Lan (+ 729 ca).
Trong khi đó, Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, 828 ca. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh là 17.337 ca, đứng sau Ý (24.648 ca), Tây Ban Nha (21.282 ca), Pháp (20.796 ca).
Tại Trung Đông, Saudi Arabia đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm là 11.631 ca, trong đó có 1.147 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.147 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong.
Mexico đã có hơn 9.000 ca nhiễm
Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận hơn 700 ca nhiễm mới và 145 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 21-4, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 9.501 ca và 857 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Panama ngày 21-4 cho biết nước này có thêm 162 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 4.821 trường hợp và 141 ca tử vong, theo Reuters.
Trung Quốc sáng 22-4 công bố thêm 30 ca nhiễm mới, với 23 ca trong số này là các ca nhập khẩu có liên quan đến những người du lịch từ nước ngoài, tăng 11 ca so với ngày trước đó. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 22-4 cho biết số bệnh nhân không triệu chứng mới của nước này cũng tăng lên 42 ca so với 37 ca của ngày trước đó.
Tổng số ca COVID-19 tại Trung Quốc đại lục cho đến nay là 82.788 ca, số người qua đời vì dịch bệnh này vẫn không đổi và vẫn là 4.632 người, theo Reuters.
Tỉnh Nagasaki, Nhật Bản ngày 22-4 ghi nhận 33 ca nhiễm mới từ một du thuyền Ý đang đậu lại để sửa chữa. Chính quyền Nagasaki cho biết sẽ thực hiện thêm xét nghiệm với các thành viên thủy thủ đoàn khác.
Theo Thống đốc Nagasaki Hodo Nakamura, những người nhận xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng sẽ được giữ trên tàu để giám sát, trong khi những người còn lại sẽ được chuyển đến nơi điều trị. Những người âm tính với virus sẽ được phép về nước.
Truyền thông địa phương cho biết con tàu Costa Atlantica này chở theo 623 thủy thủ đoàn và không có hành khách.
Mỹ hơn 45.000 ca tử vong, ông Trump tạm cấm nhập cư trong 60 ngày
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-4 cho biết ông sẽ tạm cấm nhập cư đối với những người tìm kiếm thẻ xanh (thường trú nhân) của nước Mỹ trong vòng 60 ngày để bảo vệ việc làm của người dân Mỹ.
Đây là lần đầu tiên ông Trump thông báo chi tiết hơn sau tuyên bố mơ hồ tối 20-4 về việc cấm nhập cư trong bối cảnh số ca tử vong của Mỹ đã vượt quá 45.000 người, theo hãng tin Reuters.
Chỉ riêng trong ngày 21-4, số người bị bệnh COVID-19 ở Mỹ đã tăng thêm hơn 2.600 người và có một số bang chưa cập nhật số liệu COVID-19. Tính đến sáng 22-4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 816.385 ca nhiễm virus corona chủng mới, 45.174 ca tử vong và 82.693 ca hồi phục, theo trang worldometers.info.
Trong một diễn biến liên quan, ông Trump ngày 21-4 hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ nhằm cung cấp thêm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và những tổ chức khác trong cuộc chiến chống COVID-19.
Trước đó, cũng trong ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 480 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đang tổn thất nặng vì dịch bệnh, tài trợ thêm cho các bệnh viện và dùng để tăng cường quy mô xét nghiệm virus trên toàn quốc, theo hãng tin AFP.
Đây là khoản cứu trợ lớn mới nhất của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan đã khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và 22 triệu người mất việc.
Nhân viên y tế và lính cứu hỏa đưa một bệnh nhân COVID-19 lên xe cấp cứu tại Trung tâm Y tế West Revere ở Revere, Massachusetts, Mỹ ngày 21-4-2020 - Ảnh: REUTERS
8/10 người chết vì COVID-19 ở Quebec là tại các viện dưỡng lão
Các quan chức tại Quebec, tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nặng nhất Canada, ngày 21-4 tiết lộ hơn 8/10 ca tử vong vì dịch bệnh này xảy ra tại các viện dưỡng lão.
Hãng tin AFP cho biết con số này được đưa ra sau làn sóng phản đối của công chúng trước việc một viện dưỡng lão ở ngoại ô Montreal có tới 31 người chết trong vài tuần khi các nhân viên của viện này bỏ đi.
Theo đó, trong 1.041 ca tử vong vì COVID-19 tại Quebec cho đến nay, có 850 ca là những người lớn tuổi ở các viện dưỡng lão. Với hơn 20.000 ca nhiễm virus và hơn 1.000 ca tử vong vì COVID-19, tỉnh Quebec đã chiếm hơn nửa trong tổng 37.000 ca nhiễm và 1.700 ca tử vong vì COVID-19 của Canada.
Số ca ở Ý giảm ngày thứ 2 liên tiếp
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 21-4 cho biết nước này ghi nhận thêm 2.729 ca nhiễm mới và 534 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 183.957 ca và 24.648 ca tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Ý ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 giảm.
Trong khi đó, Tây Ban Nha ngày 21-4 có thêm 3.968 ca nhiễm và 430 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này là 204.178 ca và 21.282 bệnh nhân đã qua đời vì dịch bệnh này, theo trang worldometers.info.
Hiện nay, Tây Ban Nha đang đứng thứ hai về số ca nhiễm, sau Mỹ (816.385 ca). Ý đứng thứ ba, Pháp ở vị trí thứ tư với 158.050 ca nhiễm, Đức đứng thứ 5 với 148.291 ca và Anh ở vị trí thứ 6 với 129.044 ca.
Việt Nam chữa khỏi 222/268 bệnh nhân.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong chiều nay 22-4) có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Đó là các bệnh nhân 184 (nữ, 42 tuổi), 125 (nam, 31 tuổi), đều là nhân viên Công ty Trường Sinh), 216 (nữ, 48 tuổi, từ Đức về), 227 (nam, 31 tuổi, tiếp xúc gần người dương tính trước đó), 246 (nam, 33 tuổi, từ Nga về), 266 (nữ, 36 tuổi, liên quan Bệnh viện Bạch Mai).
Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 222 trường hợp được công bố khỏi bệnh trong tổng số 268 trường hợp mắc bệnh (tỉ lệ khỏi bệnh chiếm 83%).
Số ca nhiễm tại Singapore vượt mốc 10.000
Bộ Y tế Singapore ngày 22-4 thông báo tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 10.141 ca sau khi có thêm 1.016 ca nhiễm mới. Phần lớn số ca nhiễm mới là lao động nhập cư. Các khu ký túc xá dành cho lao động nước ngoài chiếm tới 3/4 số ca nhiễm của Singapore, theo hãng tin Reuters.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Singapore với số ca nhiễm mới tiếp tục trên 1.000 ca mỗi ngày, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1-6.
Nga chạm mốc 58.000 ca nhiễm
Nhà chức trách Nga ngày 22-4 xác nhận đã có thêm 5.236 ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Nga lên 57.999 người. Số ca tử vong mới được ghi nhận trong cùng thời gian là 57 người, đẩy tổng số ca tử vong từ lúc dịch bùng phát đến nay lên 513 người.
Mỹ lo đợt bùng phát dịch thứ hai gây hậu quả lớn
Robert Redfield, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày 21-4 cảnh báo nếu đợt bùng phát thứ hai của dịch COVID-19 rơi trúng vào thời kỳ đầu của dịch cúm mùa, hậu quả sẽ còn tàn khốc hơn hiện tại.
"Nhiều khả năng chúng ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn với cuộc tấn công của virus vào mùa đông sắp tới, hơn rất nhiều so với đợt tấn công nước Mỹ vừa trải qua", ông Redfield đặt vấn đề trong cuộc phỏng vấn với báo Washington Post.
"Khi đó nước Mỹ sẽ trải qua dịch cúm và dịch COVID-19 cùng lúc", người đứng đầu CDC Mỹ lo lắng.
Mỹ đến nay đã ghi nhận hơn 800.000 trường hợp xác nhận nhiễm virus corona chủng mới kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo thống kê của ĐH Johns Hopkins, với 44.845 trường hợp tử vong.
Nhân viên y tế Mỹ rời khỏi nhà của một người dân sau khi nhận được cuộc gọi cấp cứu tại bang Massachusetts, Mỹ ngày 21-4 - Ảnh: REUTERS
Bang đầu tiên Mỹ kiện Trung Quốc đòi bồi thường thiệt hại vì COVID-19
Theo đài CNN, bang Missouri của Mỹ đã trở thành bang đầu tiên nộp đơn kiện chính phủ Trung Quốc vì những thiệt hại về nhân mạng và kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra ở bang này.
Trong đơn kiện do đích thân Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt đệ trình, bang này đưa ra nhiều cáo buộc, trong đó có việc Trung Quốc phủ nhận "bản chất truyền nhiễm" của virus corona chủng mới, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng ở Missouri.
Chính quyền Missouri cũng cáo buộc các quan chức Trung Quốc đã làm rất ít để ngăn chặn sự lây lan của virus dù có kiến thức về loại virus này. Trước Missouri cũng đã có vài vụ kiện tập thể chống lại Trung Quốc nhưng Missouri là bang đầu tiên của Mỹ nộp đơn kiện chính phủ Trung Quốc.
Các chuyên gia pháp lý nhận định vụ kiện của Missouri và các vụ khác tương tự sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi Trung Quốc được hưởng quyền miễn trừ trở thành bị đơn theo một đạo luật liên bang của Mỹ.
Dân Nhật phàn nàn về khẩu trang vải chính phủ phát
Kế hoạch cung cấp miễn phí khẩu trang vải cho người dân của chính phủ Nhật đang gặp trở ngại khi nhiều người bắt đầu phàn nàn về chất lượng của khẩu trang nhận được.
Bộ Y tế Nhật hồi cuối tuần trước cho biết đã chuyển khoảng 30 triệu khẩu trang cho phụ nữ mang thai, các cơ sở dưỡng lão và trường học trên khắp cả nước. Họ cũng đồng thời nhận lại hơn 1.900 phàn nàn về chất lượng của những chiếc khẩu trang vải có thể tái sử dụng này, phần lớn là từ các phụ nữ mang thai.
"Tôi rất cảm kích khi nhận được những khẩu trang này cho gia đình nhưng đây là lỗi sơ suất phải không? Rác hay vết bẩn?", một người dùng Twitter phàn nàn và đăng kèm hình chiếc khẩu trang vải với một con côn trùng bị kẹt trong đường may viền. Những lỗi phổ biến khác khiến người dân khó chịu là khẩu trang bị ẩm mốc, có vết ố và mùi khó chịu.
Một người dùng Twitter so sánh kích thước của khẩu trang y tế thường (ở dưới) và khẩu trang vải do chính phủ Nhật cung cấp - Ảnh chụp màn hình
Ấn Độ ngừng xét nghiệm nhanh virus corona
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ đã khuyến cáo tất cả các bang ngừng sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh trong hai ngày sắp tới sau khi phát hiện có quá nhiều lỗi trong những bộ xét nghiệm này.
Cơ quan này đang ráo riết kiểm tra lại nguồn gốc các bộ xét nghiệm, thu hồi chúng và trả lại cho nhà sản xuất. Các bộ xét nghiệm nhanh virus corona bắt đầu được triển khai ở Ấn Độ hồi tuần trước. Bộ Y tế nước này đã liên tục cảnh báo các bộ xét nghiệm này chỉ nên được sử dụng để giám sát và xác định xu hướng dịch tễ học.
Ấn Độ đã xét nghiệm tổng cộng 462.621 mẫu bệnh phẩm được lấy từ 447.812 người tính đến ngày 21-4.
Nguồn Tổng Hợp Từ TTO
0 comments:
Đăng nhận xét