Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hướng dẫn mở cửa kinh tế trở lại trong bối cảnh số ca COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều bang ở Mỹ kéo dài phong tỏa.
* Bản tin cập nhật lúc 9h30 ngày 17-4
Cuba gửi đội y tế đến Honduras
Bộ trưởng Y tế Honduras Alba Consuelo Flores ngày 16-4 cho biết một lữ đoàn y tế Cuba sẽ đến để hỗ trợ các y bác sĩ địa phương trong cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới. Lữ đoàn này gồm 4 bác sĩ phẫu thuật cấp cứu, 2 nhà dịch tễ học, 6 y tá chăm sóc đặc biệt và 4 kỹ thuật viên y sinh.
Hãng tin Reuters cho biết Cuba đã gửi nhiều đội y bác sĩ đến các quốc gia có dịch COVID-19 trên khắp thế giới, chủ yếu là các nước nghèo. Cuba cũng đã gửi các bác sĩ đến hỗ trợ Ý chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Flores cảm kích sự giúp đỡ của Cuba, thừa nhận rằng các nhân viên y tế nước này đang ngã bệnh, thiếu trình độ và phải được nghỉ ngơi vì đã quá tải.
Honduras, quốc gia Trung Mỹ nghèo với 9,2 triệu dân, hiện có khoảng 4.000 nhân viên y tế làm việc tại 33 bệnh viện trên cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế. Honduras hiện có 426 ca nhiễm virus và 35 ca tử vong, theo thống kê của ĐH Johns Hopkins.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc xem lại quy tắc xuất khẩu thiết bị y tế chống COVID-19
Mỹ ngày 16-4 yêu cầu Trung Quốc xem lại các quy tắc kiểm soát chất lượng xuất khẩu mới đối với các thiết bị bảo vệ y tế cần thiết trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 để việc cung cấp các mặt hàng này được kịp thời hơn.
Trung Quốc đã siết các hạn chế xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân khác (PPE) vào cuối tuần trước, quy định các mặt hàng này phải chịu sự kiểm tra bắt buộc của hải quan.
Động thái này của Trung Quốc nhằm cân bằng nhu cầu quốc nội và thế giới về PPE trong bối cảnh nước này đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới, cũng như để đảm bảo các nhà sản xuất và bán hàng không bán ra hàng dỏm, kém chất lượng.
Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp y tế được sản xuất tại Trung Quốc và là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, theo Reuters.
Châu Âu nợ Ý một lời xin lỗi
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết châu lục này nợ Ý "một lời xin lỗi chân thành" vì đã không hỗ trợ cho nước này trong giai đoạn đầu khi dịch COVID-19 bùng phát.
"Nhiều nước đã không có mặt ở thời điểm mà Ý cần sự giúp đỡ, lúc dịch bắt đầu bùng phát. Vì thế, đúng là toàn bộ châu Âu cần phải gửi đến Ý một lời xin lỗi tự đáy lòng" - bà Ursula von der Leyen nói.
Trong giai đoạn đầu, thay vì giúp đỡ, nhiều nước châu Âu thậm chí đóng cửa biên giới, cấm xuất khẩu đồ bảo hộ y tế khiến việc cứu trợ Ý gặp rất nhiều khó khăn. Một cuộc thăm dò dư luận tháng trước cho thấy có đến 88% người dân Ý cảm thấy bị châu Âu bỏ rơi, theo Guardian.
Sau đó, các nước như Đức, Ba Lan và Romania đã đưa bệnh nhân Ý về điều trị hoặc gửi bác sĩ đến trợ giúp các bệnh viện Ý.
Tuần trước, các nước EU cũng đã thống nhất được một gói cứu trợ trị giá 500 tỉ euro nhằm trợ giúp các nước thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó Ý và Tây Ban Nha là hai quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất.
"Hướng dẫn mở của trở lại của tổng thống Trump mập mờ"
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng hướng dẫn mở của trở lại của tổng thống Trump là "mập mờ và bất nhất". Bà kêu gọi phải đẩy nhanh việc xét nghiệm.
"Tài liệu mập mờ và bất nhất của Nhà Trắng chẳng làm gì khác hơn là bù đắp cho việc tổng thống đã không lắng nghe các nhà khoa học, cũng như không đưa ra và phân bổ việc xét nghiệm nhanh toàn quốc" - bà Pelosi nói.
Tổng thống Trump: Mỹ muốn mở cửa và người Mỹ muốn mở cửa
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hướng dẫn mở cửa kinh tế trở lại dành cho các bang - Ảnh: REUTERS
"Mỹ muốn mở cửa và người Mỹ muốn mở cửa" - tổng thống Trump cho biết khi đưa ra hướng dẫn để từng bước mở cửa nước Mỹ.
Theo đó, trong giai đoạn đầu, các địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ. Trong giai đoạn 2, việc hạn chế đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể mở cửa trở lại. Trong giai đoạn 3, những người dễ bị tổn hại sức khỏe có thể tái tương tác cộng đồng.
Ông Trump cho biết 29 bang của Mỹ có thể mở cửa trở lại sớm và một số bang đã sẵn sàng có thể mở cửa trở lại "ngay ngày mai". Theo ông, tình hình ở những bang như North Dakota, Montana và Wyoming rất khác so với các bang bị ảnh hưởng nặng như New York, New Jersey.
Tuy nhiên kế hoạch không đưa ra hạn chót để áp dụng và mỗi bang của Mỹ sẽ được quyền tự quyết định thời điểm mở cửa trở lại cũng như áp dụng kế hoạch sao cho phù hợp với tình hình của mỗi bang.
“Nếu họ cần đóng cửa tiếp, chúng tôi sẽ cho phép. Nếu họ nghĩ là đã tới lúc mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ cho họ quyền tự do và sẽ hướng dẫn họ làm việc đó" - đài CNN dẫn lời tổng thống Mỹ nói, không còn đề cập đến quyền "tối thượng" trong việc mở cửa kinh tế như những ngày trước.
Ông Trump cũng cho biết Mỹ đã qua đỉnh điểm dịch và tình hình dịch đang dần ổn định.
Bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia về dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cảnh báo việc mở cửa kinh tế trở lại không có nghĩa là mọi thứ sẽ lập tức trở lại bình thường và điều quan trọng là phải tiếp tục ngăn ngừa dịch bệnh.
"Dù ở giai đoạn nào, có những điều cơ bản mà chúng ta làm sẽ không còn giống như cũ vào tháng 9 và 10. Mọi người có thể gọi nó là điều bình thường mới hoặc sao cũng được, nhưng dù ở giai đoạn một, hai hay ba, mọi chuyện chưa kết thúc. Đó là cách chúng ta tự bảo vệ mình" - ông nói.
Theo số liệu của trang Worldometers, Mỹ đến nay đã có hơn 677.000 ca COVID-19 và hơn 34.500 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm 28.000 ca bệnh mới và khoảng 2.200 ca tử vong, theo hãng tin Reuters.
IMF: Một thập kỷ trì trệ cho Nam Mỹ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 cộng với những vấn đề có sẵn tại khu vực Mỹ Latin và vùng Caribbe sẽ khiến tăng trưởng tại khu vực này giậm chân tại chỗ đến 2025.
Ông Alejandro Werner, lãnh đạo IMF tại Tây Bán cầu, cho biết tăng trưởng tại Nam Mỹ dự kiến giảm 5,2% trong năm nay. Dù có thể hồi phục mạnh mẽ từ 2021, khu vực này sẽ cần nhiều thời gian để bù đắp những tổn thất từ đợt suy thoái kinh tế được coi là nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua do dịch COVID-19.
Mexico thông báo ghi nhận thêm 450 ca mắc COVID-19 và 37 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh cả nước lên 6.297 ca và 486 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell dự báo nước này có thể có hơn 26.000 ca nhiễm do có nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện.
Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro cách chức Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta vì những tranh cãi trong đối phó với dịch bệnh. Theo Reuters, trong khi ông Mandetta ủng hộ việc giãn cách xã hội, ông Bolsonaro chỉ trích việc các bang áp dụng phong tỏa gây thiệt hại cho kinh tế.
Nhiều bang của Mỹ tiếp tục phong tỏa
New York và ít nhất sáu bang ở đông bắc Mỹ ngày 16-4 thông báo sẽ tiếp tục kéo dài biện pháp phong tỏa đến ngày 15-5.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo quyết định kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 15-5 mặc dù số ca tử vong do COVID-19 ở bang này giảm trong 10 ngày liên tục. Ông Cuomo cho rằng, cần phải chứng kiến số ca nhiễm giảm nhiều nữa trước khi có thể nới lỏng lệnh phong tỏa tại bang này.
Số ca tử vong tại bang New York trong ngày 16-4 là 606, ít hơn 146 ca so với ngày trước đó, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 12.192 người. Số người nhập viện trung bình trong 3 ngày qua đã giảm 2%.
Trong khi đó, một số bang như North Dakota, Ohio, Tennessee đang tính đến việc mở cửa trở lại vào đầu tháng 5-2020. Khoảng 18 bang của Mỹ hiện có ít hơn 100 ca tử vong do COVID-19.
Nhiều nước ủng hộ WHO
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16-4 lên tiếng ủng hộ và hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại hội nghị trực tuyến của các lãnh đạo nhóm G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản, bà Merkel khẳng định chỉ có thể đối phó với đại dịch COVID-19 bằng một phản ứng quốc tế mạnh mẽ và sự phối hợp. Chính vì vậy, bà Merkel hứa hẹn hỗ trợ đầy đủ cho WHO cũng như đối tác khác như Liên minh vaccine CEPI (Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh) và Liên minh vaccine toàn cầu GAVI.
Trong ngày, WHO cũng đã nhận được sự ủng hộ từ 23 quốc gia tại một hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch COVID-19 trong khuôn khổ Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương, do Đức khởi xướng.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng WHO vẫn là "xương sống của cuộc chiến đấu chống lại đại dịch toàn cầu". Theo ông, đây không phải là thời gian để đặt câu hỏi về chức năng hay tầm quan trọng của WHO. Ông Maas so sánh việc làm suy yếu WHO ở thời điểm hiện tại "không khác gì hơn là ném phi công ra khỏi máy bay trên chuyến bay".
Campuchia kéo dài lệnh cấm nhập cảnh một số nước
Campuchia ngày 16-4 đã quyết định kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Mỹ, Iran, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Pháp nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngoài ra, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Sea Kosal cho biết các quy định hạn chế nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài đến Campuchia vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có thông báo mới.
"Những biện pháp hạn chế đi lại được đề cập ở trên là tạm thời và phải được tiếp tục thực thi cho tới khi Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra đánh giá chung rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 đã dịu bớt" - ông nói.
Campuchia từ giữa tháng 3 đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài đến từ 6 quốc gia trên và áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh đối với mọi công dân nước ngoài kể từ ngày 30-3.
Bộ Y tế Campuchia ngày 16-4 xác nhận ngày thứ tư liên tiếp không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 nào tại nước này trong khi đã có thêm hai bệnh nhân bình phục. Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 122 ca mắc COVID-19, trong đó 98 trường hợp đã hồi phục sau điều trị.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét