Việt Nam không có ca nhiễm mới và chỉ còn 45 ca đang điều trị. Số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 200.000, trong khi số ca nhiễm được dự đoán có thể lên đến 3 triệu trong vài ngày nữa.
Việt Nam không có ca nhiễm mới, chỉ còn 45 ca đang điều trị
Theo cập nhật lúc 6h ngày 26-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính từ 18h ngày 25-4 đến 6h sáng 26-4, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Tổng số ca bệnh cả nước vẫn là 270 ca, trong đó 225 ca đã khỏi.
Hiện còn 45 trường hợp, trong đó có 5 ca tái dương tính, đang điều trị tại 6 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.
Saudi Arabia nới lỏng giới nghiêm
Quốc vương Salman của Saudi Arabia ra lệnh tháo dỡ một phần lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ. Lệnh giới nghiêm mới sẽ bắt đầu từ ngày 26-4 cho đến ngày 13-5, kéo dài từ 9h sáng tới 3h chiều.
Tuy nhiên hãng tin quốc gia Saudi Arabia cho biết lệnh giới nghiêm 24h vẫn được duy trì tại thánh địa Mecca cùng các khu vực bị cách ly trước đó.
Quy định mới cho phép một số hoạt động kinh tế và thương mại được trở lại, bao gồm các trung tâm thương mại cùng cửa hàng bán sỉ và bán lẻ từ ngày 29-4 đến 13-5.
Số ca tử vong vì COVID-19 toàn cầu vượt 200.000
Đến 6h sáng 26-4, số ca tử vong vì COVID-19 toàn cầu vượt 200.000. Hơn một nửa người chết được ghi nhận tại Mỹ, Tây Ban Nha và Ý.
Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, là nơi có bệnh nhân đầu tiên qua đời vào ngày 10-1. Trong vòng 91 ngày, số ca tử vong toàn cầu đã cán mốc 100.000 và vượt 200.000 sau 16 ngày tiếp theo, theo Reuters. Để so sánh, trên thế giới có khoảng 400.000 người chết hàng năm vì bệnh sốt rét - một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới.
Tính đến sáng 26-4, Mỹ đã ghi nhận hơn 52.400 ca tử vong, trong khi Ý, Tây Ban Nha và Pháp ghi nhận khoảng 22.000-26.000 trường hợp mỗi nước.
Người đi bộ tại thành phố New York, Mỹ ngày 25-4 - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Anh quay lại làm việc vào tuần sau
Người phát ngôn văn phòng thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson sẽ quay lại làm việc vào thứ Hai, ngày 27-5. Ông Johnson đã vượt qua căn bệnh COVID-19 sau khi được chăm sóc đặc biệt trong 3 ngày.
Thủ tướng Anh xác nhận bị nhiễm virus corona chủng mới ngày 27-3 nhưng cho biết sẽ tự cách ly và làm việc từ xa. Ngày 7-4 ông nhập viện và được chuyển ngay vào khoa chăm sóc đặc biệt sau khi ho và sốt liên tục 10 ngày.
Tối 12-4 (giờ Việt Nam), ông được xuất viện sau gần một tuần điều trị tại Bệnh viện St Thomas. Người phát ngôn của ông Johnson cho biết ông được cho xuất viện để tiếp tục hồi phục tại Chequers, một trang viên ở ngoại ô London.
Một cặp đôi tại Washington, Mỹ ngày 25-4 - Ảnh: REUTERS
Tây Ban Nha chuẩn bị cho dân ra ngoài thể dục
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 25-4 tuyên bố sẽ cho phép người dân ra ngoài thể dục từ ngày 2-5 nếu số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục giảm.
Giới quan sát nhận định Tây Ban Nha là một trong những quốc gia châu Âu áp dụng biện pháp phong tỏa mạnh tay nhất vì COVID-19. Nước này đã đưa ra các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn dịch bệnh lây lan từ ngày 14-3. Người dân chỉ được phép ra ngoài mua thực phẩm, thuốc men và làm việc quan trọng trong thời gian này.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-4 ghi nhận thêm 2.861 ca nhiễm và 106 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 107.773 cùng với 2.706 người chết. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có 25.582 bệnh nhân đã hồi phục.
Pháp thông báo số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng 369 lên 22.614, đồng thời chưa ghi nhận ca nhiễm mới.
Bộ Y tế Mexico ngày 25-4 ghi nhận thêm 970 ca nhiễm và 84 ca tử vong mới vì COVID-19.
Theo số liệu chính thức, Mexico đang có 13.842 ca nhiễm và 1.305 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, chính quyền tại đây cảnh báo số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn.
Nhân viên y tế tại bệnh viện Mt. Sinai, thành phố New York, Mỹ, lấy máu bệnh nhân để xét nghiệm COVID-19 ngày 25-4 - Ảnh: REUTERS
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét