Thị trường xây dựng trong nước trầm lắng, giá thép giảm, sản lượng xuất khẩu giảm đến 70-80%, tồn kho cao dẫn đến cung vượt cầu, là nguyên nhân khiến doanh nghiệp (DN) ngành thép phải đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Theo ông Đinh Công Khương - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thép TP.HCM, do ảnh hưởng dịch bệnh lên các ngành kinh tế và các nước nên giá thép hiện đang giảm xuống 100 USD/tấn. DN nào tồn nhiều thì lỗ nhiều, tồn ít lỗ ít. Khi giá thép giảm, DN sản xuất thép cũng phải giảm giá theo thị trường, trong khi nhiều chi phí sản xuất không thể giảm, như chi phí duy trì nhà xưởng, nhân công, tiền thuê đất, tiền điện, nước, cộng với áp lực vốn vay ngân hàng, dẫn đến các DN gặp khó khăn, và khó tránh khỏi nguy cơ thua lỗ.
Cũng theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, giá thép tại thị trường thế giới giảm mạnh, khiến giá thép trong nước cũng giảm và giao dịch ảm đạm. DN muốn bán được hàng thì phải hạ giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Trong khi đó, tồn kho tăng khiến chi phí lưu kho tăng, cộng với lãi suất ngân hàng làm cho chi phí của DN tăng mạnh.
Theo nguồn tin từ FBNC, tổng năng lực sản xuất của toàn ngành thép Việt Nam đạt hơn 30 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà máy hiện chỉ đạt hơn 80% công suất thiết kế, đạt hơn 25 triệu tấn trong năm 2019 với mức tiêu thụ gần 21 triệu tấn.
Như vậy, nguồn cung thép trong nước đang vượt cầu khoảng 9 triệu tấn/năm, áp lực này đặt lên ngành thép không nhỏ. Thực tế, năng lực sản xuất nhiều chủng loại thép hiện gấp 2 lần mức tiêu thụ, khiến các nhà máy thép trong nước phải hoạt động cầm chừng với 50-55% công suất thiết kế. Tương tự, các DN phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, thậm chí là ngừng sản xuất do gián đoạn nguồn cung.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, đối với một số ngành sản xuất như ngành thép, trong khi giá thành nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất có xu hướng tăng, thì giá bán sản phẩm hoàn chỉnh lại buộc phải hạ xuống do xu thế giá thành trên thế giới và tại Trung Quốc giảm sâu, bởi tác động của dịch bệnh, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất và bán hàng trong dài hạn.
Đơn cử, Tổng Công ty thép Việt Nam (Vn Steel) dự báo, sản lượng tiêu thụ của tổng công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý I và tình trạng khó khăn còn kéo dài sang các quý tới khi chịu tác động kép từ dịch bệnh cũng như yếu tố mùa vụ, bởi quý III là mùa mưa bão.
Công ty TNHH MTV Thép miền Nam cũng cho biết, dù vẫn đang duy trì sản xuất để đảm bảo thu nhập cho công nhân nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn. Mọi năm sau Tết nguyên đán là thời điểm thị trường thép tiêu thụ rất tốt. Tuy nhiên năm nay, so với kế hoạch đầu năm và thời điểm cùng kỳ năm ngoái, mức tiêu thụ của Công ty bị giảm 10-20%.
Theo số liệu từ VSA, sản xuất và bán hàng thép trong nước hai tháng đầu năm 2020 lần lượt có mức trăng trưởng âm là 5,3% và 17,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Không chỉ giảm số lượng và doanh thu bán hàng tại thị trường trong nước, xuất khẩu thép các loại cũng giảm 38% so với cùng kỳ năm trước và giảm 21% so với tháng 12/2019, chỉ đạt hơn 283.000 tấn.
Cũng theo số liệu của VSA, tháng 1/2020, Việt Nam xuất khẩu đạt 483.000 tấn thép, với kim ngạch đạt 266 triệu USD. So với tháng 12/2019 và so với cùng kỳ năm 2019, lượng xuất khẩu trên giảm lần lượt là 27% và 37% về lượng.Về trị giá xuất khẩu thép tháng 1/2020 đạt 266 triệu USD, giảm mạnh lần lượt so với tháng 12/2019 và cùng kỳ năm trước là 26% và 45%.
Trong khi xuất khẩu thép giảm thì lượng thép nhập khẩu lại liên tục tăng, các nhà máy nước ngoài cũng gia tăng sản xuất thép tại Việt Nam khiến các DN trong nước vừa khó đơn lại khó kép. Thông tin từ FBNC cho biết, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 14,5 tấn thép các loại, có cả những mặt hàng trong nước còn dư thừa, tồn kho lớn, trong khi đó xuất khẩu chỉ đạt gần 6,7 tấn sắt thép với giá trị chỉ đạt 4,2 tỷ USD. Điều này cho thấy một nghịch lý là tổng công suất thép toàn ngành cung đang vượt cầu, trong khi lượng thép nhập khẩu đang gấp đôi so với xuất khẩu.
Việt Nam đang nhập khẩu hơn 14,5 tấn thép các loại, có cả những mặt hàng trong nước còn dư thừa, tồn kho lớn, trong khi đó xuất khẩu chỉ đạt gần 6,7 tấn sắt thép với giá trị chỉ đạt 4,2 tỷ USD.
DN trông chờ giải pháp
Với những khó khăn, trên dự báo DN ngành thép sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn; mức tiêu thụ thép trên thị trường vẫn trên đà suy giảm đòi hỏi các DN phải có các giải pháp đột phá, tìm nguồn tiêu thụ cùng sự kỳ vọng từ nguồn hỗ trợ chính sách mới.
Hiện, các công trình xây dựng trong nước cũng đang có dấu hiệu chững lại; để kích cầu sử dụng, thì hiện các DN thép trong nước đang tích cực giảm giá nhiều mặt hàng như thép hình, thép ống và thép hộp các loại. Như tập đoàn Thép Hòa Phát, đầu tháng 3/2020 cũng đã hỗ trợ giá 300đ/kg đối với các mặt hàng thép ống và thép hộp tôn mạ kẽm cũng như thép hộp đen.
Ông Khương cũng cho biết, việc số lượng thép tồn nhiều, giá xuống, doanh số giảm sẽ khiến các DN bị “ăn” vào vốn rất nhanh, vì vậy, để tự tháo gỡ, một số DN thép đã chủ động giảm chi phí sản xuất, giảm giá để giải quyết đầu ra. Dù không biết bao giờ hết dịch nhưng đây cũng là thời điểm giá thép đang có giá tương đối tốt nhất, các DN cũng nên tận dụng mua thép cho các công trình sắp khởi công sắp tới.
Ông Khương cũng kiến nghị, hiện Nhà nước đã có chính sách giảm lãi suất cho DN nhưng vẫn chậm, đặc biệt, hiện nay chỉ có rất ít ngân hàng giảm 1% còn lại đa số chỉ từ 0,3-0,5%. DN vẫn đang vay với tỷ lệ cao nên giảm xuống thêm 1-2% nữa, DN sẽ bớt khó hơn. Bên cạnh đó cần có thêm chính sách hỗ trợ các chi phí khác như phí kho bãi, phí bốc dỡ tại cảng.
VSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách, có chính sách ưu đãi thuế như giảm thuế thu nhập DN...
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét